Quận Bắc Từ Liêm quyết tâm tiên phong chuyển đổi số kết hợp giáo dục STEM

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo” ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới; chủ động chuyển đổi số, ngành GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm phát huy vị thế dẫn đầu trong việc triển khai các giải pháp; quyết tâm tiên phong về chuyển đổi số.

Hiệu quả từ giáo dục STEM

Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức Ngày hội Công nghệ thông tin (CNTT) và STEM thu hút hàng nghìn học sinh tham gia vào các hoạt động với niềm đam mê, thỏa sức sáng tạo.

Tại trường Tiểu học Thượng Cát, với chủ đề “Khơi nguồn sáng tạo và đam mê”, ngày hội CNTT và STEM đã giúp hơn 1.000 học sinh phát huy năng lực sáng tạo, tư duy logic, phản biện, kỹ năng làm việc nhóm và khả năng giải quyết vấn đề qua việc nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo.

Qua ngày hội, trường Tiểu học Thượng Cát mong muốn tạo môi trường tốt nhất để học sinh được học tập, vui chơi và phát huy trí tưởng tượng của mình, đồng thời khơi nguồn đam mê sáng tạo, lan tỏa tình yêu khoa học trong mỗi học sinh.

Ngày hội công nghệ thông tin và STEAM tại trường Tiểu học Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm.
Ngày hội công nghệ thông tin và STEAM tại trường Tiểu học Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm.

Cô giáo Võ Thị Thanh Hà – Hiệu trưởng trường Tiểu học Thượng Cát cho biết, năm học 2023-2024, nhà trường đã tích cực đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, đưa giáo dục STEM vào trong các môn học, tiết học, xây dựng kế hoạch giáo dục STEM dựa trên văn bản chỉ đạo các cấp, với mục tiêu kế hoạch giáo dục STEM mang tính thực tiễn, dễ triển khai.

Thực hiện KH số 40/KH-GD&ĐT ngày 10/10/2023 của phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm về Tổ chức Ngày hội CNTT và STEM, sau 4 tháng tổ chức phát động, giáo viên và học sinh trường Tiểu học Thượng Cát đã tích cực hưởng ứng với nhiều sản phẩm STEM.

Mỗi sản phẩm các em đều thể hiện tính khéo léo, niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Có thể thấy, các bài học STEM thu hút được sự quan tâm ngày càng nhiều hơn của học sinh, thể hiện tinh thần ham học hỏi, có trách nhiệm hơn trong các hoạt động học tập. Học sinh trở nên hoạt bát hơn, khả năng diễn đạt, trình bày ý kiến cũng tốt hơn, tích cực tham gia các hoạt động, có kĩ năng làm việc theo nhóm, phát triển tư duy, trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo.

Học sinh đã được thiết kế, lắp đặt nhiều sản phẩm gắn liền với thực tiễn như lắp các loại đèn đơn giản chạy bằng pin, làm bình giữ nhiệt, trồng rau phương pháp thủy canh, máy lọc nước, …

Các sản phẩm từ bài học STEM chủ yếu từ những nguồn vật liệu đơn giản, dễ kiếm như vỏ chai, cốc giấy, ống hút... được chế tạo ra các sản phẩm có ứng dụng cao, bảo vệ môi trường.

Tại Ngày hội CNTT và STEM, học sinh được thực hành nhiều hoạt động sáng tạo về sách theo các dự án chủ đề. 
Tại Ngày hội CNTT và STEM, học sinh được thực hành nhiều hoạt động sáng tạo về sách theo các dự án chủ đề. 

Tại đây, các em được thực hành nhiều hoạt động sáng tạo về sách theo các dự án chủ đề. Các hoạt động trải nghiệm STEM cũng được tổ chức với nhiều hình thức đa dạng tại sân trường, phòng thư viện, góc STEM… Học sinh được thực hành làm các thí nghiệm về khoa học, tạo ra những sản phẩm rất sinh động và đáng yêu.

Với mục tiêu đẩy mạnh ứng dụng CNTT và Giáo dục STEM/STEAM trong nhà trường, tại trường Tiểu học Xuân Đỉnh, ngày hội CNTT và STEM đã giúp học sinh có cơ hội tiếp cận các hoạt động nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế, trải nghiệm sáng tạo để phát triển năng lực.

Trải qua 2 vòng thi, ngày hội, nhiều sản phẩm STEM nghiên cứu và sáng tạo được trưng bày. Điển hình đó là các trạm game vận dụng các kiến thức đã học từ toán, khoa học, kĩ thuật,… áp dụng vào trong thực tiễn cuộc sống: Khuôn mặt biến hình, Trí Uẩn, khóa Khổng Minh, Lắp ráp Huna, mô hình xe đua phản lực, Tổng 15,… Các trạm game với thiết bị công nghệ cao như: Máy bay phản lực UVA, thể thao thông minh, kính thực tế ảo, trải nghiệm in 3D, thử thách lập trình,... Chinh phục RoboBimi dựa vào các kĩ năng lắp ghép, lập trình và điều khiển Robot.

Lớp học chuyển đổi số Nexta

Còn tại trường Tiểu học Văn Tiến Dũng đã triển khai trải nghiệm công nghệ “Lớp học chuyển đổi số Nexta” kết hợp STEM. Tại ngày hội, học sinh được làm quen với các thiết bị công nghệ hiện đại như màn hình tương tác thông minh, máy tính bảng,… Các em được tham gia các hoạt động học tập, trải nghiệm sáng tạo theo mô hình “Lớp học chuyển đổi số Nexta” kết hợp STEM.

Với mô hình này, học sinh được tiếp cận kiến thức một cách trực quan, sinh động thông qua các video bài giảng, hoạt động tương tác,… Các em được chủ động khám phá, tìm tòi và giải quyết vấn đề thông qua các hoạt động STEM.Các em học sinh hào hứng tham gia các hoạt động học tập, trải nghiệm sáng tạo.

Giáo viên đánh giá mô hình “Lớp học chuyển đổi số Nexta” kết hợp STEM mang lại hiệu quả cao trong việc giúp học sinh tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và phát triển tư duy sáng tạo. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục. Mô hình này đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh phát triển toàn diện.

Học sinh trường Tiểu học Văn Tiến Dũng trải nghiệm công nghệ “Lớp học chuyển đổi số Nexta” kết hợp STEM
Học sinh trường Tiểu học Văn Tiến Dũng trải nghiệm công nghệ “Lớp học chuyển đổi số Nexta” kết hợp STEM

Trưởng phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Hương cho biết, năm học 2022-2023, cấp học mầm non tiếp tục triển khai mạnh mẽ đổi mới sáng tạo với việc ứng dụng STEAM; ứng dụng dạy học dự án trong chương trình giáo dục mầm non và triển khai đồng bộ mô hình dạy học kết nối với các hình thức: Kết nối trực tiếp, trực tuyến và kết hợp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục.

Cấp Tiểu học và THCS tích cực đổi mới phương pháp dạy và học; chú trọng giáo dục truyền thống; triển khai linh hoạt các hoạt động dạy học theo chủ đề, dạy học dự án. Giáo dục phổ thông quận Bắc Từ Liêm chủ động triển khai dạy học STEM tại 50 trường với trên 50.000 lượt học sinh tham gia sinh hoạt đều đặn.

Ngành GD&ĐT quận thực hiện tốt công tác ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học, xây dựng 3.468 giờ học kết nối giúp học sinh trải nghiệm giao lưu với học sinh 11 tỉnh/TP trong cả nước và 8 nước trong khu vực.

Đặc biệt, ngành GD&ĐT Bắc Từ Liêm là đơn vị đầu tiên trong 30 phòng GD của TP xây dựng được Trung tâm điều hành thông minh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa từ các mạnh thường quân tâm huyết với giáo dục. Nhờ vậy, đã có được cơ sở vật chất hiện đại, hạ tầng công nghệ đồng bộ, tiên tiến; tích hợp được những phần mềm thông minh, ưu việt nhất để thực hiện quản lý giáo dục trên nền tảng số.

 Năm học 2023 – 2024, ngành GD&ĐT quận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giáo dục STEM, STEAM, dạy học dự án, phát triển chất lượng làm quen, dạy và học ngoại ngữ ở 3 cấp học…
 Năm học 2023 – 2024, ngành GD&ĐT quận tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giáo dục STEM, STEAM, dạy học dự án, phát triển chất lượng làm quen, dạy và học ngoại ngữ ở 3 cấp học…

Tại các trường học, cán bộ, giáo viên, nhân viên được tập huấn sử dụng thành thạo ứng dụng các phần mềm hiện đại, các lớp học thông minh được triển khai tại nhiều nhà trường tạo hứng thú cho thầy và trò và mang lại chất lượng giảng dạy tốt.

 Nhiều hoạt động được thầy cô giáo linh hoạt sử dụng trí tuệ nhân tạo để mở đầu bài học tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn; thực hiện thí nghiệm ảo, hỗ trợ các hoạt động dạy và học,... khai thác kiến thức và thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá; phân tích kết quả người học hiệu quả, chính xác.

Robot lập trình cũng đã được đưa vào các hoạt động cho trẻ từ cấp học mầm non đến THCS. Nội dung các bài học lập trình được xây dựng từ dễ đến khó, ứng dụng linh hoạt theo từng độ tuổi của học sinh. Các em rất hứng thú tham gia các hoạt động lập trình.

Thông qua hoạt động lập trình còn giúp các em được tiếp cận giờ học tiếp cận công nghệ mang tính quốc tế, góp phần giúp các em tăng cường kĩ năng 4C - kĩ năng của những công dân toàn cầu trong thời kì hội nhập quốc tế.

Đối với các cơ sở giáo dục, chuyển đổi số - ứng dụng CNTT tại nhiều trường cũng là bước đi đem lại hiệu quả trong quản lý, quản trị nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập.

 Năm học 2023 – 2024, ngành GD&ĐT quận tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường ứng dụng CNTT; chuyển đổi số, tạo đột phá trong quản trị nhà trường, thu hẹp khoảng cách, chất lượng giáo dục giữa học sinh các trường.

Đặc biệt, ngành GD&ĐT quận tiếp tục triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý giáo dục và đào tạo kết nối với cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục. Xây dựng, hoàn thiện mô hình, triển khai xây dựng trường học điện tử, mô hình giáo dục thông minh. Đẩy mạnh thực hiện giáo dục STEM, STEAM, dạy học dự án, phát triển chất lượng làm quen, dạy và học ngoại ngữ ở 3 cấp học…

 

Trong “Ngày hội Cộng đồng STEM” cụm các trường học phường Thụy Phương, gần 1.300 học sinh được trải nghiệm các sản phẩm của cộng đồng STEM được trưng bày. Học sinh bậc Mầm non được giáo viên hướng dẫn trải nghiệm nhiều kỹ năng STEM: Làm bươm bướm gỗ từ giấy màu, làm chong chóng giấy, cách làm đòn bẩy, thí nghiệm mô phỏng núi lửa phun hay tìm hiểu tại sao nước bắp cải tím đổi màu… đem lại nhiều hứng thú cho trẻ.