Quảng Ngãi là môi trường đầu tư hấp dẫn

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, triển khai thực hiện dự án và làm ăn thành công. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hấp dẫn đối với doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Kinh tế và Đô thị.

Cảng biển nước sâu Dung Quất giúp Quảng Ngãi thu hút được các DN về đầu tư công nghiệp nặng

Tự hào một năm thành công
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cho biết, năm 2018 là năm thứ ba tỉnh Quảng Ngãi tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XIX, là năm thực hiện chủ đề “Tinh gọn tổ chức bộ máy, biên chế; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; huy động nguồn lực xã hội; đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp”.
Theo Chủ tịch Trần Ngọc Căng, qua đánh giá kết quả thực hiện cho thấy, năm 2018, Quảng Ngãi tiếp tục đạt nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, với hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng cao (9,6%); kim ngạch xuất khẩu đạt 540 triệu USD, vượt 14,4% kế hoạch; thu ngân sách đạt 20.103,2 tỷ đồng, vượt dự toán 37,2%, tăng 5.448 tỷ; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 29.594 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2017, vượt kế hoạch đề ra; cấp phép mới cho 11 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 171,77 triệu USD, vốn thực hiện đạt 115 triệu USD, bằng 185% so với cùng kỳ năm 2017; tỷ lệ hộ nghèo còn 9,57%, giảm 1,59%, trong đó miền núi còn 31,5%, giảm 5,47% so với cuối năm 2017.
Kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ, hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện. Đối thoại giữa chính quyền với DN được tăng cường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện để DN phát triển. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công bước đầu có kết quả. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; giáo dục và đào tạo tiếp tục được cải thiện chất lượng dạy và học. Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm được cải thiện. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Nhìn chung, KT-XH của Quảng Ngãi trong năm 2018 phát triển tương đối đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, là tiền đề quan trọng cho việc thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm, 2016 - 2020.
Sức hấp dẫn từ những cơ chế, chính sách vượt trội
“Có thể nói, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ngãi đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội đầu tư, triển khai thực hiện dự án và làm ăn thành công tại tỉnh. Có hàng loạt các nhà máy, dự án đã và đang triển khai, hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy công nghiệp nặng Doosan, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Khu phức hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ VSIP; các nhà đầu tư lớn trong nước như Vingroup, FLC đã và sắp triển khai các dự án tại tỉnh. Điều này chứng tỏ môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh Quảng Ngãi có nhiều hấp dẫn đối với DN, nhà đầu tư”, Chủ tịch Trần Ngọc Căng nhấn mạnh.
Vậy đâu là sức hút của Quảng Ngãi đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước? Chủ tịch Trần Ngọc Căng chia sẻ: “Theo chúng tôi, có được điều này là xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có sức hấp dẫn từ những cơ chế, chính sách vượt trội của tỉnh, đặc biệt, giá cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư với mức thấp nhất là 0,5% theo khung giá quy định của Chính phủ; hỗ trợ tương đương 20% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với những dự án đặc biệt khuyến khích đầu tư; hỗ trợ 70% chi phí đầu tư hạ tầng trong và ngoài hàng rào dự án, đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng từ 50 đến 90% và miễn tiền thuê đất suốt đời dự án, đối với lĩnh vực xã hội hóa như giáo dục, y tế, văn hóa thể thao, môi trường; hỗ trợ chi phí đào tạo lao động cho các DN.
 Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đang trong quá trình triển khai xây dựng
Lãnh đạo tỉnh có quyết tâm chính trị mạnh mẽ; thường xuyên gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, động viên, đồng hành cùng DN, nhà đầu tư; xem sự thành công của DN cũng chính là của tỉnh. Chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ việc cải cách hành chính; rút ngắn thủ tục hành chính, với cơ chế nhanh gọn, một đầu mối, có hiệu quả cho nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, sức hút của Quảng Ngãi đến từ nguồn nhân lực dồi dào, với dân số gần 1,3 triệu dân; khoảng 65% dân số trong độ tuổi lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 51%; đáp ứng được yêu cầu của DN và hội nhập quốc tế hiện nay.
Yếu tố hấp dân khác đến từ lợi thế, tiềm năng của tỉnh, nhất là Cảng nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 tấn, là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế. Đó là hạ tầng KT-XH ngày càng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch dịch vụ và kinh tế biển đảo¬.
Ngoài ra, Quảng Ngãi có kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt; có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 24A nối với các tỉnh Tây Nguyên, Nam Lào, Myanmar và Bắc Thái Lan. Trung tâm TP Quảng Ngãi cách cảng hàng không quốc tế Chu Lai 30 km, dự kiến đến năm 2025 sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển hàng hóa với công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã hình thành, rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế, các khu công nghiệp và các tỉnh, thành phố lân cận.
Tất cả những yếu tố đó đã giúp Quảng Ngãi trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư
Quảng Ngãi xác định thời gian tới ưu tiên tập trung cho phát triển công nghiệp; xây dựng nông thôn mới; phát triển dịch vụ, du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng…
Để thực hiện được mục tiêu đó, Chủ tịch Trần Ngọc Căng cho rằng: Phải tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy sáng tạo, khởi nghiệp. Thực thi cam kết, tiếp tục đồng hành cùng DN, nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án đã cấp phép sớm đi vào hoạt động, sản xuất kinh doanh. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phấn đấu rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho DN. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng; triển khai xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách. Thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch. Phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các ngành kinh tế.
Tỉnh Quảng Ngãi cần chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất; phối hợp thực hiện dự án đưa khí từ mỏ Cá Voi Xanh vào bờ, chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các dự án điện khí tại Khu kinh tế Dung Quất. Thúc đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành và phát huy hiệu quả dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao cho các nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm như: Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu Công nghiệp-Đô thị và Dịch vụ VSIP.
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tạo sự chuyển biến rõ nét trong việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp. Khuyến khích, tạo điều kiện, đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn…
Khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế các ngành dịch vụ gắn với cảng nước sâu Dung Quất; phát triển logistics khu vực cảng biển Dung Quất. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch. Tập trung hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành thủ tục, đẩy nhanh thực hiện các dự án: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng và đô thị Bình Châu - Lý Sơn; Khu văn hóa Thiên Mã; Khu du lịch nghỉ dưỡng Bãi Dừa; Trung tâm thương mại Hùng Cường Big C…
Đặc biệt, Quảng Ngãi phải khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.