Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cơ sở in phải đăng ký hoạt động

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 12/4, Phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi).

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay trong số 1.500 cơ sở in, mới chỉ có khoảng 400 cơ sở in chịu sự điều chỉnh của Luật. Trên 1.100 cơ sở in còn lại không bị quản lý bằng pháp luật chuyên ngành in, điều này đã tạo kẽ hở dẫn đến việc quản lý các cơ sở in bị buông lỏng. Do đó, UBTVQH nhất trí với quy định các cơ sở in phải đăng ký hoạt động để phục vụ công tác quản lý hoạt động in xuất bản phẩm cũng như phòng chống việc in giả, in lậu.

Về vấn đề liên kết xuất bản, theo quy định của Luật hiện hành, khâu xuất bản chủ yếu thuộc trách nhiệm của Nhà xuất bản. Nhưng thực tế, đối tác liên kết lại thực hiện hầu như toàn bộ khâu này, từ tổ chức đến biên tập bản thảo, Nhà xuất bản chỉ quyết định xuất bản, do đó thiếu sự thẩm định nghiêm túc.

Về tổ chức và hoạt động phát hành, ý kiến của các đại biểu cho rằng, thực tế đang diễn ra phổ biến hiện nay là hiện tượng nhiều cơ sở kinh doanh sách không có hoá đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp, sách có nội dung mê tín dị đoan, sách lậu được bày bán công khai. UBTVQH đề nghị các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm này, để hoạt động phát hành đi vào nền nếp.