OANA 44: Nâng cao sự chuyên nghiệp giúp phân biệt nhà báo với "những kẻ tung tin"

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Giám đốc điều hành Hãng Thông tấn Bernama (Malaysia), công việc của các nhà báo chuyên nghiệp đòi hỏi độ tin cậy, đưa tin có đạo đức, trách nhiệm, chất lượng, kiểm chứng sự thật và xác minh - một sự kết hợp cần thiết để đảm bảo xây dựng quốc gia, hòa bình, hòa hợp dân tộc cũng như ổn định chính trị và kinh tế.

Sáng 19/4, Hội nghị Ban chấp hành Tổ chức các hãng thông tấn châu Á - Thái Bình Dương (OANA) lần thứ 44 đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
Hội nghị có sự tham dự của khoảng 40 đại biểu quốc tế là lãnh đạo và đại diện các hãng thông tấn thành viên Ban chấp hành và khách mời là thành viên OANA. Trong đó, nhiều hãng thông tấn có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn, như: Azertac (Azerbaijan), TASS (Liên bang Nga), Tân Hoa xã (Trung Quốc), Kyodo News (Nhật Bản), Yonhap News Agency (Hàn Quốc), AAP (Australia), BTA (Bulgaria)…
Bên lề Hội nghị, các đại biểu đã có những chia sẻ về kinh nghiệm trong sản xuất thông tin cũng như làm cách nào củng cố vị thế trong môi trường truyền thông thay đổi nhanh chóng hiện nay.
Bà Nurini Kassim - Giám đốc điều hành Hãng Thông tấn Bernama (Malaysia)
Cốt lõi là sự chuyên nghiệp
Bà Nurini Kassim - Giám đốc điều hành Hãng Thông tấn Bernama (Malaysia) đánh giá: Hiện nay sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội mang lại nhiều thay đổi tích cực, song nó cũng có một số tác động tiêu cực.
Xu hướng "báo chí công dân" (citizen journalism) ngày càng phát triển đã mang lại nhiều thông tin được công chúng quan tâm rộng rãi, nhưng tính xác thực của thông tin có thể đáng ngờ và gây tranh cãi.
Thông tin sai lệch đó có thể lan truyền trên mạng và tràn ngập trên các mạng truyền thông xã hội. Sự thiếu chuyên nghiệp đó dẫn đến nhiều hậu quả mà nếu không được kiểm soát, nó có thể đẩy một xã hội hoặc thậm chí một quốc gia vào tình trạng bất ổn chính trị hoặc kinh tế và rối loạn xã hội. Sự thiếu trách nhiệm này đe dọa việc đưa tin theo chuẩn mực đạo đức của báo chí chính thống và truyền thông truyền thống.
Báo chí chính thống và truyền thông truyền thống là nơi mà báo chí chuyên nghiệp có thể đóng vai trò chủ chốt - điều mà các hãng thông tấn có thể tự hào, nơi các nhà báo và phóng viên được đào tạo bài bản, không chỉ các kỹ năng viết mà cả những quy tắc cốt yếu của báo chí.
Không giống như các nhà báo công dân, các nhà báo chuyên nghiệp nhìn vào mọi khía cạnh để đưa ra những thông tin đa dạng và khách quan. Nói cách khác, báo chí chuyên nghiệp có nền móng là chất lượng chuyên nghiệp.
"Công việc của các nhà báo chuyên nghiệp đòi hỏi độ tin cậy, đưa tin có đạo đức, trách nhiệm, chất lượng, kiểm chứng sự thật và xác minh - một sự kết hợp cần thiết để đảm bảo xây dựng quốc gia, hòa bình, hòa hợp dân tộc cũng như ổn định chính trị và kinh tế.
Uy tín của một cơ quan báo chí phải dựa trên sự chuyên nghiệp của các nhà báo thuộc cơ quan đó", bà Nurini Kassim nói.
Ông Mikhail Gusman - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Hãng Thông tấn TASS (Nga)
Tuân thủ chặt những quy tắc đạo đức của nghề báo
Trong khi đó, ông Mikhail Gusman - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Hãng Thông tấn TASS (Nga) nhấn mạnh việc các hãng thông tấn cần chú trọng hơn và tích cực phát triển các quy tắc và tiêu chuẩn về đạo đức nghề báo.
