Nỗi đau bạo hành trẻ em!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tiếng khóc thét, sợ hãi của con trẻ tại cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở TP Hồ Chí Minh làm xót lòng những người làm cha làm mẹ.

Có ai ngờ rằng, phía trước cổng sắt ấy, phía sau nụ cười luôn nở trên môi, những cái vuốt ve, ôm ấp của cô giáo khi ra đón trẻ, lại là những trận đòn roi, dọa dẫm vô cùng tàn bạo của những người vốn được coi là mẹ hiền.
 Chủ cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh làm việc với cơ quan công an.
Có ai ngờ rằng, những vết cháy hằn sâu trên cơ thể bé gái 7 tuổi do chính cha đẻ mình dùng sắt đỏ nung con. Những vết thương trên thể xác có thể sẽ sớm lành, nhưng chắc chắn, vết thương trong tâm hồn sẽ mãi đeo đẳng con đến suốt cuộc đời. Vết thương ấy càng đau và cay đắng hơn, là do chính người thân của mình gây nên.

Và cũng không ai dám tin, chỉ vì không ngoan, đứa trẻ chưa đầy 2 tháng tuổi ở Hà Nam đã bị người giúp việc“nổi đóa” quăng quật, đánh đập không thương tiếc.

Đây chỉ là những sự việc trong vô vàn sự bạo hành đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trên khắp đất nước này. Ở đâu đó, vẫn có những người cha, người mẹ đánh con tàn bạo, ở đâu đó vẫn có những cô giáo hành hạ học sinh không nương tay nhưng chưa bị phanh phui. Và, khắp mọi nẻo đường, người ta vẫn chứng kiến những hình ảnh khá quen thuộc của những đứa trẻ mang không ít thương tích đang lê la ăn xin khắp phố. Đã có những ông bố, bà mẹ nhẫn tâm bán con mình cho những kẻ chăn dắt, đưa các em đi kiếm tiền khi mới một, hai tuổi. Rồi những vụ bé gái bị chính người cha, người ông, người chú của mình xâm hại tình dục. Một con số đau lòng, mỗi năm, có hàng nghìn vụ trẻ em bị bạo hành, hàng trăm trẻ em bị thương tích và tử vong bởi nạn bạo hành của người lớn.

Công tác quản lý đã được phân cấp từ T.Ư đến địa phương, cấp nào cũng có cơ quan phụ trách phụ nữ và trẻ em. Nhưng đến nay, trẻ đã thực sự được bảo vệ theo Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã phê chuẩn gần 30 năm nay hay chưa? Vào tháng 4/2016, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Trẻ em với 7 chương, 106 điều, quy định đầy đủ tất cả quyền của trẻ em và trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức. Ngay sau đó, các cơ quan từ Bộ LĐTB&XH, VHTT&DL, Tư pháp, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đến Hội LHPN Việt Nam cùng các địa phương đã nhiều nhiều lần ngồi lại với nhau. Những bản tham luận chỉ rõ nguyên nhân và thực trạng của nạn bạo hành trẻ em, 6 giải pháp đã được xướng lên, nhưng dường như, vấn nạn này vẫn không hề thuyên giảm. Mới đây nhất, tại Diễn đàn trẻ em quốc gia 2017 tổ chức liên tiếp 3 ngày tại Hà Nội, 23 thông điệp của trẻ em về chấm dứt nạn bạo hành tiếp tục được đưa ra.

Nhưng liệu những giải pháp, những thông điệp ấy có xuống đến từng khu dân cư, tổ dân phố, có len lỏi vào trong từng suy nghĩ, hành vi của những người giơ tay đòn roi với con trẻ, có “thấm" vào ý thức mỗi người dân để hiểu hơn về quyền của trẻ em? Đến bao giờ, những nỗi đau câm nín của con trẻ trước sự tàn độc của người lớn mới chấm dứt? Câu hỏi này không chỉ dành cho các cơ quan chức năng mà chính mỗi người dân trong cộng đồng.