PVOIL cổ phần hóa để cạnh tranh

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu Dự thảo phương án cổ phần hóa Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) được thông qua, PVOIL sẽ tiến hành chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) vào nửa cuối tháng 1/2018 với giá khởi điểm 13.400 đồng/cổ phiếu.

Lo nhưng… không sợ
Hiện nay, ở thị trường Việt Nam có tới 28 đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu. Trong số đó có 5 DN lớn nhất: Petrolimex, PVOIL, Thành Mễ, Sài Gòn Petro và Xăng dầu quân đội chiếm tới 90% thị phần, còn khoảng hơn 20 đầu mối nhỏ chia nhau 10% còn lại. Đối với tất cả DN thực hiện kinh doanh phân phối xăng dầu, duy chỉ có Petrolimex và PVOIL là có hệ thống cửa hàng xăng dầu phủ khắp cả nước. Trong đó, thông qua các hình thức mua bán sáp nhập, các công ty vật tư tổng hợp của các tỉnh do SCIC nắm vốn, PVOIL mua lại toàn bộ phần vốn của SCIC tại DN này, số lượng cửa hàng tăng trưởng mạnh, cuối 2016 là 500, hiện tại là 540 cửa hàng xăng dầu tại 63 tỉnh, thành, đáp ứng được sản lượng từ 7 - 10 triệu mét khối/năm.

Với việc tiên phong kinh doanh xăng E5 và cổ phần hóa, PVOIL tự tin sẽ đủ sức cạnh tranh. Ảnh: Khắc Kiên

Ông Cao Hoài Dương - Tổng Giám đốc PVOIL cho rằng, kể cả có tăng gấp đôi sản lượng so với hiện nay, DN này cũng không cần đầu tư nhiều vào hệ thống kho cảng nữa. Đây là điểm làm các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao. Bên cạnh đó, khi công ty nước ngoài tham gia vào bán lẻ xăng dầu, theo ông Dương, PVOIL lo nhưng không sợ vì cạnh tranh là tất yếu. PVOIL sẵn sàng đương đầu và tự tin với những lợi thế dư địa phát triển của mình, tiên phong pha chế E5 nên sau CPH sẽ có chiến lược kinh doanh hợp lý đủ sức cạnh tranh khi hội nhập.

Nhiều nhà đầu tư đăng ký làm cổ đông

Chia sẻ trong buổi họp báo về triển khai kinh doanh đại trà xăng E5 của PVOIL mới đây, theo ông Cao Hoài Dương, hiện dự thảo quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa DN đã được trình Chính phủ. “Hy vọng quyết định này sẽ sớm được ký. Khi đó, PVOIL có đủ cơ sở để tiến hành IPO vào nửa cuối tháng 1/2018 với giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phiếu” – ông Cao Hoài Dương thông tin. Đồng thời cho rằng, về mặt giá trị DN, con số được đưa ra là 10.342 tỷ đồng và đã được kiểm toán Nhà nước chấp thuận. Việc cổ phần hóa sẽ giúp DN nâng cao sức cạnh tranh khi hội nhập.

Được biết, hiện PVOIL nhận được hồ sơ đăng ký xin làm cổ đông chiến lược của 19 DN trong và ngoài nước, trong đó DN nước ngoài chiếm 3/4. Trong số đó, có rất nhiều DN dầu khí lớn của thế giới. Về tỷ lệ sở hữu sau CPH, theo Quyết định 58 được Thủ tướng ký tháng 12/2016, PVOIL thuộc nhóm DN không cần Nhà nước chi phối, nghĩa là Nhà nước chỉ nắm đến tối đa 49%. Tuy nhiên, theo ông Dương, DN đã chủ động báo cáo với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Bộ Công Thương, chủ động đề xuất Nhà nước chỉ nên nắm giữ 35,1% tại PVOIL, còn lại dành 64,9% cho cổ đông tư nhân trong và ngoài nước. Nếu Nhà nước nắm giữ 49% cổ phần thì bản chất vẫn là Nhà nước nắm chi phối.

Ông Dương thông tin, PVN và Bộ Công Thương đã đồng ý với kiến nghị 64,9% là dành cho tư nhân, trong đó 20% thông qua đấu giá công khai IPO và 44,72% là dành cho cổ đông chiến lược. “Kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. PVOIL kiến nghị Nhà nước nới room tối đa cho nhà đầu tư nước ngoài, nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài sẽ được nắm giữ tối đa 49%. Tỷ lệ sở hữu này được các nhà đầu tư đánh giá rất cao bởi các cổ đông chiến lược không chỉ có quyền tham gia quyết định quan trọng của DN mà còn được tham gia vào điều hành sản xuất kinh doanh của DN” – vị này nhấn mạnh.

Đến nay, không có bất cứ khách hàng nào khiếu nại về chất lượng xăng E5. Ngoài việc tiếp tục kinh doanh xăng sinh học E5 RON92 song song với xăng khoáng, PVOIL đã xây dựng kế hoạch đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết như: Kho chứa, trạm pha chế xăng E5, nguồn nguyên liệu, phương tiện vận chuyển cho việc triển khai kinh doanh đại trà xăng sinh học E5 RON92 từ ngày 1/1/2018.

Tổng Giám đốc PVOIL Cao Hoài Dương