Theo ông Mikhail Gusman, chỉ có lựa chọn của cá nhân cùng với việc tuân thủ những quy tắc đạo đức mới giúp chúng ta vạch ra được ranh giới giữa sự thật và sự lừa dối, giữa nhà báo chuyên nghiệp với "những kẻ tung tin".
Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Hãng Thông tấn TASS phân tích, chúng ta cần đưa ra một định nghĩa thực tế về "tin giả" cùng với những lập luận về mặt pháp lý và việc áp dụng luật pháp.
"Cần đưa ra một định nghĩa rõ ràng và chỉ ra các khái niệm thế nào là sự thật và thế nào là quan điểm. Các cách tiếp cận chung đối với vấn đề này mà chúng ta sẽ triển khai có thể trở thành những khuyến nghị để các cơ quan truyền thông khác ở trong nước chống lại sự lan truyền của những thông tin giả và tin tức sai sự thật", ông Mikhail Gusman nói và cho biết thêm: Từ khi TASS đảm nhận vai trò Chủ tịch OANA, cùng với sự hỗ trợ của hãng thông tấn AAP, Bộ Quy tắc Đạo đức nghề nghiệp trong thông tin của OANA đã được hình thành.
Tài liệu này đã quy định trách nhiệm về tính chính xác của thông tin - bao gồm tin tức, ảnh và video - cũng như việc cấm đưa những tin tức có thể góp phần thúc đẩy các hoạt động của các tổ chức khủng bố.
Ông Cho Sung-boo - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Yonhap
Phát triển thành công những phóng viên robot
Chia sẻ những kinh nghiệm của Yonhap trong việc sản xuất thông tin trong giai đoạn hiện nay, ông Cho Sung-boo - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành hãng thông của Hàn Quốc cho biết: Để chủ động ứng phó trong môi trường truyền thông đang thay đổi nhanh chóng, Yonhap đã phát triển và vận hành thành công những phóng viên robot sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) với tên gọi Soccerbot và Olympicbot.
Theo ông Cho Sung-boo, các phóng viên AI này được vận hành nhờ công nghệ tự động hóa nội dung, với khả năng tự sản xuất và xuất bản các bài báo.
Theo đó, Soccerbot là nhà báo robot đầu tiên của Yonhap, được phát triển để tường thuật kết quả các trận bóng đá trong khuôn khổ giải Ngoại hạng Anh, sự kiện thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân Hàn Quốc.
Soccerbot vận hành qua 3 giai đoạn: Động cơ chọn lọc dữ liệu (Data Scraping Engine) thu thập dữ liệu mỗi trận đấu, sau đó sử dụng thuật toán soạn thảo văn bản (Text-Writing Algorithm) để tự động sắp xếp câu chữ từ những dữ liệu đã có thành một bài viết trọn vẹn, và cuối cùng là dùng chức năng định dạng bài báo (Article Template) để hoàn chỉnh các bài báo bằng việc chia nhỏ các cấu trúc câu, và điều chỉnh chúng cho phù hợp nhờ công nghệ mô phỏng cách hành văn của các nhà báo-con người.
Kết quả, trong thời gian từ tháng 1-5/2018, Soccerbot đã tạo ra 169 bài báo về các trận đấu trong khuôn khổ Giải ngoại hạng Anh.
Còn Olympicbot là một phóng viên AI được phát triển để đưa tin về Olympic mùa Đông PyeongChang 2018.
Olympicbot có khả năng tự bình luận diễn biến của các trận đấu và sản xuất hàng loạt bài báo có nội dung đa dạng, từ lịch trình các sự kiện sắp tới, tin tức về các trận đấu, bảng tổng sắp huy chương, và quan trọng hơn là tường thuật cả những sự kiện vốn không thường xuyên được phóng viên bao quát do hạn chế về thời gian và sức lực. Olympicbot đã tự động sản xuất 1.190 bài báo về Olympic và Paralympic PyeongChang.
Theo Giám đốc điều hành Yonhap, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư vào việc phát triển công nghệ sản xuất nội dung mang tính sáng tạo.