Quản lý xe vận chuyển khách trá hình: Bao giờ có lời giải? - Bài 3: Lỗ hổng pháp lý

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vấn nạn vận chuyển khách trá hình nảy sinh từ chính lỗ hổng trong quản lý xe hợp đồng. Những lỗ hổng này cần sớm được bịt kín trước khi nó góp phần “bóp chết” xe tuyến cố định.

>>> Bài 1: Biến tướng gây nhiều hệ lụy

>>> Bài 2: Ám ảnh tai nạn, ùn tắc

 Đây là quan điểm chung của nhiều chuyên gia giao thông khi đề cập đến công tác quản lý xe vận chuyển khách bằng hình thức hợp đồng.

Quy định đã có nhưng bị buông lỏng

Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, người có thâm niên trong lĩnh vực vận tải tỏ ra bức xúc khi nhắc đến câu chuyện lỗ hổng trong quản lý xe hợp đồng. “Chúng tôi đã rất nhiều lần có văn bản kiến nghị lên Bộ trưởng Bộ GTVT nhưng chưa bao giờ nhận được câu trả lời” – ông Bùi Danh Liên bức xúc, đồng thời khẳng định, xe hợp đồng là một loại hình vận tải được Nhà nước công nhận, quy định thành văn bản pháp luật rất đầy đủ, rõ ràng. Những quy định được đưa ra hướng đến mục tiêu đảm bảo ATGT cũng như hài hòa lợi ích của tất cả các bên, từ lợi ích Nhà nước, lợi ích DN vận tải đến lợi ích hành khách.

Vậy tại sao trong suốt nhiều năm qua, loại hình vận tải hành khách bằng hợp đồng này vẫn liên tục bị réo tên vì những vấn đề bất cập gây ra? Trước câu hỏi này, ông Bùi Danh Liên thẳng thắn: "Có sự buông lỏng của các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực vận tải, còn DN vận tải và người dân thì thực hiện chưa đầy đủ.

Xe hợp đồng trá hình đang bóp nghẹt các loại hình vận tải hợp pháp khác. Ảnh: Nguyễn Quý
Xe hợp đồng trá hình đang bóp nghẹt các loại hình vận tải hợp pháp khác. Ảnh: Nguyễn Quý

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội lấy ví dụ về quy định cấm xe hợp đồng bán vé lẻ cho khách đi xe, thay vào đó phải có hợp đồng nguyên chuyến với một cá nhân hoặc tổ chức nào đó. Quy định này được đưa ra nhằm giúp lực lượng chức năng có cơ sở để xác định xe hợp đồng hay xe tuyến cố định. Nếu là xe hợp đồng phải đưa ra được hợp đồng nguyên chuyến với khách. Tuy nhiên, thay vì làm theo đúng quy định, các xe hợp đồng trá hình lại thu tiền trực tiếp của khách, đồng thời chuẩn bị sẵn một danh sách hành khách khống để đối phó khi bị kiểm tra. “Cách làm này không những giúp qua mặt được lực lượng chức năng mà còn trốn được nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước” – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định.

Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những bất cập nhất hiện nay trong câu chuyện xe hợp đồng chính là tình trạng cấp phép cho loại hình vận tải này đang bị buông lỏng. Cụ thể, việc cấp phép xe hợp đồng đang được giao cho các địa phương trong khi nhiều địa phương đang cấp phép ồ ạt. Tuy nhiên, điều khó hiểu nhất là công các hậu kiểm sau khi tai nạn xảy ra. Khi xảy ra tai nạn liên quan đến xe hợp đồng thì lại thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra hoạt động của các tuyến cố định. "Đúng ra phải đi kiểm tra xe hợp đồng, phải làm rõ những sai phạm trong việc cấp phép, quản lý hoạt động của xe hợp đồng. Cái cần làm thì không làm” – một chuyên gia nói và khẳng định cách làm ngược đời này không những không đúng đối tượng cần kiểm tra mà còn khiến các DN vận tải tuyến cố định bức xúc.

