Công cuộc này đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách quản lý, sáng tạo nghệ thuật và sự tham gia của cả cộng đồng.
Giáo dục tư tưởng, củng cố bản sắc dân tộc
Theo các chuyên gia, thời gian qua, các tổ chức văn hóa, nghệ thuật tại Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền và giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, đặc biệt khi Hà Nội là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước. Những tổ chức này, từ các viện nghiên cứu, nhà hát, bảo tàng, đến các câu lạc bộ nghệ thuật không chỉ là những cơ quan trực tiếp sáng tạo, truyền tải các giá trị văn hóa mà còn đóng vai trò cầu nối giữa Đảng và quần chúng Nhân dân trong việc nâng cao nhận thức, giáo dục tư tưởng, củng cố bản sắc dân tộc.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, thời gian qua, những đơn vị như Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long... thường xuyên sáng tác, biểu diễn các vở kịch, chương trình nghệ thuật ca ngợi Đảng, Bác Hồ và các sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Trong những dịp kỷ niệm các sự kiện lớn như ngày Quốc khánh 2/9 hay Giải phóng Thủ đô 10/10, các chương trình nghệ thuật với chủ đề cách mạng luôn được tổ chức nhằm nhắc nhở công chúng về truyền thống lịch sử hào hùng, tinh thần đấu tranh cách mạng của Đảng và dân tộc.
Việc giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ dựa trên việc tuyên truyền trực tiếp mà còn thông qua việc bảo vệ và lan tỏa các giá trị văn hóa dân tộc - những yếu tố cấu thành nên tư tưởng cách mạng, bản sắc Việt Nam. Các bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các di tích văn hóa như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò đều tổ chức những chương trình, sự kiện văn hóa gìn giữ và giới thiệu các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc như: “Tinh hoa đạo học”, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, “Đêm thiêng liêng”… Qua đó góp phần củng cố tư tưởng chính trị của Đảng trong lòng người dân. Các triển lãm văn hóa, nghệ thuật truyền thống như tranh dân gian Hàng Trống, nghệ thuật hát chèo, ca trù, các lễ hội truyền thống như: lễ hội Gò Đống Đa, lễ hội đền Gióng, lễ hội chùa Hương... cũng là những dịp để khẳng định và bảo tồn bản sắc dân tộc.
Xây dựng chiến lược bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp sâu rộng nhằm bảo vệ và củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Một trong những hành động chính của Hà Nội là chú trọng vào việc xây dựng hệ thống chính sách văn hóa mang tính chiến lược, từ đó làm nền tảng cho mọi hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, chúng ta càng thêm tự hào, trân trọng những chiến công, thành tích đã đạt được; càng thấm thía sâu sắc giá trị quý báu không gì sánh được của độc lập, tự do cho dân tộc và hạnh phúc của Nhân dân, giá trị của hòa bình và phát triển. Chúng ta tự hào vì có Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến và anh hùng - nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng những giá trị cao quý của dân tộc Việt Nam. Càng thêm vững tin với sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước; vững tin vào sức mạnh từ cội nguồn lịch sử của dân tộc Việt Nam để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là ý chí và khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, của Đảng bộ, Nhân dân Thủ đô và đồng bào cả nước; là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với cha ông và muôn đời sau.
Trích diễn văn của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
Đáng chú ý, Nghị quyết số 33- NQ/TW ngày 9/6/2014 của Đảng về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đã được TP Hà Nội triển khai toàn diện. Theo Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Sơn Tây Nguyễn Quang Hán, trong sự nghiệp xây dựng, phát triển thị xã góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô, Thị ủy Sơn Tây luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa, con người là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài.
Thị xã Sơn Tây đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, chương trình văn hóa đặc sắc tạo nên nhiều không gian văn hóa mới, lành mạnh, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài thị xã tham gia như: khai mạc Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài, khai trương phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, tổ chức chương trình Tết làng Việt, kỷ niệm 200 năm Thành cổ Sơn Tây, Đêm hội trăng rằm "Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài", Lễ hội khinh khí cầu "Bình minh trên Thành cổ"...
Thông qua các hoạt động này, tôn vinh, giới thiệu và quảng bá những giá trị văn hóa tiểu biểu, độc đáo của di tích quốc gia Thành cổ Sơn Tây và những tiềm năng, thế mạnh của thị xã Sơn Tây đối với bạn bè trong nước và quốc tế; thu hút du khách thập phương về với vùng đất hai vua "địa linh nhân kiệt", qua đó tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân địa phương.
Những năm qua, TP Hà Nội đã triển khai Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đã đi đôi với giáo dục chính trị tư tưởng, tập trung vào việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Hà Nội cũng tổ chức thường xuyên các sự kiện văn hóa, nghệ thuật có quy mô lớn, nội dung tuyên truyền tư tưởng cách mạng và lịch sử dân tộc.
Các sự kiện này không chỉ nhắm tới công chúng trong nước mà còn phục vụ du khách quốc tế, giúp quảng bá hình ảnh Hà Nội và văn hóa Việt Nam. Những hoạt động tiêu biểu như lễ kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, các lễ hội văn hóa đường phố, Lễ hội Thiết kế sáng tạo hay Liên hoan phim quốc tế Hà Nội... đều được tổ chức định kỳ với mục tiêu gắn kết nghệ thuật với công tác tuyên truyền tư tưởng.
Hà Nội có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa này không chỉ nhằm mục đích bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là cơ sở quan trọng để củng cố nền tảng tư tưởng của Đảng.
Để thực hiện điều đó, Hà Nội đã đầu tư nhiều nguồn lực cho việc trùng tu, bảo tồn các di sản văn hóa. Các di tích này không chỉ là những điểm tham quan mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, giáo dục chính trị, giúp người dân hiểu rõ hơn về lịch sử, đồng thời thể hiện vai trò của Đảng trong việc bảo vệ và phát triển văn hóa.
Mặt khác, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trước sự phát triển của công nghệ số, Hà Nội đã tận dụng triệt để các phương tiện truyền thông và công nghệ hiện đại để mở rộng phạm vi tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các kênh truyền thông như Đài PT&TH Hà Nội, Báo Kinh tế & Đô thị, Báo Hànộimới và các trang mạng xã hội đều được sử dụng để lan tỏa thông điệp văn hóa, lịch sử, tư tưởng cách mạng.
Song song với đó, hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế cũng là một trong những giải pháp quan trọng mà Hà Nội đã triển khai nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, Hà Nội không chỉ giới thiệu văn hóa Thủ đô, văn hóa Việt Nam ra thế giới mà còn học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa gắn liền với tư tưởng chính trị.
Nhiều chuyên gia nhận định, Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đồng bộ và hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Những chính sách, chương trình văn hóa, ứng dụng công nghệ số và hoạt động giáo dục đã tạo nên một hệ thống vững chắc, không chỉ bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc mà còn giữ vững tinh thần cách mạng trong xã hội.