Phát triển năng lượng tái tạo, cần một chính sách đồng bộ

Nguyên Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc phát triển năng lượng tái tạo, tránh lãng phí nguồn tài nguyên, cũng như chi phí của các doanh nghiệp đầu tư dự án. Những nỗ lực của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong đàm phán, ký hợp đồng tạm đã cởi gỡ phần nào.

Đó là một phần thách thức, khó khăn cho Việt Nam trong thực hiện cam kết của Chính phủ giảm phát thải ròng bằng “0” tại COP 26 đang đòi hỏi phải có những chính sách đồng bộ, hợp lý, quyết sách đúng và trúng đã được các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), chuyên gia gợi mở.

Điện gió được doanh nghiệp đầu tư tại Ninh Thuận. Ảnh: Khắc Kiên
Điện gió được doanh nghiệp đầu tư tại Ninh Thuận. Ảnh: Khắc Kiên
 

Theo số liệu của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia công bố (A0), về các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tính đến hết ngày 11/6, đã có 51 dự án với tổng công suất 2.852 MW đã trình Bộ Công Thương phê duyệt giá điện tạm; 40 dự án với tổng công suất 2.367 MW đã ký hợp đồng bổ sung; 8 nhà máy đang thí nghiệm; 14 nhà máy đã thí nghiệm xong; 9 nhà máy đã vận hành thương mại (COD).

Ồ ạt, thiếu kiểm soát

Để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ĐBQH Trần Văn Lâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho rằng, phát triển năng lượng tái tạo cần một chính sách đồng bộ.

Theo ông, chuyển đổi năng lượng tái tạo là một xu thế tất yếu mà Việt Nam đã cam kết để tới đây giảm các nguồn năng lượng hóa thạch phát thải CO2. Lĩnh vực năng lượng chiếm tỷ trọng phát thải C02 rất lớn. Chuyển đổi năng lượng, phát triển năng lượng tái tạo là một định hướng, chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Nếu có cơ chế sẽ góp phần cung cấp đảm bảo điện.
Nếu có cơ chế sẽ góp phần cung cấp đảm bảo điện.

“Tuy nhiên, chủ trương là một chuyện, việc triển khai thực hiện cho hiệu quả, đòi hỏi đồng bộ cơ chế chính sách. Đặc biệt về quy hoạch, quy hoạch phải xây dựng một cách đảm bảo về mặt tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật, phù hợp với chiến lược”- đại biểu Trần Văn Lâm nhấn mạnh

Đồng thời dẫn dụ, tỷ lệ tham gia phát triển năng lượng tái tạo, mức độ như thế nào sao cho phù hợp với từng giai đoạn, trình độ công nghệ của chúng ta và khả năng kỹ thuật, trình độ nguồn nhân lực. Một vấn đề cốt lõi được nguồn điện từ năng lượng tái tạo không có tính ổn định, đi kèm với năng lượng tái tạo thì phải có hệ thống phát nền để đảm bảo an toàn hệ thống điều độ.

“Nền đó phải đảm bảo được những thời điểm năng lượng tái tạo không phát được thì bên này phải bù vào được. Vì vậy, chính sách nên hài hòa giữa các bên. Để các nhà đầu tư năng lượng tái tạo cũng có động lực để để duy trì và nhà đầu tư nền cũng được khuyến khích”- đại biểu Trần Văn Lâm chia sẻ.

Vị đại biểu này cho rằng, cần cân đối hợp lý, hài hòa trong điều kiện kỹ thuật, điều kiện nền kinh tế của Việt Nam hiện nay là một thách thức. Nếu tính toán không tốt để năng lượng tái tạo phát triển quá bùng nổ, tỷ lệ quá lớn sẽ gây nguy cơ rã lưới, hay mất điện đột ngột trong trường hợp điều kiện thời tiết thay đổi.

Việc tính toán, giải bài toán này là một thách thức nhưng trong quá trình triển khai để thực thi cũng đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, minh bạch, công tâm và trách nhiệm.

Đại biểu cũng đánh giá về tình hình phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua đã phát triển một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, bất chấp các quy định, các quy trình dẫn đến việc không đáp ứng được hệ thống lưới truyền tải điện, không thực hiện được các điều kiện để cam kết đấu nối và sử dụng. Hiện trạng là lãng phí xã hội đang xảy ra, khi các công trình xây dựng xong thì đang không được nối lưới điện quốc gia thì vẫn thiếu.

 

Nguyên nhân sâu xa cần “mổ xẻ” để khắc phục là phải thay đổi cách thức vận hành của các cơ chế chính sách và cách tiệm cận giải quyết vấn đề đúng theo cơ chế thị trường. Cần nhìn nhận sự thiếu hụt về điện sẽ tạo cơ hội kinh doanh, đầu tư chứ không phải là nút thắt như hiện nay.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung

Cần khoảng 86 tỷ USD thực hiện

Bàn về vấn đề chuyển dịch năng lượng, ĐBQH Tạ Đình Thi (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhận định, đây là xu hướng tất yếu trên thế giới nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất, bảo đảm an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội - môi trường và đang được triển khai hiệu quả ở nhiều nước.

Điện mặt trời cũng được nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Ảnh: Khắc Kiên
Điện mặt trời cũng được nhiều doanh nghiệp tư nhân đầu tư. Ảnh: Khắc Kiên

Cùng với cộng đồng quốc tế, tại COP 26, Việt Nam đã đưa ra tuyên bố chính trị mạnh mẽ về việc phấn đấu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, trong đó có nội dung về chuyển dịch năng lượng.

Từ thực tế, vị đại biểu này đã chỉ ra 4 thách thức lớn cho việc triển khai, bao gồm tài chính, công nghệ, quản trị và nhân lực, trong đó thách thức lớn nhất vẫn là nguồn vốn.

Theo ước tính, Việt Nam cần khoảng 86 tỷ USD đến năm 2030 và 370 tỷ USD cho lộ trình chuyển dịch đến năm 2050. Chỉ riêng đối với việc triển khai Quy hoạch điện VIII, trong giai đoạn 2021-2030, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải khoảng 134,7 tỷ USD.

Như vậy, nguồn lực đầu tư rất lớn so với khả năng cân đối của nền kinh tế với mức dự báo phát triển kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới. “Do đó, tôi kiến nghị với Chính phủ cần sớm nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư tư nhân và nước ngoài vào các dự án năng lượng, chú trọng các cơ chế tài chính xanh, tín dụng xanh và các tổ chức tài chính quốc tế, cơ chế tài chính quốc tế JETP trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia”- đại biểu Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

 

Liên quan đến vấn đề, Bộ Công Thương đã và đang giao EVN khẩn trương đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới đã đạt được kết quả ban đầu. Việc này được thực hiện với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, hoàn tất hồ sơ pháp lý theo quy định. Sau khi đàm phán xong, thống nhất giá sẽ được thanh quyết toán theo giá chính thức kể từ ngày phát điện lên lưới.