Quản lý lễ hội: Cần “vị thần” giúp chấn chỉnh những phản cảm

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nửa tháng diễn ra mùa lễ hội năm 2017, trên các phương tiện truyền thông toàn những hình ảnh chen lấn, xô đẩy và đè đầu, giẫm đạp nhau.

Trong khi người người, nhà nhà đua nhau đi lễ hội để cầu may mắn, tài lộc cho riêng mình, lễ hội càng được "thổi thiêng" để trục lợi; thì ngành văn hóa lại không tìm được một "vị thần" chỉ lối tìm ra phương pháp giúp lễ hội hết phản cảm.
Ngăn hiến sinh bạo lực, phình bạo lực đánh đấm

Hội Ném Thượng (Bắc Ninh) có 2 năm yên ả, không còn cảnh chém lợn giữa sân đình mà đưa vào khu vực kín. Kết quả giảm bạo lực chém giết động vật của Hội Ném Thượng không chỉ thuộc về công lao của lãnh đạo hay ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh, mà còn là câu chuyện thực địa nhiều lần của nhiều cán bộ Bộ VHTT&DL. Đầu mùa hội năm 2017, với kinh nghiệm ngăn chặn bạo lực lễ hội hiến sinh, Bộ VHTT&DL cũng kịp thời chỉ đạo Sở VHTT&DL tỉnh Yên Bái ngăn chặn cảnh treo đầu trâu của lễ hội đền Đông Cuông ngay khi mạng xã hội và truyền thông lên tiếng.
 Cảnh ẩu đả tại Lễ hội phết Hiền Quang, tỉnh Phú Thọ năm 2017. Ảnh: Phạm Hùng
Chưa bao giờ lễ hội hết “nóng”. Bởi khi hàng loạt sự vụ phát lộc thành ném lộc của sư ông tại chùa Hương, xô nhau giẫm đạp đến chảy máu ở Hội Phết Hiền Quan, Hội Gióng Sóc Sơn… vẫn còn thì Ban tổ chức không chỉ bị giới truyền thông chất vấn, mà câu hỏi lớn của người dân "bao giờ có mùa hội bình yên" luôn còn đó. Năm nay, Bộ VHTT&DL gần như triệt để được lễ hội hiến sinh bạo lực thì vẫn không ngăn được bạo lực đánh đấm. Nhìn cảnh nhốn nháo lao vào "đè đầu cưỡi cổ", cầm gậy phang nhau ở Hội Phết Hiền Quan hôm 13 tháng Giêng (9/2), GS Trần Lâm Biền còn cho rằng, lễ hội đang trở lại thời hỗn loạn khởi đầu của loài người. Ở các lễ hội khác như Hội Lim, Hội chùa Hương, Hội Gióng Sóc Sơn cũng luôn đông nghẹt hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người dự hội. Để rồi, thanh niên đánh bà già chỉ vì nhỡ giẫm lên chân nhau, hoặc tranh cướp lộc trầu cau, giò hoa tre. Dẫu có nỗ lực, cán bộ quản lý văn hóa từ Bộ, Sở đến phòng văn hóa cũng không ngăn được hết hình ảnh phản cảm trong lễ hội.

Đổ ụp các giá trị lễ hội

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy – Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa: “Mặt trái của lễ hội không nằm trong bản chất của hội làng mà phát sinh trong thời kỳ mới”. Thực tế, ngay sau lễ hội cướp phết Hiền Quan, chiều ngày 13 tháng Giêng, ông Đỗ Văn Nhàn, người gắn bó với vai trò của Hội Phết mấy chục năm qua cũng thừa nhận lễ hội có lịch sử 2000 năm của làng Hiền Quan không có đánh nhau mà chỉ là đánh phết, tranh phết. Nhưng từ khi lễ hội không còn của nội bộ xã, mà 5 năm một lần lễ hội còn trở thành sân chơi liên kết với các tỉnh xung quanh, nên người ngoại tỉnh về hội rất đông. Và hội tranh phết thành hội cướp phết. Bản chất của lễ hội đã thay đổi nên dù có dùng giải pháp nào thì nét đẹp của lễ hội truyền thống cũng thành hỗn chiến vì nếu trước kia chỉ có 100 người đánh, tranh phết nay là hàng ngàn người, tứ xứ khắp nơi đến hội cướp phết chờ may.

