Những tin vui đầu năm của đường sắt và HARACO 

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-“Quý I năm 2024, doanh thu Tổng công ty Đường sắt đạt trên 1.300 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải đạt trên 1.200 tỷ đồng (vượt kế hoạch 11%) khẳng định sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành” Tổng giám đốc Hoàng Gia Khánh cho biết.

 Với vị thế là đơn vị có nhiều giải pháp kinh doanh sáng tạo năm 2023, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (HARACO) tiếp tục có những kết quả kinh doanh ấn tượng, đạt doanh thu trên 670 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 51% toàn Tổng công ty. Đứng thứ 2 là Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đạt doanh thu 534 tỷ đồng chiếm tỷ lệ 41%. Trong 670 tỷ đồng, doanh thu vận tải của HARACO đạt 628 tỷ đồng, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ từ kho đến kho (42 tỷ đồng), thể hiện tư duy mới, đầy mạnh các mảng thị trường ngoài vận tải đường sắt.

HARACO vừa khai trương tàu du lịch Huế-Đà Nẵng. Ảnh NT
HARACO vừa khai trương tàu du lịch Huế-Đà Nẵng. Ảnh NT

HARACO, tăng trưởng 11%

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty HARACO Đỗ Văn Hoan: công ty đang bám rất sát Nghị quyết của HĐQT, linh hoạt điều chỉnh giá tuyến Hà Nội- Lào Cai, tung ra sản phẩm tàu du lịch Huế-Đà Nẵng, nâng cao hiệu quả khai thác tàu SE19/20 (Hà Nội-Đà Nẵng) và SE1/2 (Hà Nội). Với doanh thu 420-430 triệu/vòng, đoàn tàu chất lượng cao SE19/20 đang khai thác 100% phương án vé, trở thành mác tàu hiệu quả nhất trên toàn tuyến đường sắt Việt Nam. Quý I năm nay, Công ty đã đạt chỉ tiêu tăng trưởng 11% theo kế hoạch và so với cùng kỳ, một thành tích rất ấn tượng.

Với kết quả kinh doanh vận tải hành khách đạt doanh thu 361 tỷ đồng (tăng trưởng 17%), vận tải hàng hóa đạt 253 ngàn tỷ đồng đồng (tăng trưởng 4%). Tỷ lệ doanh thu vận tải hành khách của Công ty chiếm trên 60% doanh thu vận tải, cho thấy đây vẫn là thế mạnh cần đầu tư khai thác. Bên cạnh đó, kinh doanh hỗ trợ vận tải đang có dấu hiệu khởi sắc, HARACO đang cho thấy sự thay đổi tích cực trong việc chuyển dịch tỷ lệ cơ cấu doanh thu, đảm bảo kinh doanh có lãi.

Dịch vụ ngâm chân thảo dược trên tàu SE19/20. Ảnh NT
Dịch vụ ngâm chân thảo dược trên tàu SE19/20. Ảnh NT

Để có được thành tích này phải ghi nhận sự nỗ lực của các chi nhánh, những người đứng đầu đã bám sát hiện trường, xông thẳng vào các điểm nóng cùng người lao động. Không khó để thấy hình ảnh các giám đốc chi nhánh có mặt tại các phân xưởng chỉnh bị toa xe, làm vệ sinh tàu cùng anh em. Lãnh đạo Công ty xuôi ngược tại các điểm nóng Lào Cai, Hải Phòng…chỉ đạo, giải quyết các nút thắt trong kinh doanh.

Chất lượng phục vụ tăng

PGS.TS Nguyễn Hồng Thái, Chủ nhiệm Khoa Vận tải-Kinh tế (Đại học GTVT) khẳng định: ngoài yếu tố tăng trưởng doanh thu, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật của đường sắt cũng đang thay đổi theo hướng tích cực. Đơn cử như HARACO, cự ly vận tải bình quân hành khách đi tàu Thống Nhất đã đạt 570 km/HK, rất đáng biểu dương. Điều quan trọng là họ đã có một chiến dịch vận tải Tết được chuẩn bị tốt từ khâu chỉnh bị toa xe, giải quyết tồn tại “mùi tàu”, công tác phục vụ trên tàu, làm khá tốt khâu truyền thông marketing.

