Những ngày làm báo đáng nhớ

Kinhtedothi.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có lẽ trong cuộc đời làm báo, tác nghiệp ở những điểm nóng như cháy nổ, điều tra vụ việc, hay đặc biệt là thời đại dịch Covid-19 là một trong những kỷ niệm không thể nào quên với những người làm báo, đặc biệt là với cán bộ, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị. Trong khi cả thế giới “ở nhà chống dịch”, thì những phóng viên trẻ Kinh tế & Đô thị lại song hành cùng với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Ở đâu có thông tin về tình hình dịch bệnh, ở đó đều có mặt các phóng viên, từ các ổ dịch, bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 hay ở những khu cách ly tập trung...

 
Vẹn nguyên cảm xúc
Trong thời điểm lịch sử ấy, tôi đã từng đặt chân đến những nơi mà nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, phòng thí nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, theo chân Trung tâm y tế (TTYT) quận, huyện đi lấy mẫu bệnh phẩm…
Trong những ngày tác nghiệp ấy, các y bác sĩ, những người luôn lo lắng cho “cánh” phóng viên mỗi khi chúng tôi liên hệ viết bài tại nơi tuyến đầu chống dịch, dù chính họ mới là những người đang ở nơi nguy hiểm nhất. Tôi thực sự xúc động như khi nghe TS Nguyễn Thị Kiều Anh - Phó Giám đốc CDC Hà Nội nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi là phải bảo đảm an toàn cho phóng viên, chỉ sơ sẩy một chút là hỏng việc”.
Tôi cũng thật khó quên hình ảnh tôi và đồng nghiệp theo chân đội phản ứng nhanh của TTYT quận Bắc Từ Liêm lấy mẫu bệnh phẩm. Đến khu vực lấy mẫu bệnh phẩm, đội ngũ y tế đã cho phép chúng tôi vào hiện trường - nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm. Đó là lần đầu tiên, tôi tác nghiệp khi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch. Có tác nghiệp tại đây, chúng tôi mới cảm nhận hết sự vất vả hi sinh của đội ngũ y, bác sĩ các tuyến cơ sở đêm ngày vất vả hi sinh, rong ruổi khắp các điểm nóng của dịch để lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm.
Chúng tôi thầm cảm ơn công việc đã cho chúng tôi “quyền” được tác nghiệp và ghi nhận lại những thời khắc toàn dân chống dịch. Phóng viên Trần Thảo
 
Cuộc họp kết thúc lúc 1 giờ sáng
Có lẽ trong cuộc đời làm báo, tác nghiệp thời đại dịch Covid-19 là một trong những kỷ niệm không thể nào quên với chúng tôi. Trong khi cả thế giới cũng như cả nước ta “ở nhà chống dịch”, thì phóng viên lại ở ngoài đường, cùng với các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Ở đâu có thông tin về tình hình dịch bệnh, ở đó phóng viên đều có mặt; từ các cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch T.Ư, đến các địa phương; rồi thông tin từ các ổ dịch, bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, hay ở những khu cách ly tập trung...
Là một phóng viên nội chính, tôi được phân công theo dõi thường trực các thông tin từ Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, gần 45 cuộc họp của Ban chỉ đạo TP đã diễn ra. Có những cuộc họp khẩn diễn ra lúc 23 giờ đêm và kết thúc vào lúc gần 1 giờ sáng; có những cuộc họp đột xuất được thông báo trước 30 phút bắt đầu cuộc họp. Những tuần cao điểm, gần như ngày nào cũng họp... Dù bất kể khi nào, phóng viên chúng tôi đều có mặt đầy đủ và kịp thời truyền tải những thông tin mới nhất, đúng nhất, cụ thể nhất và trung thực nhất tới công chúng.
Qua đợt dịch lần này, báo chí một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng, vai trò không thể thiếu trong dòng chảy thông tin. Chính sự kịp thời, công khai, minh bạch thông tin trong báo chí đã góp phần quan trọng làm nên thành công bước đầu của Việt Nam trước cuộc chiến với kẻ thù vô hình - Covid-19. Xã hội ghi nhận những người làm báo cũng chính là những người chiến sỹ trên mặt trận chống dịch và thêm trân quý những người làm báo.
Song, để có được sự ghi nhận ấy, phóng viên chúng tôi nhiều người đã phải đánh đổi bằng những đêm thức trắng, những bữa ăn lệch giờ, thậm chí còn dang dở để có thể cập nhật thông tin đến bạn đọc. Có không ít phóng viên bất chấp hiểm nguy lao vào tâm dịch dù những nơi đó tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, để kịp thời ghi nhận những hình ảnh về công tác phòng chống dịch một cách chân thực, khách quan nhất. Sau khi làm xong, những phóng viên ấy cũng phải tự cách ly 14 ngày để đảm bảo an toàn cho chính gia đình của họ… Và rất may mắn rằng không có phóng viên nào bị nhiễm bệnh trong quá trình tác nghiệp.
Dù làm báo ở mỗi thời kỳ mỗi khác, nhưng ở thời kỳ nào, phóng viên chúng tôi luôn hết mình với nghề với một niềm say mê mãnh liệt cùng sự bền bỉ. Dấn thân, cống hiến và say nghề chính là truyền thống, phẩm chất vô cùng đáng quý của thế hệ những người làm báo thuộc nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Phóng viên Thủy Tiên
 
