Những người “cõng luật lên non”

Văn Chiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thành lập được 2 câu lạc bộ tư vấn pháp luật, 19 tổ hòa giải cơ sở, 2 tổ tư vấn pháp lý, đồng thời sử dụng các hình thức tuyên truyền bằng tờ rơi, tờ gấp, qua hệ thống loa truyền thanh… những năm qua, cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc (tỉnh Điện Biên) đã trở thành cầu nối đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc vùng biên.

Diện mạo mới

Cách TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) chừng 80km, con đường đến với Huổi Puốc được phủ xanh bởi ngút ngàn những nương ngô xen kẽ giữa những ngôi nhà sàn của bản người Mông, người Thái. Những ngôi nhà sàn mọc lên dọc hai bên quốc lộ 279C, những con đường nối vào các bản tuy không lớn nhưng sạch sẽ cho thấy một cuộc sống nền nếp, văn minh đổi thay của người dân ở mảnh đất này. Dọc đường đi, dân bản vẫn tấp nập bán, mua, trao đổi với nhau những món hàng nông sản thiết yếu, cần mẫn trên những nương ngô, chăm sóc từng khóm lúa trên thửa ruộng bậc thang…

Chiến sĩ Đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc đến tận nhà tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc.  Ảnh: Văn Chiến

Có được thành quả ấy, phải kể đến phần công lao không nhỏ của những chiến sĩ đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc - những người đã không quản gian lao, vất vả đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc nơi đây.

Nhớ lại những ngày đầu mới nhận công tác ở đồn, Thiếu tá Đinh Công Điện - Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc chia sẻ: “Đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc được giao nhiệm vụ quản lý 26km đường biên, 13 vị trí, 19 mốc quốc giới, giáp với huyện PhônThoong, tỉnh Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào). Địa bàn quản lý của Đồn thuộc 2 xã Phu Luông, Mường Lói là nơi có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng của huyện biên giới Điện Biên. Đây đồng thời cũng là địa bàn có tỷ lệ dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí còn những hạn chế nhất định… Đặc biệt, hai xã Mường Lói và xã Phu Luông có 19 bản với 5 bản giáp biên. Các bản giáp biên đều nằm xa trung tâm xã, trong đó, bản xa nhất cách trung tâm xã gần 30km. Lợi dụng đặc điểm đó, các thế lực thù địch thường xuyên tuyên truyền xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng; lôi kéo, dụ dỗ đồng bào vi phạm các quy định của pháp luật...”.

Xác định việc tuyên truyền để đồng bào nắm vững và chấp hành tốt quy định pháp luật có ý nghĩa quan trọng trong giữ vững an ninh trật tự khu vực giáp biên, Đảng ủy, Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc đã đề ra nhiều giải pháp để đưa chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào giúp nâng cao nhận thức của người dân; củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết quân - dân trong gìn giữ, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

Phương châm “3 bám, 4 cùng"

Theo Thiếu tá Đinh Công Điện, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc miền biên là công việc vô cùng khó khăn, thử thách lòng kiên trì và sự đeo bám của cán bộ. Khó khăn lớn nhất đối với các chiến sĩ là về giao tiếp. Xác định công tác ở vùng dân tộc phải nói được tiếng dân tộc và nắm được phong tục tập quán, đời sống văn hóa của đồng bào để tuyên truyền vận động có hiệu quả là yêu cầu cần thiết, Đồn biên phòng cửa khẩu Huổi Puốc đã xây dựng kế hoạch tổ chức lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, phối hợp cùng già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín cùng làm công tác tuyên truyền. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho hơn 2.000 lượt hộ gia đình về Luật Biên giới, Quy chế khu vực biên giới, Luật Phòng chống ma túy; triển khai bước đầu có hiệu quả Đề án tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân khu vực biên giới giai đoạn 2013 - 2016.

Thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng”, bằng việc làm cụ thể, hàng năm, đơn vị cử và phân công 2 đảng viên tham gia Đảng ủy, được Huyện ủy giao giữ chức Phó Bí thư cùng với các tổ đội công tác trực tiếp giúp đỡ đồng bào các bản, tổ chức lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong các buổi sinh hoạt tập trung tại cơ sở; các ngày lễ cổ truyền của từng dân tộc trên địa bàn… Việc tuyên truyền còn được thực hiện bằng hình thức phát tờ rơi, tờ gấp đến các hộ gia đình; thông qua các chương trình truyền thanh cơ sở, chương trình biểu diễn văn nghệ, chiếu phim lưu động… Đặc biệt, với vai trò nòng cốt của những người lính quân hàm xanh, tại các xã biên giới Phu Luông và Mường Lói đã thành lập được 2 câu lạc bộ tư vấn pháp luật, 19 tổ hòa giải cơ sở, 2 tổ tư vấn pháp lý… Trong đó, công tác tư vấn, giải đáp các vấn đề về pháp luật cho người dân của Câu lạc bộ tư vấn pháp luật do cán bộ tư pháp, văn hóa xã và đồng chí Chính trị viên phó Đồn trực tiếp phụ trách. Đời sống của người dân 2 xã Mường Lói và Phu Luông vẫn còn rất nhiều khó khăn. Phần lớn thời gian bà con đều ở trên nương. Do vậy, cán bộ biên phòng phải linh hoạt, trách nhiệm để công tác tuyên truyền pháp luật thực sự có được hiệu quả cao nhất.

Để Nhân dân từng bước thoát nghèo, người lính quân hàm xanh sát cánh hướng dẫn đồng bào cách khai hoang làm ruộng bậc thang trồng lúa nước, cách chăn nuôi trâu bò, sử dụng giống mới lúa, ngô, đậu tương. Từ đó để đồng bào định canh, định cư, hạn chế việc đốt phá rừng làm nương trái phép. Đơn vị chủ động cùng các đoàn thể: Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu Chiến binh, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Trạm Khuyến nông Khuyến lâm, vay vốn ngân hàng mua cây, con giống và đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Vì vậy, mỗi năm các xã giảm được 4 - 5% hộ nghèo.

Hiệu quả rõ nét nhất có thể nhận thấy từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc tổ chức là từ nhiều năm gần đây, đồng bào các dân tộc trên địa bàn do Đồn phụ trách đã không còn di dịch cư tự do; không nghe, tin theo kẻ xấu tham gia cái gọi là “Vương quốc Mông”… Cùng với đó, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhất là các quy định liên quan đến công tác bảo vệ chủ quyền biên giới đã có tác dụng lớn giúp nâng cao nhận thức, ý thức của người dân Mường Lói và Phu Luông trong tham gia bảo vệ đường biên mốc giới quốc gia.

Đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã tích cực thực hiện có hiệu quả phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự”. Đến cuối năm 2016, đã có 100% hộ dân của 5 bản giáp biên giới ký kết tham gia tự quản đường biên, mốc giới và 19/19 tổ an ninh thôn, bản với 129 thành viên đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Trên cơ sở hiểu biết pháp luật, Nhân dân các dân tộc đều tự nguyện tham gia phối hợp cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc bảo vệ mốc giới, đường biên; đồng thời nêu cao ý thức cảnh giác, kịp thời phát hiện, cung cấp cho đơn vị nhiều nguồn tin có giá trị về an ninh trật tự và tội phạm về buôn bán ma túy...q

Nhờ thường xuyên bám nắm địa bàn, gần gũi với người dân nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật do các chiến sĩ bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Huổi Puốc tổ chức có hiệu quả rất cao. Đến nay, không chỉ ở bản Lói 1 mà người dân tại các bản khác trong xã như Na Chén, Huổi Không, Noong É… đều hiểu và chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật nghiêm túc hơn trước rất nhiều.

Ông Lò Văn May

Trưởng bản Lói 1