3 tháng đầu năm, Đoàn Tiếp viên Đường sắt Hà Nội đã có 44 lần trả lại tiền, ngoại tệ, tài sản và giấy tờ của hành khách đi tàu bỏ quên với tổng giá trị trên 300 triệu đồng là minh chứng cho chất lượng phục vụ của đơn vị. Quý I năm nay là thời điểm giá nhiên liệu liên tục có sự thay đổi, công ty đã bám sát diễn biến, thường xuyên liên hệ với chủ hàng để đưa ra giá cước hợp lý, được chủ hàng tàu chuyên tuyến chấp nhận. Việc mạnh dạn điều chỉnh lịch chạy tàu và giá vé tàu SP10 (Lào Cai-Hà Nội) được các công ty du lịch đánh giá cao. Nếu không mạnh dạn tối ưu phương án chạy tàu, đưa ra giá vé hợp lý, đường sắt khó lòng cạnh tranh xe giường nằm Hà Nội-Sapa.

Dịch vụ toa cộng đồng trên tàu du lịch HD1. Ảnh NT
Dịch vụ toa cộng đồng trên tàu du lịch HD1. Ảnh NT

Nhờ nâng cao chất lượng phục vụ, làm tốt công tác truyền thông nên các mác tàu SE1/2, SE19/20, các mác tàu Hà Nội-Hải Phòng đã và đang được hành khách lựa chọn. Nhiều vòng quay SE1/2 có doanh thu trên 1,2 tỷ đồng, nhiều mác tàu SE1 có doanh thu trên 700 triệu đồng là những tín hiệu mừng của kinh doanh vận tải đường sắt đang chịu nhiều sự cạnh tranh của các phương tiện khác. Đường sắt đã bám sát tình hình khai thác của các hãng hàng không, đưa ra những quyết sách phù hợp để hòng nâng cao thị phần. Tra Google, các mác tàu đường sắt và thương hiệu HARACO đã xuất hiện 32.000 lượt trong 1 giây, chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng giành cho đơn vị lớn nhất ngành đường sắt hiện nay.

Trong kinh doanh, HARACO đã triển khai “lấy ngắn, nuôi dài” biết cân đối kinh doanh tàu khách, tàu hàng trong từng thời điểm. Trong kinh doanh tàu khách, đơn vị không dàn trải mà biết phân tích, đầu tư kinh phí sửa chữa phương tiện, nhân sự cho các mác tàu chủ lực. Điều đáng ghi nhận là việc đường sắt hạn chế bán ghế phụ đã cải thiện đáng kể hình ảnh tàu Thống Nhất, được hành khách đánh giá cao. Sau 2 năm COVID-19, tư duy kinh doanh của lãnh đạo đường sắt đã có nhiều sự thay đổi đáng kể được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận. Khi “đầu tàu” thay đổi thì “con tàu Việt Nam” mới có điều kiện khởi sắc, thu nhập người lao động mới được cải thiện.

“Thị trường du lịch đường sắt của Việt Nam đang sơ khai nhưng rất tiềm năng, nếu như làm tốt công tác quy hoạch” Tỉ phú Tim Littler, Chủ tịch và đồng sáng Golden Eagle Luxury Train (Vương quốc Anh). Ảnh TA
“Thị trường du lịch đường sắt của Việt Nam đang sơ khai nhưng rất tiềm năng, nếu như làm tốt công tác quy hoạch” Tỉ phú Tim Littler, Chủ tịch và đồng sáng Golden Eagle Luxury Train (Vương quốc Anh). Ảnh TA

Hướng tới thị trường du lịch đường sắt

Ngoài các mác tàu hướng tới thị trường khách du lịch tuyến Hà Nội-Lào Cai, Hà Nội-Đà Năng và mới đây đường sắt đã khai trương thêm mác tàu HĐ (Huế-Đà Nẵng) và tới đây là SE21/22 (Sài Gòn-Đà Nẵng) đang được các hãng du lịch trong và ngoài quan tâm. Tỉ phú Tim Littler, Chủ tịch và đồng sáng Golden Eagle Luxury Train (Vương quốc Anh) một trong hai hãng du lịch đường sắt lớn nhất châu Âu với 35 năm kinh nghiệm đã chia sẻ, không phải các con số mà chính sự thay đổi tư duy kinh doanh của lãnh đạo đường sắt sẽ giúp cho thị trường này sôi động hơn. Golden Eagle Luxury Train đang cử người khảo sát thị trường du lịch này trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Phó Viện trưởng phụ trách, TS Phạm Hoài Chung (Viện Chiến lược & Phát triển GTVT- Bộ GTVT) chủ nhiệm Đề án “Cải thiện hạ tầng và Chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch” khẳng định: được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong thời gian gần đây hạ tầng đường sắt đang được dần cải thiện, nên việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam định hướng phát triển du lịch là một hướng đi đúng nhưng cần đẩy nhanh tốc độ. Đường sắt cần sớm bắt tay với các hãng du lịch lớn, có kinh nghiệm, uy tín phát triển thị trường để cùng vẽ nên bản đồ du lịch đường sắt để định hướng đầu tư, kêu gọi hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.