Quan tâm đến người lao động - đối tượng bị tổn thương

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lĩnh vực lao động, việc làm đã và đang có nhiều hệ lụy do tác động đại dịch để lại, giải pháp nào để khắc phục cũng là vấn đề được đặt ra.

Hiện Chính phủ và các địa phương đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động nhằm giảm bớt khó khăn, bớt gánh nặng và chia sẻ với các DN cùng phát triển.
Tuy nhiên, như các đại biểu nhận định, đây chỉ là giải pháp tình thế, mang tính chất hỗ trợ tức thời, việc cần những giải pháp lâu dài hơn được đặt ra. Bởi dịch Covid-19 đã tạo nên cuộc khủng hoảng xã hội, lao động và việc làm. Qua các số liệu về lao động, các vấn đề liên quan đến làn sóng dịch chuyển lao động tự phát từ các vùng kinh tế trọng điểm quay trở về quê đã làm thiếu hụt lao động tại các khu công nghiệp tại các địa phương có nhu cầu lao động; người lao động cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống.
 Hỗ trợ người lao động nhằm giảm bớt khó khăn cho DN. Ảnh: Thanh Hải
Theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, lực lượng lao động trở về quê trong đợt dịch thứ tư là tương đối lớn, có ý kiến khác nhau về số liệu nhưng qua tổng kết từ các địa phương cùng với thống kê, rà soát, phân loại ban đầu, con số chính thức lao động về quê của chúng ta khoảng 1,3 triệu người, chiếm 60% trong tổng số người dân di chuyển từ TP Hồ Chí Minh,

Hà Nội và các vùng trọng điểm kinh tế phía Nam về quê. Qua khảo sát và làm việc với các tỉnh phía Nam cho thấy khoảng 30% người dân các địa phương đã về quê có nhu cầu quay trở lại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam làm việc; 30% muốn chuyển sang lĩnh vực khác ở các địa bàn khác, còn lại phần đông là muốn ở lại quê. Nhưng trong số ở lại quê, cũng chỉ có khoảng 40% muốn có công việc tại quê.

Vấn đề quan trọng hiện nay là giải pháp giải quyết việc thiếu hụt lao động ở các thị trường này; giải quyết sinh kế là việc làm cho người lao động đang đi về các tỉnh. Đề cập đến việc thích ứng an toàn, linh hoạt nhằm khôi phục sản xuất, phục hồi kinh tế, trong đó việc giữ chân và thu hút người lao động trở lại, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, chúng ta phải lo thật tốt về chính sách, về đời sống, mức lương, thu nhập; có một sàn an sinh tối thiểu để người lao động có thể yên tâm đó là vấn đề nhà trọ, nhà ở, vấn đề sinh hoạt… Tiếp đó bảo đảm cho an toàn tính mạng, sức khỏe của họ đó là tiêm vaccine.

Chỉ ra thực tế số lượng dịch chuyển lao động còn lớn hơn nhiều so với con số thống kê, các đại biểu Quốc hội cũng đặt ra việc cần rút được bài học kinh nghiệm trong việc phân tích, đánh giá, dự báo và cam kết không là không để xảy ra tình trạng này trong tương lai không, nhất là khi tình hình dịch bệnh cũng đang rất khó lường. Trách nhiệm của chính quyền Trung ương và cả chính quyền địa phương nơi có lao động rời đi và địa phương trở về và cách thức tổ chức nhận lại lao động như thế nào cũng là vấn đề cử tri rất quan tâm.

Như đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) đặt vấn đề, giai đoạn giãn cách vừa qua, chúng ta quan tâm nhiều tác động về khía cạnh kinh tế nhưng theo đại biểu hậu quả về mặt tâm lý cũng là vấn đề nghiêm trọng. Lực lượng lao động bị sang chấn tinh thần là điều chưa từng xảy ra và nó sẽ để lại di chứng lâu dài, cần nhiều thời gian để khắc phục. Trước đây việc kéo lao động ở nông thôn lên thành phố đã rất khó, giờ đây xuất hiện thêm tình trạng lực lượng lao động đang ở sẵn các thành phố nhưng vẫn nhất quyết đi về quê, doanh nghiệp không giữ được lao động kể cả khi đã mở cửa. Bởi hỗ trợ người lao động cũng chính là đóng góp vào động lực cho tăng trưởng.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội) cho ý kiến: Dữ liệu về hiệu quả bảo vệ thực tế mức nhiễm lây với người đã tiêm chủng 1 mũi, 2 mũi vaccine, mức độ bảo vệ cộng đồng tương ứng với tỷ lệ tiêm chủng, các đánh giá về điều kiện không gian, môi trường và dịch bệnh lây lan… là những cơ sở dữ liệu rất quan trọng và cần thiết để các địa phương, các ngành có khuyến cáo phòng dịch. Đại dịch Covid-19 không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội mà gây tổn thương tâm lý, tinh thần con người, Ban chỉ đạo quốc gia nên có đánh giá và giải pháp về tâm lý xã hội, chăm sóc sức khỏe, tinh thần người dân, lực lượng y, bác sĩ tuyến đầu nhất là khi sống chung an toàn với Covid-19.