Quản lý xe vận chuyển khách trá hình: Bao giờ có lời giải? - Bài 2: Ám ảnh tai nạn, ùn tắc

Ngọc Hải - Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều năm qua, xe khách trá hình đã dần nổi lên như một loại hung thần mới trong giao thông, được gọi với cái tên như “quan tài bay”.

>>> Bài 1: Biến tướng gây nhiều hệ lụy

Không chỉ chạy kiểu tùy tiện, gây mất trật tự, ATGT, xe khách trá hình còn tiềm ẩn nguy cơ rất cao xảy ra tai nạn giao thông mà hành khách có thể ngay lập tức bị rũ bỏ.

Đua với tử thần

Phần lớn xe đội lốt hợp đồng để vận chuyển khách liên tỉnh đều có điểm chung là xe nhỏ, loại 10 chỗ hoặc 16 chỗ hoán cải; lại không bị khống chế số chuyến lượt. Bởi vậy mục tiêu cao nhất của các nhà xe là chạy được càng nhiều càng tốt. Cuộc đua kiếm tiền trở thành cuộc đua với tử thần mà nhà xe mang tính mạng hành khách ra để đánh cược.

Khách hàng đi xe limousine với những chiếc vé đặt qua mạng, qua điện thoại, không có biên lai, không có giá trị pháp lý...
Khách hàng đi xe limousine với những chiếc vé đặt qua mạng, qua điện thoại, không có biên lai, không có giá trị pháp lý...

Mới đây là vụ chiếc xe hợp đồng mang BKS 76B - 006.60 chở 21 người, từ Quảng Ngãi ra Thừa Thiên - Huế trong sáng 14/2. Khi đến ngã tư giao nhau giữa đường 129 và đường dẫn xuống cảng Tam Hiệp (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành), đã va chạm với xe đầu kéo BKS 92H - 004.33 khiến xe khách lật ngược, làm 10 người tử vong.

Trước đó là vụ tai nạn do xe limousine mang BKS 29B-191.36 gây ra trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới khiến 3 người tử vong, 3 người bị thương. Hay trường hợp xe limousine hoán cải từ 16 chỗ xuống 10 chỗ mang BKS: 36B-027.16, gây tai nạn trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, khiến một bác sĩ, một thiếu tá công an tử vong tại chỗ, 2 người khác bị thương.

Anh Nguyễn Minh Hoàng (phường Yết Kiêu, quận Hà Đông) chia sẻ: “Thỉnh thoảng tôi đặt vé xe limousine của hãng Hà Lan đi tuyến Hà Nội - Thái Nguyên. Xe chạy rất ẩu, ra đến cao tốc phóng bạt mạng, trong phố thì lấn làn, dừng đỗ tùy tiện, bất chấp người dân xung quanh bực bội chửi mắng. Xe không phải chen chúc nhưng mỗi lần đi là một lần sợ”.

Bến cóc trên đường Trần Vĩ, TP Hà Nội
Bến cóc trên đường Trần Vĩ, TP Hà Nội

Một lái xe limousine tuyến Hà Nội - Nam Định (xin giấu tên) chia sẻ: “Ngày thường chạy hai vòng, bốn lượt, ngày lễ, Tết có khi phải tăng bo thành 6 - 8 lượt, không chạy nhanh thì không thể kịp. Hơn nữa ngày ngày lái xe trên tuyến đã quen rồi, chỗ nào bắn tốc độ, chỗ nào có camera phạt nguội cần tránh thì tránh, đường thoáng là vít ga, ngại gì”(!).

Có thể thấy, trong quan điểm kinh doanh của không ít nhà xe trá hình, đội lốt hợp đồng, an toàn của hành khách không phải ưu tiên hàng đầu. Mỗi ngày họ chỉ nỗ lực để kiếm được nhiều tiền hơn, tranh thủ nhặt nhạnh vì chẳng biết khi nào sẽ không được chạy nữa.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng phân tích, giả sử khi xảy ra tai nạn giao thông, các nhà xe rũ bỏ trách nhiệm, hành khách sẽ phải làm gì? Trong các bản hợp đồng khống không có điều khoản nào quy định nhà xe phải bồi thường thiệt hại cho khách khi có tai nạn.

“Chiếc vé xe được bán chính thức tại các bến đã bao gồm khoản bảo hiểm cho hành khách. Nhưng những chiếc vé đặt qua mạng, qua điện thoại, không có biên lai, không có giá trị pháp lý thì cơ sở nào để hành khách đòi quyền lợi?” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.

Vào vai hành khách trên một chuyến xe của nhà xe X.E Việt Nam, phóng viên đã ướm thử với lái xe: "Nếu có tai nạn tôi có được hãng bồi thường hay không?" và nhận được câu trả lời ráo hoảnh: “Tai nạn làm sao được mà lo!”.

