Quản lý người tâm thần ngoài cộng đồng: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Bài, ảnh: Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với người bệnh tâm thần, sự quan tâm chăm sóc từ phía gia đình là liều thuốc tốt nhất để cải thiện tình trạng bệnh. Do vậy, bên cạnh sự giám sát của chính quyền, người thân của những người bệnh đặc biệt này cần tự trang bị kiến thức về sức khỏe tâm thần để bảo vệ chính mình và những người xung quanh.

Bài 2: Tạo chỗ dựa cho người tâm thần
Bệnh dễ tái phát

Nhắc đến việc người tâm thần gây án, bác sĩ Nguyễn Quang Bính – Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Hà Nội cho biết, phần lớn những đối tượng tâm thần trong các vụ án giết người đều không được phát hiện bệnh trước đó hoặc không được điều trị đầy đủ. Trong khi đó, hiện nay nhiều người khi mắc các rối loạn triệu chứng nhưng bản thân không biết, người thân cũng không biết, lâu dần bệnh tiến triển nặng khiến việc điều trị khỏi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn 20 năm công tác tại BV, bệnh nhân mới điều trị tạm ổn định ra viện sau một thời gian lại quay lại, bác sĩ Bính đã gặp rất nhiều. Nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ tái phát một phần do không được điều trị đúng cách tại gia đình.
 Đối tượng tâm thần gây ra thảm án ở Bạc Liêu tháng 7/2018.
“Tại BV, bệnh nhân được sinh hoạt, uống thuốc theo đúng lịch, đúng giờ, có sự giám sát của nhân viên y tế. Tuy nhiên, khi về tự điều trị tại gia đình, người nhà bận việc thường quên không cho bệnh nhân uống thuốc đều đặn, không đưa bệnh nhân đi khám định kỳ lấy thuốc hoặc không giám sát bệnh nhân có uống thuốc hay không. Thậm chí, khi thấy bệnh nhân có vẻ “bình thường” thì sao nhãng và cho rằng thế là khỏi, không cần uống nữa. Vì vậy, bệnh nhân dễ tái phát bệnh bất cứ lúc nào và chính người thân xung quanh sẽ sống trong mối nguy hiểm tiềm ẩn” – bác sĩ Bính cho hay.

Bác sĩ Đỗ Văn Thắng – Trưởng khoa Cấp tính nữ, BV Tâm thần Hà Nội cho biết, đã từng có trường hợp bệnh nhân đang điều trị tại BV nhưng gia đình xin về và chỉ vài hôm sau bệnh nhân đã gây án mạng rồi nhảy cầu tự vẫn. Hiện, tại khoa cũng đang điều trị cho nhiều bệnh nhân tâm thần có liên quan đến pháp luật, họ có thể là đối tượng gây án hoặc là nạn nhân của vụ việc. Ngoài ra, theo bác sĩ Thắng, chính sự không thống nhất trong gia đình khi đưa người tâm thần vào viện cũng khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn. “Nhiều trường hợp sáng người thân này đưa vào viện thì chiều người thân khác lại đến đón về, nhiều gia đình vì “sĩ diện” không thừa nhận con em mình bị tâm thần mặc dù đã có những biểu hiện, hành vi rõ ràng” – bác sĩ Thắng chia sẻ.

Gia đình phối hợp với chính quyền

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Bính, để khẳng định một người có bị bệnh tâm thần hay không thì người đó phải được khám và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Điều dễ thấy nhất ở người có biểu hiện rối loạn tâm thần là thay đổi bất thường rõ rệt so với trước đây về tư duy, lời nói cảm xúc, hành vi và mối quan hệ với người xung quanh. Do vậy, các gia đình nếu thấy người thân có biểu hiện bị tâm thần nên đưa họ tới các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, theo dõi để sớm phát hiện bệnh và điều trị. Những người bệnh tiến triển tốt, sau khi chữa khỏi có thể về chung sống cùng gia đình nhưng vẫn phải tuân thủ theo hướng dẫn điều trị tại nhà của bác sĩ, tránh bệnh tái phát. Hiện nay, các BV tâm thần trên địa bàn Hà Nội đều cử bác sĩ xuống hỗ trợ Trung tâm y tế các quận, huyện trong khám và kê đơn thuốc cho người tâm thần.

Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐTB&XH Dương Tuyết Nhung lưu ý, khi trên địa bàn dân cư hoặc gia đình báo cáo có người nhà bị bệnh tâm thần thì trạm y tế xã, phường, chính quyền cơ sở phải tổ chức những đợt kiểm tra nhằm đánh giá năng lực, hành vi của người bệnh, cấp thuốc nếu họ trong diện điều trị ngoại trú, nếu bệnh nhân quá nặng thì sẽ chuyển lên cơ sở y tế cao hơn. Hiện, Sở LĐ&TBXH Hà Nội đang xây dựng kế hoạch thành lập Trung tâm tư vấn chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần Hà Nội với nhiệm vụ đến các quận, huyện, thị xã để tư vấn tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân và người thân của những người mắc bệnh tâm thần.

Theo bà Nhung, Nhà nước đã có những chính sách tối ưu để hỗ trợ người tâm thần. Tại Hà Nội, mức hỗ trợ cho người tâm thần hiện nay là 350.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra, bệnh nhân điều trị tâm thần tại các BV tâm thần trên địa bàn đều được miễn phí 100% chi phí khám chữa, bệnh. Người nhà bệnh nhân chỉ phải đóng tiền sinh hoạt phí cho người bệnh. Bên cạnh đó, Hà Nội có 3 trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng người tâm thần với khoảng 900 bệnh nhân tâm thần đang sinh sống tại đây. Các trung tâm này sẽ tiếp nhận những bệnh nhân tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm và có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc hộ nghèo, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống. Khi có nhu cầu chuyển người tâm thần vào các trung tâm này, người nhà bệnh nhân chỉ cần đến UBND cấp xã, phường sẽ có cán bộ hướng dẫn cụ thể các thủ tục cần thiết.