Những cuộc phỏng vấn đặc biệt
Với một phóng viên trẻ, thời điểm tác nghiệp trong đại dịch Covid-19 có lẽ sẽ trở thành một chương rất đặc biệt với cuộc đời làm báo của tôi. Đối với nhiều người, khi xảy ra đại dịch Covid-19, công việc của họ bị chững lại nhưng với tôi thì khác. Suốt mấy tháng qua, tôi cùng các đồng nghiệp dường như không nghỉ bởi guồng quay của công việc từng ngày đầy áp lực, phải xuất hiện trên từng “điểm nóng” để có tin, bài kịp thời. Có mồ hôi, nước mắt, âu lo và cả sự trăn trở về an toàn thông tin, an toàn sức khỏe.
Làm việc trong một tờ nhật báo, tôi đã quen và luôn sẵn sàng với những tình huống bất ngờ nhưng quả thật, đại dịch Covid-19 lần này vượt qua dự đoán của bản thân. Chỉ gần 4 tháng kể từ khi bắt đầu xuất hiện thông tin về dịch ở Vũ Hán mà thế giới đã thay đổi quá nhanh và mỗi người cũng phải thay đổi cách sống, làm việc, suy nghĩ của mình. Bản thân tôi cũng như mọi người đều phải lo phòng dịch cho mình, người thân nhưng còn một nhiệm vụ quan trọng không kém là đảm nhận trách nhiệm những thông tin liên quan đến dịch Covid-19 thuộc lĩnh vực, địa bàn được giao.
Tại cơ quan báo Kinh tế & Đô thị, bên cạnh việc theo dõi thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Thành uỷ Hà Nội thì tôi còn được lãnh đạo báo giao theo dõi thông tin trên địa bàn quận Đống Đa. Trong đợt dịch vừa qua, điều khiến tôi nhớ nhất đó là việc tác nghiệp tại “điểm nóng” bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Bên cạnh việc được cơ quan trang bị đầy đủ đồ bảo hộ tác nghiệp, sự hỗ trợ của chính quyền sở tại thì bản thân tôi cũng luôn suy nghĩ làm cách nào để ghi nhận được thông tin nhanh, chính xác nhưng lại đảm bảo an toàn.
Suốt gần 10 năm làm báo, chưa bao giờ tôi thực hiện phỏng vấn nhân vật qua điện thoại. Vậy nhưng, khi dịch Covid-19 xảy ra, để ghi nhận được những thông tin về sự vất vả của các chiến sỹ Công an quận Đống Đa đang chốt trực tại đây, tôi đã phải nhờ lãnh đạo quận kết nối. Sau đó, những thông tin, cuộc phỏng vấn đối với các chiến sỹ đang trực tiếp làm nhiệm vụ tại “điểm nóng” này đều được tôi thực hiện qua chiếc điện thoại. Có khi là những cuộc điện thoại, gọi face time hay gửi câu hỏi phỏng vấn qua zalo. Những cuộc trò chuyện đó đều phải diễn ra trong thời điểm hoàn toàn khác biệt đó là khi các chiến sỹ hết ca trực vào đêm muộn…
Tôi vẫn nhớ có một câu nói “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” và nó càng quá đúng với người làm nhật báo như tôi. Bởi không sự kiện nào giống sự kiện nào trong báo chí nhưng đúng là đại dịch Covid-19 này sẽ là thời kỳ khó quên nhất. Sau này khi đại dịch qua đi, có lẽ sẽ không thể quên những ngày tháng này vì nó đã giúp tôi nhận rõ giá trị cuộc sống đó là “Hãy chăm lo và giữ gìn tài sản lớn nhất của bạn là sức khỏe”. Phóng viên Trần Long
 