Cho rằng mặt trái của lễ hội đã làm đổ ụp các lễ hội có giá trị văn hóa khác, ông Huy lấy ví dụ về hội bơi chải ở làng Lưu Xá (Chương Mỹ), hoặc hội rước nước ở Đền Và (Sơn Tây), hội Đền Trấn Vũ (Long Biên)… những địa bàn cách trung tâm Hà Nội chỉ trên dưới 50km nhưng vẫn giữ được nét bình yên của hội làng. “Người dân nơi đây cần và khát khao hội làng. Văn hóa lễ hội như hơi thở cuộc sống của họ, niềm tin tâm linh giúp họ nạp năng lượng làm việc cho cả năm. Họ thức dậy từ 2 - 3 giờ sáng, thực hiện các nghi lễ với chiều dài hơn chục cây số. Không chen lấn, không xô đẩy, mọi mối bất hòa trong năm của hàng xóm, láng giêng có thể được hòa giải ngay trong lễ hội. Và không chỉ ở địa bàn Hà Nội, nhiều tỉnh, thành khác, ở nhiều xã, làng vẫn giữ được các lễ hội truyền thống như vậy” – ông Huy nhấn mạnh.

Có nghị định sẽ hết phản cảm?

Năm 2012, các nhà quản lý khấp khởi hy vọng đưa lễ hội vào quy chuẩn nhờ Đề án Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020. Nhưng rồi Quy hoạch đó chưa thành đã bị bỏ lửng vì không khả thi. Và để giải quyết triệt để các hình ảnh phản cảm của lễ hội, cuối năm 2016, Bộ có quyết định thành lập tổ công tác lập đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động lễ hội - một công cụ có tính pháp lý để quản lý lễ hội trong tương lai. Nhiệm vụ của Nghị định là phải lường trước được những phảm cảm có thể phát sinh. Ngoài ra, Nghị định cũng sẽ quy định chế tài xử phạt đối với tập thể và cá nhân vi phạm. "Khi mà chế tài chưa đủ sức răn đe thì vi phạm đó còn tiếp tục tái diễn. Nhưng trong quản lý thì chúng tôi không hy vọng rằng mình sẽ phải phạt thật nặng, mà chỉ hy vọng là sai phạm không diễn ra. Làm thế nào đó để hiệu lực của công tác quản lý Nhà nước đối với chính quyền địa phương trong việc quản lý và tổ chức lễ hội phải mạnh mẽ hơn, thiết thực hơn và hiệu quả hơn" - bà Trịnh Thị Thủy - Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) chia sẻ. Được biết Thủ tướng yêu cầu Bộ VHTT&DL khẩn trương hoàn thiện Nghị định này, dự kiến xong trong năm 2017.

Nhiều người không hy vọng vào Nghị định sẽ là một "vị thần" giúp ngành văn hóa chấn chỉnh những sai phạm trong lễ hội. Bởi liệu Nghị định có định nghĩa được thế nào là phản cảm, xử phạt được những hình thức thổi thiêng, trục lợi tín ngưỡng của rất nhiều di tích đang tồn tại nhiều năm nay. Nhưng theo TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, nguyên Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai: "Có Nghị định vẫn hơn không". Song, cách thức xây dựng Nghị định cần thay đổi, không nên chỉ một chiều là bộ phận chuyên môn xây dựng, trình Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ ban hành, mà cần tổ chức hội thảo tranh thủ ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các sở văn hóa và cộng đồng nơi sở hữu các lễ hội: “Trước kia, các đơn vị xây dựng Nghị định cũng gửi văn bản đề nghị các sở văn hóa góp ý mỗi khi thực hiện Nghị định, nhưng sẽ không hiệu quả; muốn tận dụng được chất xám cũng như kinh nghiệm thực địa thì nên tổ chức hội nghị tranh luận”.

Bao năm nay, Bộ VHTT&DL chưa thể định hướng, dự báo mà chỉ đi sau để chữa cháy sự vụ nên lấp được mặt trái này thì phình mặt trái khác. Chính vì vậy, nếu Nghị định về quản lý lễ hội được xây dựng bài bản, bao quát và thực hiện được các tham vọng mà ngành văn hóa đề ra, cùng với những biện pháp mạnh tay của Chính phủ như: "Xử lý cán bộ đi lễ chùa giờ hành chính, hạn chế quan chức tham gia dự hội", thì có thể lễ hội sẽ tìm lại được sự bình yên sau bao năm mệt nhoài vì phản cảm.

"Để ngăn được bạo lực ở Hội Phết Hiền Quan không chỉ dừng lại ở việc dùng biện pháp tổ chức lễ hội theo kiểu trở lại đánh phết như nguyên bản mà cần có chế tài xử lý ứng xử của người dân. Khách thập phương đến dự hội mà thiếu văn minh thì cần xử phạt hành chính, đồng thời đưa lên phương tiện truyền thông như một cách phê bình để nêu gương và rút kinh nghiệm.

TS Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian

Trong hơn 7.000 lễ hội mà Việt Nam sở hữu, lễ hội bạo lực “chỉ đếm trên đầu ngón tay”, nhưng cách tuyên truyền của truyền thông khiến người dân cảm thấy lễ hội giờ đây chỉ còn là bạo lực. " - PGS.TS Bùi Quang Thắng – Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam