Phòng chống tham nhũng “vẫn chưa đạt yêu cầu”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (6/11), Quốc hội dành cả ngày để nghe và thảo luận về các báo cáo về công tác tư pháp, công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Theo nhận định của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, PCTN tuy đã đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt, nhưng vẫn còn không ít hạn chế.

Lúng túng xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Trong báo cáo vừa gửi tới các ĐB Quốc hội, Chính phủ cũng thẳng thắn nhận định: "Việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chưa đạt được tiến độ đề ra. Thu hồi tài sản tham nhũng đã được chú ý và có kết quả tích cực hơn nhưng tỷ lệ thu hồi còn thấp. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt".
 Hôm nay (6/11), Quốc hội dành cả ngày để nghe và thảo luận về các báo cáo về công tác tư pháp, công tác phòng chống tham nhũng năm 2017
Theo thống kê của Chính phủ, năm 2017 có 39 trường hợp người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng bị xử lý kỷ luật (tăng 28 người so với năm 2016). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn lúng túng trong việc xác định mức độ trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên đối với sai phạm của người đứng đầu cơ quan cấp dưới hoặc trong trường hợp sai phạm liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều cơ quan, đơn vị, bộ phận. Cùng với đó, tình trạng việc nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc của người dân, DN vẫn còn xảy ra. Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm.

Về biện pháp minh bạch tài sản, thu nhập, số người đã kê khai tài sản, thu nhập là trên 1,1 triệu người (tăng 10,8% so với năm 2016), 99,8% trong đố đó cũng đã được công khai bản kê, nhưng chỉ có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập (giảm 81,4%). Qua việc xác minh, phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp.

Dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng

Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế khi việc tự phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu từ nhiều năm nay (toàn quốc phát hiện được 15 vụ với 21 đối tượng). Việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nhiều nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít, trong khi tình hình tham nhũng vẫn được đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm nhưng không bị áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào. Cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”.

Bên cạnh đó, có những vụ việc xảy ra mà dư luận xã hội bức xúc, người dân đã kiến nghị trong thời gian dài nhưng vẫn chậm được xử lý, chỉ khi báo chí phản ánh, Quốc hội, HĐND tiến hành giám sát hoặc có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì các cơ quan này mới tích cực vào cuộc.

Cơ quan thẩm tra dẫn nhiều con số đáng chú ý như: Cơ quan thanh tra đã ban hành 154.298 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 5.403 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 105 vụ với 214 đối tượng. Cơ quan kiểm toán xử lý nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng nhưng chỉ chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra.

Đặc biệt, theo cơ quan thẩm tra, trong những năm gần đây, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ việc nhỏ ở cấp xã, cấp huyện hoặc những vụ tham nhũng, kinh tế lớn do cơ quan cấp T.Ư điều tra. Còn ở cấp tỉnh, bộ, ngành, việc phát hiện và xử lý các vụ tham nhũng còn ít. Trong khi theo phản ánh của dư luận, tình hình tham nhũng ở những khu vực này vẫn còn nghiêm trọng. “Đây là vấn đề lớn, xảy ra trong nhiều năm nhưng chưa được khắc phục, có dấu hiệu bỏ lọt tham nhũng ở khu vực này”, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Nguyên nhân của tình trạng này có cả việc nể nang, né tránh và bệnh thành tích trong PCTN. Ở một số đơn vị phát hiện được tham nhũng chủ yếu là do có đơn tố cáo hoặc do mâu thuẫn nội bộ. Ủy ban Tư pháp đã đề nghị Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN và các cơ quan khi xây dựng chương trình công tác hàng năm cần chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tại các khu vực này, tránh bỏ lọt tội phạm tham nhũng.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, mở đầu phiên họp sáng nay của Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân). 

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân). Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Quốc hội sẽ dành một ngày để thảo luận ở hội trường về các báo cáo trên. Phiên thảo luận được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và người dân theo dõi, giám sát