Phát hiện sai phạm về bổ nhiệm, tuyển dụng sẽ xử lý ngay

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – “Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng cũng như quan điểm tham mưu của Bộ Nội vụ là qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì cần xử lý ngay theo đúng quy định”, Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức cho biết.

Chiều 12/12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi họp báo của Bộ nhằm cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cung cấp một số thông tin về kết quả các mặt công tác và một số nhiệm vụ công tác trọng tâm của Bộ thời gian tới; một số nội dung mới của Thông tư 05 ngày 15/8/2017 của Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11 ngày 9/10/2014 và Thông tư 13 ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức (có hiệu lực từ ngày 1/10/2017)…
 Chiều 12/12, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì buổi họp báo của Bộ nhằm cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí.
Trả lời câu hỏi về việc một số tỉnh (Quảng Ngãi, Hà Tĩnh…) thực hiện loại khỏi quy hoạch đối với cấp trưởng, phó phòng hoặc tương đương thuộc sở ban ngành đối với những cán bộ không có bằng đại học chính quy, Vụ trưởng Vụ Công chức viên chức Trương Hải Long cho biết: Hiện công tác quy hoạch cán bộ đều được thực hiện theo các quy định của Đảng, theo đó, với đối tượng cán bộ cấp phòng thuộc diện Ban Thường vụ tỉnh ủy quản lý, theo nguyên tắc, khi đưa khỏi quy hoạch thì cần căn cứ vào tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý do cấp có thẩm quyền ban hành.

Quan điểm của Bộ Nội vụ trong vấn đề này là vẫn theo quy định từ trước đến nay trong công tác bổ nhiệm, tuyển dụng - không phân biệt bằng chính quy hay bằng tại chức. “Để biết rõ việc loại khỏi quy hoạch như vậy đúng hay không, chúng tôi sẽ trao đổi cụ thể với các tỉnh ủy đó, xem điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm cũng như quy định riêng của tỉnh đó trong công tác cán bộ thế nào”, ông Long khẳng định.

Trả lời vấn đề Bộ Nội vụ thống kê thời điểm giữa năm 2017 có 59 trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân, vậy thời điểm cuối năm như thế nào, ông Long cho biết: Tại thời điểm giữa năm 2017, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã tổ chức đi kiểm tra vấn đề này tại 9 tỉnh, sau đó tiếp tục kiểm tra tại huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) và huyện An Dương (TP Hải Phòng), trên cơ sở đó, Bộ đều có tổng hợp báo cáo Thủ tướng.

Sau đó, Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương chủ động rà soát, tự tăng cường tổ chức thanh tra kiểm tra công tác tổ chức cán bộ tai cấp mình, đảm bảo đến hết năm 2017 kiểm tra được tối thiểu 30% các đơn vị.

“Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng cũng như quan điểm tham mưu của Bộ Nội vụ là qua kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì cần xử lý ngay theo đúng quy định”, ông Long nhấn mạnh và cũng cho hay: Liên quan đến phản ánh về sai phạm do thiếu các điều kiện tiêu chuẩn hoặc chưa chấp hành đúng các quy định trong công tác cán bộ thời gian qua, đúng là qua kiểm tra của các đoàn kiểm tra của T.Ư và các cơ quan thẩm quyền, có xảy ra tình trạng này tại các bộ ngành, địa phương.

Về phân cấp quản lý, tình trạng này có nguyên nhân trách nhiệm trước hết do người đứng đầu, do vai trò của cơ quan tham mưu công tác tổ chức cán bộ tại các bộ ngành, địa phương, chưa thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện trong việc bổ nhiệm.

Bộ Nội vụ với trách nhiệm là cơ quan tham mưu Chính phủ về quản lý công chức, đã được Chính phủ giao phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức T.Ư, thời gian tới Bộ sẽ tổng kết, rà soát các quy định liên quan đến công tác cán bộ, đảm bảo các quy định được chặt chẽ hơn.

Đáng chú ý, liên quan đến câu hỏi về kết luận thanh tra công tác cán bộ tại một số địa phương cho thấy hầu hết các vi phạm là bổ nhiệm lãnh đạo quản lý thiếu các điều kiện, tiêu chuẩn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ Nguyễn Mạnh Khương cho biết: Qua thanh tra trực tiếp, Thanh tra Bộ phát hiện một số trường hợp chủ yếu là lãnh đạo cấp phòng của sở hoặc UBND cấp huyện thiếu các điều kiện tiêu chuẩn như về tin học, ngoại ngữ, quản lý nhà nước…

“Thực tế hầu hết UBND các tỉnh đã quy định đủ các điều kiện, tiêu chuẩn nhưng qua kiểm tra cho thấy, một số trường hợp cán bộ có quá trình được bổ nhiệm từ trước đây nhưng chưa được thanh tra kiểm tra hoặc chưa được nhắc nhở nên họ chưa tiếp tục hoàn thiện các điều kiện tiêu chuẩn; cũng có những trường hợp các cơ quan do yêu cầu công tác mà chưa thực hiện nghiêm quy định.

Trong các kết luận thanh tra, chúng tôi đều đã kiến nghị yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan đơn vị rà soát mọi trường hợp đã thanh tra và kể cả những đối tượng chưa được thanh tra; nếu thiếu những điều kiện tiêu chuẩn chức danh, ngạch công chức hành chính… thì đề nghị rà soát để cử đi học. Với những trường hợp cho thời hạn trong 6 tháng, quá thời hạn trên mà thấy vẫn không đủ điều kiện tiêu chuẩn thì đề nghị không xem xét cho bổ nhiệm lại”, ông Khương nhấn mạnh.

Cũng theo ông Khương, gần đây, khi Thanh tra Bộ phát hiện các trường hợp liên quan đến bổ nhiệm tuyển dụng không đúng quy định pháp luật, tại buổi làm việc cuối cùng với lãnh đạo các địa phương sau khi kết thúc việc thanh tra trực tiếp, Thanh tra Bộ kiến nghị Chủ tịch UBND các tỉnh thu hồi các quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm không đúng thì đáng mừng là đều nhận được sự đồng tình rất cao của lãnh đạo tỉnh, mặc dù Thanh tra Bộ chưa ban hành kết luận thanh tra. Sau đó, một số tỉnh đã chủ động ban hành quyết định thu hồi việc tuyển dụng hoặc bổ nhiệm không đúng quy định.

Đặc biệt, liên quan đến vấn đề hồ sơ việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh bị thất lạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng khẳng định: “Tháng 6/2016 phát hiện chuyện đó, Tổng Bí thư chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét làm rõ, nhưng tại thời điểm đó, cá nhân tôi không phụ trách Vụ chính quyền địa phương nữa, mà từ 15/4/2016 đến nay, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn phụ trách Vụ này.

Khi có vụ việc đó, tôi đã báo cáo Bộ trưởng đề nghị Vụ Chính quyền địa phương kiểm tra lại hồ sơ đó để xem bút tích lãnh đạo Bộ phê như thế nào, và đề xuất của Vụ chính quyền địa phương về trường hợp này ra sao. Nhưng lúc đó, anh em báo cáo không tìm thấy”, Thứ trưởng Thăng nói và cũng khẳng định: Theo kết luận của Ủy ban kiểm tra T.Ư đã nêu rõ, nếu cần thiết thì Bộ Nội vụ mời Bộ Công an vào điều tra. “Tháng 7/2017, tại cuộc họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Thừa và tôi cũng đã khẳng định, hiện bộ đang đề nghị Bộ Công an điều tra.

Căn cứ kết luận của Bộ Công an, nếu thấy sai phạm thì theo quy đinh pháp luật, sẽ xử lý và thậm chí có thể truy tố. Khi Bộ Công an có kết luận chính thức, tôi sẽ đề nghị Bộ trưởng giao cung cấp thông tin cho báo chí”, ông Thăng khẳng định.