Nhiễu loạn vận tải, bóp nghẹt xe tuyến cố định

Theo các chuyên gia, Luật Giao thông đường bộ đến nay đã ban hành được 14 năm trong khi thực tế hoạt động vận tải đã có nhiều biến động theo thị trường và xã hội. Theo quy định tại Nghị định 100/2019 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, lực lượng thanh tra giao thông không có quyền dừng các phương tiện di chuyển trên đường, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

 

Tai nạn xảy ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không phải do mỗi công tác quản lý xe hợp đồng. Do đó, bây giờ chúng ta phải phân định lại, siết chặt các điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, phải lấy hành khách là trung tâm. Để hành khách có quyền phán quyết, có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ.

Chuyên gia giao thông Đại học GTVT, GS.TS Từ Sỹ Sùa

Có một nhóm lợi ích nhất định, trong đó có chủ xe, chủ DN tổ chức "lách luật" để chạy. Nhưng bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cũng chưa thật nghiêm túc thực hiện các quy định về loại hình này. Trước hết là thanh tra giao thông của các Sở GTVT, họ không làm việc đến nơi đến chốn, cho nên đâu vẫn vào đấy. Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của CSGT và chính quyền địa phương, những người trực tiếp có thể xử lý nhưng không xử lý nghiêm minh.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý Nhà nước về vận tải đường bộ (phần mềm quản lý xe hợp đồng, lệnh vận chuyển điện tử) hiện mới đang thực hiện xây dựng và hình thành các cơ sở dữ liệu. Số lượng hành khách đi xe tuyến cố định giảm, không thu hút hành khách đi xe do để đến được bến, hành khách phải đi xe buýt hoặc đi taxi khá tốn kém và bất tiện. Từ đó tình trạng xe dù, bến cóc, xe hợp đồng trá hình tuyến cố định ngày càng bùng phát mạnh.

Nhìn nhận vấn đề trong góc nhìn chuyên môn, TS Nguyễn Minh Hiếu – Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, quản lý hoạt động của xe hợp đồng ngày càng trở thành vấn đề bức xúc trong xã hội. “Một số phương tiện có xu hướng đi đón bắt khách trên dọc các tuyến đường sau đó hợp thức hóa thông qua hình thức ký 1 hợp đồng vận chuyển” – TS Nguyễn Minh Hiếu nói và cho biết, cách thức hoạt động này làm gia tăng lưu lượng giao thông tại khu vực đô thị. Đồng thời làm gia tăng nguy cơ mất an toàn trong các chuyến đi vì không được tổ chức tốt – ít nhất ở góc độ quản lý phương tiện và người lái, chưa kể đến việc tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong toàn hệ thống vận tải công cộng và là kẽ hở cho các xe cũ, kém chất lượng hoạt động.

Đề cập đến vấn đề lỗ hổng pháp lý trong quản lý xe hợp đồng, TS Nguyễn Minh Hiếu cho hay, kinh doanh vận tải hợp đồng được thực hiện chủ yếu dựa trên hợp đồng vận chuyển ký kết giữa bên vận tải và hành khách. Các xe hiện nay đang vận dụng điều này để hợp thức hóa việc đón bắt, gom khách dọc đường. “Lỗ hổng có thể xuất hiện ở khâu lập hợp đồng vận chuyển, tuy nhiên người dân càng ngày càng muốn thuận tiện, đơn giản, nhanh gọn nên rất khó đưa ra các quy định chặt chẽ” – TS Nguyễn Minh Hiếu nói.

Xe hợp đồng trá hình không những gây nhiễu loạn cho tổ chức giao thông mà nguy hiểm hơn vấn nạn này đang “giết chết” các loại hình vận tải chính thống, trong đó điển hình nhất là xe khách tuyến cố định. Vì vậy, cần quản lý chặt chẽ hơn dịch vụ xe hợp đồng để đảm bảo việc cạnh tranh công bằng trong vận tải hành khách công cộng hiện nay. Tuy nhiên, đánh giá vấn đề ở gốc độ khác, nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, xe khác tuyến cố định cũng phải tự “nâng cấp” mình để tăng cao tính cạnh tranh và không thụt lùi với thời cuộc.

Về giải pháp bịt lỗ hổng trong quản lý xe hợp đồng, nhiều người cho rằng đây là vấn đề phức tạp. Muốn hạn chế được tình trạng này, trước tiên cần quyết liệt trong kiểm tra, giám sát và ứng dụng công nghệ, đặc biệt, Bộ GTVT và những cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc đề xuất, chỉnh lý quy định pháp lý, từ vấn đề đảm bảo ATGT đến cạnh tranh trong hoạt động vận tải.

(còn nữa)