Xe limousine khu vực Trần Nhân Tông, TP Hà Nội
Xe limousine khu vực Trần Nhân Tông, TP Hà Nội

Đường sá thành sân nhà

Nhiều đô thị lớn trên cả nước, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang đau đầu với vấn nạn “xe bố đời” tiện đâu dừng đấy, bất chấp luật lệ và nỗi bức xúc của người dân. Với lợi thế xe nhỏ, có thể luồn lách vào sâu nội đô, hàng loạt xe limousine bất kể giờ cao điểm hay thấp điểm, sáng hay tối nghễu nghện giễu phố. Không chỉ làm gia tăng áp lực, xe khách trá hình còn gây ra những tác động tiêu cực, làm suy thoái ý thức, văn hóa giao thông của cộng đồng nói chung.

Trên các trục đường lớn của Thủ đô như: Vành đai 3, Nguyễn Trãi, Xuân Thủy… bất cứ lúc nào trong ngày cũng có thể bắt gặp những chiếc xe limousine tham gia giao thông một cách vô ý thức. Lúc thì dừng ngay nút giao, đường chật để đón khách, lúc thì thủng thẳng chờ đợi, lúc lại phóng ầm ầm, lấn làn chèn ép tất cả các loại phương tiện khác để vượt lên trước.

Nhiều địa điểm công cộng như: Công viên Cầu Giấy, Công viên Thống Nhất cũng bị biến thành bến “cóc” của xe khách trá hình. Lúc chờ khách, xe
limousine của X.E Việt Nam nằm la liệt vòng quanh công viên, bịt cả cộng vào công viên, rạp xiếc. Tình trạng này diễn ra ngày qua ngày nhưng dường như không lực lượng chức năng nào quan tâm.

Không chỉ gây mất trật tự, ATGT, bộ mặt đô thị của Hà Nội cũng bị xe khách trá hình làm méo mó, rối loạn nghiêm trọng. Đơn cử như tuyến phố Trần Vỹ (quận Cầu Giấy), ngay sát bên nghĩa trang Mai Dịch, hàng loạt văn phòng xe khách nằm san sát nhau. Hàng hóa, hành khách tràn ra hết vỉa hè, xe đỗ chiếm lòng đường, lộn xộn ồn ào từ sáng sớm đến đêm khuya gây bức xúc kéo dài cho người dân nhưng không hiểu sao vẫn ngang nhiên tồn tại.

Nhà xe Hà Lan bắt khách tại 265 Nguyễn Trãi
Nhà xe Hà Lan bắt khách tại 265 Nguyễn Trãi

Hoặc như điểm văn phòng của nhà xe Hà Lan tại 265 Nguyễn Trãi, hàng hóa chồng chất như núi, chắn hết vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Xung quanh quán nước, xe ôm rối rít cả ngày, khiến người dân nhiều khi lo ngại không dám đi qua. Điểm đen mất trật tự, văn minh đô thị này đã nhiều lần bị lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở rồi đâu lại vào đấy, cát cứ đường hè bền vững.

Anh Nguyễn Đắc Huy (quận Thanh Xuân) bức xúc nói: “Đường phố rộng đẹp để làm gì cho xe limousine chiếm làm chợ tạm, bến cóc? Chỉ một văn phòng xe nhỏ như vậy mà có quyền trưng dụng hết cả vỉa hè, đường sá xung quanh. Không hiểu lực lượng chức năng bất lực hay làm ngơ?”.
Đó cũng là nỗi bức xúc của nhiều người dân trong các đô thị lớn, nơi áp lực giao thông vốn đã vô cùng căng thẳng. Xe khách trá hình không chỉ chạy ẩu, chèn ép người dân mà còn chiếm cứ khoảng không công cộng, tạo nên bộ mặt đô thị nhếch nhác, lộn xộn.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, để vi phạm của xe khách trá hình tràn lan khắp nơi, tới nỗi người dân mệnh danh là "quan tài bay", có phần trách nhiệm rất lớn của lực lượng chức năng, đặc biệt là công an các địa phương. “Cứ lâu lâu dư luận bức xúc, lực lượng chức năng lại đi xử lý, rồi ngay sau đó để tái diễn vi phạm của xe limousine. Nhiều lý do được đưa ra để biện minh như không đủ lực lượng, khó quản lý… chỉ càng khiến người dân mất niềm tin hơn”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ xe limousine có đất sống tại các đô thị là do 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất là lỗ hổng trong luật. Thứ hai là công tác xử lý vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải, luật giao thông đối với loại hình này chưa hiệu quả. Thứ ba là buông lỏng quản lý văn phòng đại diện, tụ điểm gom khách, gom hàng tại các khu vực đông dân cư, lõi đô thị.

 

"Hiện có khoảng 930.000 phương tiện kinh doanh vận tải khách và hàng hóa, trong đó có 320.000 xe kinh doanh vận tải khách. Trong số này, xe hợp đồng và du lịch chiếm tới 220.000 xe, bằng khoảng 70%. Còn lại taxi chiếm 20%, số còn lại xe tuyến cố định chỉ chiếm 5,8% và xe buýt chiếm 3%.

Nhìn vào con số này, loại hình xe hợp đồng đang chiếm số lượng lớn. Với số lượng lớn xe hợp đồng như vậy, luồn lách trong các tuyến phố, đón khách tận nhà sẽ gây ra ùn tắc giao thông, mất an toàn trong nội đô." - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) Phan Thị Thu Hiền

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần