Quản lý di sản lại bị đặt lên bàn cân

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mặc dù Bộ VHTT&DL và Sở VHTT&DL Hà Nội quản lý lĩnh vực đa ngành, song rất tình cờ, trong hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2013, diễn ra ngày 19/7, cả hai đơn vị này đều nhận được nhiều yêu cầu giải đáp quanh vấn đề quản lý di sản.

Những sự kiện xâm hại di tích thành Luy Lâu (Bắc Ninh), người dân nơi làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), khu phố cổ Đồng Văn (Hà Giang), câu chuyện bảo tồn chùa Một Cột - Diên Hựu, chùa Trăm Gian... một lần nữa trở nên "nóng" trong hội nghị sơ kết của ngành văn hóa. Bởi vì, không chỉ mong muốn đi tìm từng câu trả lời cụ thể cho cách giải quyết các sự kiện trên, những người quan tâm đến di sản còn đau đáu các biện pháp phòng bị hiện tượng xuống cấp, để những vấn đề xâm hại di tích, mâu thuẫn bảo tồn không còn là tâm điểm của dư luận.
 
Quản lý di sản lại bị đặt lên bàn cân - Ảnh 1
Câu chuyện bảo tồn, tôn tạo làng cổ Đường Lâm đã đặt ra nhiều vấn đề về quản lý và phát huy giá trị di sản.

Đề cập đến công tác quản lý cũng như cách giải quyết những vướng mắc đang tồn tại ở di tích làng cổ Đường Lâm, ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho biết: "Thời gian qua, lãnh đạo TP Hà Nội đã trực tiếp tham gia chỉ đạo giải quyết 3 sự kiện nhức nhối của của di sản Thủ đô: Chùa Trăm Gian, chùa Một Cột - Diên Hựu và làng cổ Đường Lâm". Theo thông tin mới nhất từ Sở VHTT&DL Hà Nội, ngày 15/7, Sở QH - KT Hà Nội đã trình UBND TP, xin ý kiến bản Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị di tích làng cổ Đường Lâm. Sau đó, bản quy hoạch sẽ được gửi lên Bộ VHTT&DL xin ý kiến thỏa thuận để thống nhất phương án trước khi chính thức phê duyệt.

"Ngoài ra, Sở VHTT&DL cũng đã có đề nghị với Sở KH - KT xem xét đầu tư nguồn kinh phí cho việc bảo tồn chống xuống cấp cho những di tích văn hóa đang ở tình trạng xuống cấp nghiêm trọng ở làng cổ Đường Lâm như đình Cam Lâm. Riêng đề án quy hoạch khu giãn dân làng cổ Đường Lâm vẫn còn gặp nhiều vướng mắc. Bởi vì, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, đề án chưa nhận được sự thống nhất cao về địa điểm, điều kiện sinh hoạt cũng như mối liên hệ giữa khu giãn dân và làng cổ" -ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết. Song, ông Nguyễn Thế Hùng khẳng định, Bộ VHTT&DL vẫn yêu cầu địa phương cần làm rõ những mâu thuẫn giữa chính quyền với người dân trong thời gian qua để không xảy ra sự việc đổ lỗi cho bảo tồn di sản ảnh hưởng đến dân.

"Nếu năm 2009 và 2011, Khu di tích cố đô Huế và Vịnh Hạ Long đã nhận được khuyến nghị xem xét giải trình những hạn chế trong công tác bảo tồn và quản lý di sản. Đến nay chỉ còn Vịnh Hạ Long nằm trong danh sách này. Tại kỳ họp của UNESCO hồi tháng 6/2013, 6 di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được đánh giá tốt về công tác bảo tồn. Chính vì vậy, tôi khẳng định chưa có di sản nào của Việt Nam nằm trong khuyến nghị loại khỏi danh sách di sản thế giới như những thông tin đồn đoán trong thời gian qua".
 
Ông Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản

Bên cạnh việc có những biện pháp tháo gỡ xong tình trạng chống dột, thống nhất phương án chùa Một Cột - Diên Hựu, hoàn thành quá trình tu bổ chùa Trăm Gian, như lời hứa của tân Giám đốc Sở VHTT&DL, ông Tô Văn Động: "Một trong 2 nhiệm vụ trọng điểm của ngành trong 6 tháng cuối năm sẽ tập trung giải quyết vấn đề bảo tồn tôn tạo di tích. Hiện, lãnh đạo Sở đã làm việc với các đơn vị liên quan để tạo ra nguồn ngân sách, từng bước tu bổ 600 di tích đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài nguồn ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn ngân sách đầu tư của TP, Sở sẽ tăng cường kêu gọi nguồn ngân sách xã hội hóa. Và, trong năm 2014, Sở sẽ đề xuất UBND TP Hà Nội dành riêng một khoản ngân sách đầu tư cho việc chống xuống cấp di tích".

Hỗ trợ cho việc chấn chỉnh công tác tu bổ, tôn tạo di tích, dựa theo Thông tư số 18 của Bộ VHTT&DL, trong tháng 7/2013, sẽ có 50 cá nhân và đơn vị đầu tiên được cấp chứng chỉ hành nghề tu bổ, tôn tạo di tích. Trong thời gian tới, Viện Bảo tồn di tích, trường Đại học Văn hóa Hà Nội và Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh sẽ liên tục mở những lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về tu bổ di tích. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả về nguồn kinh phí và nguồn nhân lực, Hà Nội nói riêng và các địa phương trên cả nước nói chung đang hy vọng công tác quản lý, tu bổ di tích sẽ bước sang giai đoạn mới, không còn những vi phạm thành "điểm nóng" như thời gian qua.