Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Quảng cáo sính ngoại và nỗi buồn tiếng Việt] Bài 3: Luật quy định rõ, cơ quan quản lý làm ngơ

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình trạng vi phạm quảng cáo diễn ra tràn lan, nhiều người cho rằng các chế tài xử lý còn lỏng lẻo. Tuy nhiên, nhiều luật sư và chuyên gia đã phân tích, Luật đã quy định rõ nhưng các đơn vị quản lý làm ngơ cho vi phạm.

 Những biển hiệu trắng trơn tiếng Việt trên đường Kim Mã. Ảnh: Ngọc Tú

Thiếu rốt ráo xử phạt
Còn nhớ thời gian cách đây chưa lâu, dư luận hoang mang khi chứng kiến nhiều biển hiệu tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) không có bất kỳ chữ tiếng Việt nào trên bảng quảng cáo gọi là chú thích, giải thích. Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) đã có công văn yêu cầu Sở VH&TT tỉnh Khánh Hòa chấn chỉnh biển hiệu của tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh tại TP Nha Trang. Sau yêu cầu này, tình trạng vi phạm cũng chỉ được khắc phục một phần.
Tại Hà Nội, đầu năm 2016 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 01/2016/QĐ-UBND về Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP Hà Nội. Quy định này cũng nhấn mạnh về việc phải đảm bảo kích thước như quy định trong quy chế mới được ban hành.
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 17/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Trong đó có yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo chấn chỉnh việc trình bày bằng chữ viết tiếng nước ngoài trên bảng quảng cáo, biển hiệu của các tổ chức, cá nhân...
Ngoài ra, theo luật sư Dương Xuân Huề - Văn phòng luật sư Hoàng Huy (Hà Nội), Luật Quảng cáo được Chính phủ ban hành năm 2012 cũng quy định rất rõ trong các sản phẩm quảng cáo phải có nội dung thể hiện bằng tiếng Việt. Trường hợp sử dụng tiếng Việt lẫn tiếng nước ngoài thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt bên dưới chữ tiếng Việt. Nếu bảng hiệu sử dụng hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài, sẽ đã vi phạm khoản 2 Điều 34 Luật Quảng cáo và chịu phạt từ 10 - 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, chiếu theo quy định của Luật Quảng cáo, việc viết, đặt biển hiệu của các tổ chức, cá nhân không bắt buộc thông qua quy trình thẩm định, cấp phép của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền (tiền kiểm) mà chỉ chịu sự quản lý Nhà nước thông qua công tác kiểm tra (hậu kiểm). Như vậy, khi biển hiệu được dựng lên, các ngành chức năng có kiểm tra thì mới mong phát hiện. Chính sự thiếu chặt chẽ của luật đã tạo khoảng trống để DN có điều kiện đặt tên tiếng nước ngoài một cách hợp pháp.
Từ những lỗ hổng của pháp luật mà các khách sạn, nhà hàng, cửa hàng… hoặc các biển hiệu được đặt tên nước ngoài theo Giấy đăng ký kinh doanh hay đặt theo tên thương hiệu của sản phẩm cũng không trái quy định. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc thời gian qua, ngành chức năng không thể xử lý sai phạm về tên biển hiệu có chữ nước ngoài theo luật pháp.
Nhiều biển hiệu tiếng nước ngoài trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Ngọc Tú
Như vậy, ngoài Luật, các cơ quan cấp trên cũng đã chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt, song rõ ràng những tồn tại đã không được giải quyết triệt để. Trao đổi với lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội được biết, vấn đề quản lý biển hiệu, biển quảng cáo đã được UBND TP cấp phép Quyết định số 01 năm 2016. Trách nhiệm quản lý sẽ thuộc về các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.
Ngoài ra, Thanh tra Sở VH&TT Hà Nội cũng có thẩm quyền phối hợp để chấn chỉnh. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nội dung xử phạt các biển hiệu tiếng nước ngoài còn gặp rất nhiều vướng mắc, chưa được tập trung xử lý triệt để. Chính vì vậy, mặc dù phóng viên liên hệ phòng thanh tra từ cấp sở đến cấp quận, huyện ở Hà Nội đều khó tìm được con số thống kê có bao nhiêu biển hiệu đề tiếng nước ngoài bị xử lý. Với sự lơi lỏng trong quản lý trật tự xây dựng đô thị đã không được làm rốt ráo ngay cả trên địa bàn TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị lớn khác.
Tiến tới xây dựng thiết kế đô thị
Theo KTS Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, để hạn chế được tình trạng lộn xộn trong quảng cáo, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng cần quan tâm xây dựng thiết kế đô thị. “Việc tổ chức không gian đô thị, đặc biệt là ở các tuyến phố thương mại, dịch vụ quảng cáo là lớp không gian thứ hai, lớp vỏ của lớp không gian kiến trúc, nó là lớp không gian thực mà chúng ta tiếp cận, quan sát và cảm nhận hàng ngày. Vì vậy, không thể phủ nhận tầm quan trọng của nó trong việc tổ chức không gian đô thị. Tuy nhiên, đây lại đang là khâu bỏ ngỏ trong quá trình thiết kế, quy hoạch hiện nay” – KTS Phạm Thanh Tùng cho biết.
KTS Phạm Thanh Tùng đặc biệt ủng hộ tuyến phố quảng cáo kiểu mẫu ở Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Bởi đó là cách đặt đầu đề cho việc xây dựng thiết kế đô thị. Các nước dùng thiết kế đô thị để quản lý đô thị. Trong thiết kế đô thị sẽ thể hiện từng vị trí quảng cáo kích thước như thế nào, treo ở tầm cao bao nhiêu, ánh sáng ban đêm và ánh sáng ban ngày được phép thể hiện mức độ đạt chuẩn để không ô nhiễm về thị giác cũng như ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị.
Các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh luôn muốn đặt biển quảng cáo ở vị trí có thể quan sát được rõ nhất, nội dung quảng cáo được ấn tượng nhất. Điều này mâu thuẫn với việc tổ chức không gian đô thị, khi mà người thiết kế luôn lấy hình khối, tỷ lệ công trình, phối kết cảnh quan… làm vật liệu chủ đạo để tạo tính thẩm mỹ của không gian. Vậy cần có quan điểm rõ ràng, quảng cáo là một loại hình, một bộ phận của không gian nhưng không phải là yếu tố chủ đạo, làm biến đổi không gian mà phải được cân nhắc, được định hình đề xuất trong quá trình quy hoạch, thiết kế đô thị, thiết kế công trình để có tiếng nói chung. Như vậy, rất cần phải có thiết kế đô thị đồng hành cùng với việc kiểm tra, giám sát chặt Luật Quảng cáo, để có được không gian đô thị đúng nghĩa, mang bản sắc riêng của TP và quốc gia.
(còn nữa)