Nhiệm vụ đặc biệt ngày cách ly toàn xã hội
Trong những ngày cách ly toàn xã hội, các phóng viên Ban Nội chính, trong đó có tôi nhận được nhiệm vụ Ban Biên tập, lãnh đạo ban giao tiếp cận các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn Hà Nội để chuyển tải thông tin tới bạn đọc. Làm sao chúng tôi có thể tiếp cận được các cơ sở cách ly khi các khu vực này được quân đội tiếp quản “quân lệnh như sơn”, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, và làm sao chúng tôi tác nghiệp tại các cơ sở này trở về an toàn là câu hỏi đầu tiên nảy ra trong đầu tôi?
Tác nghiệp tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, các phóng viên đều được cơ quan trang bị đồ bảo hộ; đồng thời, phải luôn ghi nhớ lời lãnh đạo báo nhắc nhở, căn dặn, phải tác nghiệp thật sự an toàn, không thể vì một bài viết, một cái tin mà phải đóng cửa cả tòa soạn báo. Cùng đó, chúng tôi còn có gia đình, con nhỏ, mình không thể trở thành nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, cộng đồng dân cư. Tôi vẫn còn nhớ cả khu chung cư chúng tôi đã hoảng loạn, hoang mang, lo âu thế nào khi nhận được thông tin, có một cư dân từng đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai trong những ngày được coi là không an toàn.
Nhưng ngay sau đó, mọi việc đều diễn ra thuận lợi. Trực tiếp đến tác nghiệp tại điểm cách ly Ký túc xá Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, chứng kiến những công việc không tên của những người lính phục vụ công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về lưu trú tại đây, tôi không khỏi xúc động. Những ngày đầu đón gần 700 công dân ở trong khu cách ly, khoảng 20 chiến sĩ tại đây rất vất vả trong việc triển khai khu vực cách ly chỉ trong thời gian ngắn vài ngày. Trong khu cách ly có nhiều trường hợp cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai, hay các trường hợp ăn chay, bị bệnh tiểu đường… cần có chế độ ăn uống riêng nên lực lượng quân đội phải linh hoạt phục vụ; đồng thời, luôn hỗ trợ tận tình khi công dân có bất kỳ yêu cầu.
Với tiêu chí “không ai bị bỏ lại phía sau”, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang TP Hà Nội đã nỗ lực hết mình, tạo môi trường sinh hoạt thoải mái để công dân yên tâm cách ly, thực hiện đúng quy định của Nhà nước, góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Đó cũng là những hình ảnh sống động, chân thực nhất khi tôi được chứng kiến, thực hiện bài viết về tình quân dân ở khu cách ly, đăng trên báo điện tử Kinh tế & Đô thị ngày 9/4, và trên báo in ngày 14/4. Phóng viên Hồng Thái
 
Tác nghiệp tại tâm dịch đầu tiên của Hà Nội
Đêm 6/3, là một đêm không ngủ của Hà Nội khi TP phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, mở đầu cho giai đoạn bùng phát dịch vô cùng phức tạp sau này. Khi được phân công tác nghiệp tại điểm “nóng” Trúc Bạch, tôi đã không quản ngại khó khăn, vất vả, gạt đi nỗi sợ hãi để đến hiện trường cập nhật thông tin từ khu cách ly. Nếu ai đó hỏi chúng tôi rằng "các bạn có sợ không?". Chắc chắn câu trả lời sẽ là có. Nhưng, bản năng nghề nghiệp, mong muốn có được tin tức mới nhất, hữu ích nhất đã luôn thôi thúc chúng tôi - những phóng viên Kinh tế & Đô thị xông pha vào điểm “nóng”.
21 giờ 15 phút ngày 20/3 là thời khắc vỡ òa trong niềm hạnh phúc của nhiều người dân khi đoạn phố Trúc Bạch chính thức hết thời gian cách ly y tế bắt buộc 14 ngày. Tôi lại một lần nữa có mặt, cùng chứng kiến và chia sẻ niềm vui vô bờ bến không chỉ của người dân mà còn với cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch. Đây là thành công bước đầu rất đáng ghi nhận trong việc phòng, chống đại dịch Covid-19 của Hà Nội và cả nước.
Chúng tôi vẫn nói với nhau, dịch bệnh qua đi, nó vừa là nguy cơ với xã hội nhưng lại là dịp để thể hiện bản lĩnh, chuyên môn và lòng yêu nghề của người truyền tin, góp phần lan tỏa những thông điệp tốt đẹp đến cộng đồng. Phóng viên Hoàng Hiệp
 
Sẵn sàng lên đường tác nghiệp
Trong balo của tôi những ngày tháng 3/2020 luôn đầy đủ những thiết bị để sẵn sàng lên đường tác nghiệp như máy ảnh, máy tính và tất nhiên không thể thiếu vài bộ đồ bảo hộ y tế, nước sát khuẩn, khẩu trang… Sân bay Nội Bài, Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC), thôn Hạ Lôi (xã Hạ Lôi, Mê Linh)… là những nơi mà tôi đã đến để ghi lại những hình ảnh chân thực, sinh động nhất của các tuyến chống dịch. Mỗi lần tác nghiệp là một dấu ấn, kỷ niệm, cảm xúc riêng trong cuộc đời làm báo của mình ở một thời khắc lịch sử mà toàn thế giới đang phải gồng mình chống dịch. “Bạn xác định tư tưởng đi, vào đây là ở luôn đây không được về đâu” – một cán bộ thuộc CDC đã nói với tôi trước khi bước chân vào cánh cửa của phòng xét nghiệm mẫu bệnh phẩm Covid-19.
Và cũng chính tại nơi này, nhiều mẫu được xác định dương tính với SARS-CoV-2 được chuyển tiếp lên Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư. Sự lo sợ là điều khiến tôi phải ngập ngừng và băn khoăn, nhưng trách nhiệm của công việc lại khiến tôi quên đi những hiểm nguy đang rình rập. Hay như việc tác nghiệp tại Sân bay Nội Bài khi người dân Việt Nam ồ ạt đổ về tránh dịch cũng khiến tôi lo lắng, nhưng rồi tất cả lại dành cho công việc. Cả 2 chuyến bay chúng tôi tác nghiệp, ghi hình, 2 ngày sau được Bộ Y tế ra thông báo khẩn là đều có trường hợp nhiễm Covid-19. Rất may, nhờ được bảo hộ phòng dịch nghiêm ngặt nên chúng tôi đều an toàn.
Niềm vui của người làm báo chính là được “sống cùng sự kiện”. Vì thế, việc được tác nghiệp trong mùa dịch là một niềm vui và cơ hội để bản thân tôi có thêm những trải nghiệm trong đời của nghề báo. Phóng viên Ngọc Tú
 
Vén màn bí ẩn nước sạch sông Đà 
Đầu tháng 9/2019, nguồn nước sạch sông Đà cấp cho hàng trăm ngàn hộ dân tại khu vực phía Tây Hà Nội bỗng nhiên bốc mùi khó chịu, không thể dùng để sinh hoạt cũng như ăn uống. Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, được sự phân công của Ban Biên tập, tôi và một số đồng nghiệp ngay lập tức lên đường thực địa tại khu vực Nhà máy nước sạch sông Đà - nơi sản xuất nước sạch để bán cho người dân khu vực phía Tây TP để tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc.
Những tưởng khi đã đến nơi mọi vấn đề sẽ nhanh chóng được làm rõ nhưng càng thâm nhập sâu nó càng trở nên phức tạp. Bởi, khi nước sạch xuất hiện mùi khó chịu, bản thân Nhà máy nước sạch sông Đà như cố tình giấu thông tin vụ việc và cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên do đơn vị tiến hành sục, rửa đường ống, cho quá nhiều Clo. Song, dành nhiều giờ đồng hồ khảo sát các khu vực xung quanh Nhà máy nước sạch sông Đà, chúng tôi phát hiện nước suối bốc mùi nồng nặc kèm theo váng dầu nổi trên mặt nước, tạo cảm giác nôn nao khó chịu. Từ những bằng chứng, hình ảnh mà chúng tôi đã ghi nhận được, lãnh đạo Công ty CP Kinh doanh nước sạch Viwasupco đã buộc phải thừa nhận nước bị nhiễm dầu. Và cũng từ đó, những đối tượng có hành vi vi phạm đã bị các lực lượng chức năng bắt giữ, khởi tố để xử lý. Phóng viên Công Trình
 
Chạy đua cùng lính cứu hỏa
Chiều 28/8/2019, khi tôi vừa rời cơ quan về tới nhà, một tin nhắn của đồng nghiệp hiện lên với nội dung “cháy nhà máy Rạng Đông, to lắm”. Thấy việc là làm, tôi lao đến ngay hiện trường cùng các đồng nghiệp để có thể đưa tin tới cho độc giả. Khi tôi có mặt tại hiện trường, những cột lửa ngùn ngụt bốc lên, các hộ xung quanh đều vội vã chuyển đồ phía trong nhà ra ngoài đường dẫn đến tình cảnh nháo nhác cả khu phố Hạ Đình.
Những vòi nước liên tục được bơm vào đám lửa, lính cứu hỏa không ngừng tay để dập đám cháy. Trong khi đó, phóng viên chạy đua với đám cháy cũng như lính cứu hỏa để ghi nhận thông tin. Tôi và các đồng nghiệp tìm cách leo lên tầng 5 của một nhà dân để chụp được những bức ảnh đắt giá. Đám cháy lớn khiến việc tác nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt khi lửa nóng khiến cả lính cứu hỏa cũng như phóng viên khó tiếp cận được hiện trường. Sau bao nỗ lực của lực lượng, đám cháy cũng đã được khống chế, lúc đó đồng hồ cũng đã điểm hơn 1h sáng.
Việc khống chế được đám cháy đã là một thành công, nhưng hậu quả sau đó dẫn đến những hệ lụy đáng lo ngại. Sau đó 2 ngày, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai đã tiếp nhận 10 phóng viên có tác nghiệp tại hiện trường và 2 người dân tại khu vực xảy ra cháy đến kiểm tra nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Sự lo lắng thường trực xuất hiện trong tôi và những đồng nghiệp, tuy nhiên sau khi được thông tin từ bệnh viện đã giúp chúng tôi yên tâm hơn. Phóng viên Duy Khánh