Quản lý người tâm thần ngoài cộng đồng: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù đã có những quy định về quản lý người tâm thần tại địa phương, song công tác này còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự phối hợp từ phía gia đình người bệnh. Chính vì vậy, nhiều vụ án mạng thương tâm đã xảy ra mà hung thủ lại là người mắc bệnh tâm thần. Chăm sóc cho những người bệnh đặc biệt này cần sự nhận thức nghiêm túc về tình trạng bệnh và sự đồng hành sát sao của người thân trong gia đình.

Khám cho bệnh nhân tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội. Ảnh: Trần Nga
Bài 1: Mối họa tiềm ẩn
Dẫu biết người mắc bệnh tâm thần có thể có những hành vi nguy hiểm bộc phát bất cứ lúc nào, nhưng lại không dễ để đưa một người bệnh tâm thần nặng vào điều trị. Trong khi đó, các quy định của pháp luật về sức khỏe tâm thần còn thiếu nên việc cưỡng chế để đưa một người tâm thần đi điều trị càng khó gấp bội.
Những cái chết oan uổng

Cuối tháng 7 vừa qua, dư luận bàng hoàng trước vụ án mạng xảy ra tại Bạc Liêu khi chỉ trong một buổi chiều, hung thủ dùng dao chém chết 3 người và 9 người bị thương. Theo cơ quan điều tra, đối tượng gây án có biểu hiện tâm thần khoảng 7 năm nay. Sau khi bị bắt, đối tượng tiếp tục quậy phá tại cơ quan điều tra và buộc phải sử dụng thuốc an thần, khi được hỏi vì sao gây án đối tượng vẫn ngơ ngác. Hay như trường hợp đối tượng Đặng Văn Trường (50 tuổi, Trà Vinh) sát hại dã man dì ruột ngày 2/7, sau khi bị bắt đối tượng còn đòi công an phải trả tiền vì đã… giữ xác nạn nhân giúp công an. Trực tiếp làm việc với đối tượng, cơ quan công an xác nhận đối tượng có tiền sử bệnh tâm thần từ nhỏ, nhưng không được gia đình quan tâm điều trị.
Hiện phường Láng Thượng đang quản lý danh sách hơn 100 bệnh nhân tâm thần sinh sống tại địa bàn, trong đó có tới gần 20% bệnh nhân tâm thần loại đặc biệt. Chưa kể những trường hợp gia đình cố tình giấu giếm không khai báo. Những trường hợp tâm thần nặng, cán bộ phường đã đến vận động gia đình đưa đi điều trị tại các bệnh viện, nhưng hầu hết các gia đình đều không nghe theo. Thậm chí, có trường hợp người tâm thần đã gây án giết người trong lúc lên cơn, nhưng gia đình vẫn quyết giữ lại chăm sóc tại nhà. 
Cán bộ phụ trách mảng LĐ&TBXH phường Láng Thượng (quận Đống Đa) Nguyễn Hoàng Oanh
Ngay tại Hà Nội, nhiều vụ án mạng hết sức đau lòng như con giết cha, cháu giết ông bà… mà hung thủ là những người mắc bệnh liên quan đến tâm thần. Như vụ án người mẹ trẻ 33 tuổi – Hoàng Thị Sen ở Cự Khê, Thanh Oai, do chịu áp lực liên tiếp từ việc người thân mất đi nên đã bị trầm cảm. Ngày 20/7, chị Sen đã dùng dây siết cổ con trai và cháu ruột khiến các cháu tử vong, sau đó chị treo cổ tự vẫn thì được mọi người cứu thoát. Thậm chí, căn bệnh trầm cảm sau sinh cũng khiến nhiều bà mẹ giết chết con đẻ của mình trong lúc hoảng loạn. Vụ án đau lòng xảy ra ngay ở Đặng Xá, Gia Lâm cách đây chưa lâu cũng khiến nhiều người suy nghĩ. Từ sau khi sinh con, chị Đặng Thị Giang Nam (30 tuổi) ít nói, trầm cảm nặng, mỗi lần con quấy khóc, chị có biểu hiện kích động. Người chồng đã đưa chị về nhà người thân để chăm sóc và chữa bệnh tâm thần. Khi thấy chị có biểu hiện đỡ, gia đình đã để chị ngủ cùng con nhưng không ngờ ngay trong đêm chị Giang đã dùng dao chém liên tiếp vào đứa con thơ 4 tháng tuổi khiến bé tử vong. Những cái chết oan uổng này dường như đều có lời cảnh báo trước, đó là nỗi đau khoét sâu trong lòng những người ở lại không biết đến khi nào nguôi.

Khó quản lý

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, hiện Việt Nam có khoảng 300.000 người mắc tâm thần nặng như: Tâm thần phân liệt, chứng động kinh, trầm cảm, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật thần kinh… Tuy nhiên, mới chỉ có 15 - 20% đối tượng tâm thần được quản lý, theo dõi. Riêng tại Hà Nội, số người tâm thần nói chung được thống kê trong năm 2017 của Sở LĐTB&XH và Sở Y tế là 32.124 người, phần lớn trong đó cũng được gia đình tự quản lý tại nhà. Trong khi đó, người dân thường có tâm lý tránh xa những người có biểu hiện tâm thần nặng, còn trường hợp những người bị tâm thần dạng nhẹ thì ít khi đề phòng. Song có không ít những bệnh tâm thần phân liệt tuy có biểu hiện bên ngoài không nặng nhưng lúc lên cơn hoặc bị tác động mạnh sẽ bị hoang tưởng ảo giác chi phối, xui khiến người bệnh thực hiện hành vi phạm pháp, gây án.

Mặt khác, theo Nghị định 64/2011/NĐ-CP về việc thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh tâm thần chỉ áp dụng trong phạm vi tố tụng hình sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, tức là khi có hậu quả hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Như vậy, trách nhiệm đưa người bị bệnh tâm thần khi khám điều trị phải do sự tự nguyện của gia đình và phụ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh kinh tế.

Tại huyện Phú Xuyên, trong số 2.018 người tâm thần được huyện quản lý thì 1/4 số bệnh nhân được gia đình tự điều trị, không lấy thuốc cấp phát hàng tháng tại huyện. Đặc biệt, trong 4 trường hợp người tâm thần gây án trên địa bàn vẫn còn một đối tượng vẫn đang sinh sống trong cộng đồng.

Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH Dương Tuyết Nhung cho biết, hiện nay nhận thức của người dân về bệnh tâm thần còn rất hạn chế nên việc để người tâm thần sống cùng người thân trong gia đình tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Nhưng do thiếu chế tài nên không thể buộc những người bệnh đặc biệt này phải đi chữa trị. “Cần có những quy định cụ thể, quy định sau khi thăm khám đánh giá tình trạng bệnh của người tâm thần ở mức độ nào thì cần phải đi viện điều trị, tránh nguy hiểm cho cộng đồng” – bà Nhung nhấn mạnh.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần