Quảng Ngãi: Triều cường dâng cao chưa từng thấy, sạt lở uy hiếp nhà dân

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triều cường dâng cao bất ngờ, ập vào sâu trong đất liền, gây sạt lở, đứt gãy các tuyến giao thông và đe dọa nhiều nhà dân ven biển.

Từ tối 19/10 đến 20/10, thủy triều dâng cao, xâm thực sâu vào đất liền đến hàng trăm mét, cuốn trôi nhiều diện tích đất canh tác của người dân xóm Châu Tân (thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi). Không ít hàng quán, nhà dân ở ven biển bị triều cường uy hiếp.

Triều cường gây sạt lở ở bờ biển thôn Châu Me (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn).

“Nhà cách biển cả trăm mét, vậy mà lúc 9 giờ tối mở cửa ra thì thấy nước trào vào vườn, nhà. 2 ngày liên tiếp như vậy. Bão số 9 năm 2020 nước biển cũng vào sâu trong này, nhưng hồi đó mưa gió lớn. Còn như mấy hôm rồi thì trời bình thường, biển động ít mà nước dâng lên cao như vậy nên rất lo lắng” - bà Nguyễn Thị Tình (38 tuổi) cho hay.

Hàng rào do gia đình bà Tình xây để chắn sóng bị cát phủ mất mấy lớp gạch.
Hàng rào do gia đình bà Tình xây để chắn sóng bị cát phủ mất mấy lớp gạch.

Sau các đợt triều cường, trong vườn bà Tình ngổn ngang đất cát, một khoảng tường cũng bị kéo sập. Năm 2020 và 2021, triều cường cũng đã gây thiệt hại nhiều cho gia đình. Lo sợ tình trạng này sẽ còn phức tạp, bà Tình vay mượn tiền mua vật liệu, xây bờ tường chỗ hàng rào gồm 5 lớp gạch, chạy dọc theo tuyến đường dẫn ra biển với chiều dài khoảng 90m để ngăn sóng.

“Giờ còn nợ người ta cả chục triệu tiền vật liệu, công xây bờ tường thì anh em, bà con hỗ trợ. Nhà có 2 con nhỏ, đứa 8 tuổi, đứa 3 tuổi nên lo lắm. Mấy hôm nay gửi lên dì hoặc bà ngoại cho yên tâm” - bà Tình bày tỏ.

Nơi từng là rừng dứa biển chắn sóng nay chỉ còn là bãi cát.
Nơi từng là rừng dứa biển chắn sóng nay chỉ còn là bãi cát.

Cũng chung tâm trạng lo lắng như bà Tình, ông Bùi Văn Long (42 tuổi) chia sẻ: “Chưa thấy năm nào không có gió bão mà triều cường lại dâng cao như năm nay, hơn hẳn so với các năm khác. Trước kia dọc ven biển có rừng dứa biển ngăn sóng, nhưng qua các đợt mưa bão, triều cường đã bị sóng cuốn sạch. Bây giờ sóng cứ thế lấn sâu vào đất liền, gây sạt lở và hư hại nhiều nơi. Dân chỉ mong nhà nước đầu tư kè chống sạt lở để yên tâm làm ăn”.

Sóng biển ngoạm sâu và tiến sát vào hàng quán, nhà cửa.
Sóng biển ngoạm sâu và tiến sát vào hàng quán, nhà cửa.

Theo quan sát của phóng viên, qua đợt triều cường, dọc bờ biển thôn Châu Tân, nhiều diện tích đất bị sóng khoét sâu, tạo hàm ếch. Nhiều cây dương liễu, dứa biển... bị bật gốc, trồi rễ cả mét. Một số tuyến giao thông cũng bị sóng đánh vỡ hoặc làm hư hại.

Rừng dương và dứa biển chắn sóng bị "gặm" nham nhở.
Rừng dương và dứa biển chắn sóng bị "gặm" nham nhở.

Ông Lê Văn Nguyên - Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, triều cường dâng cao chưa từng thấy trong những ngày qua đã làm cho hàng trăm hộ dân ở thôn Châu Me bị ảnh hưởng.

“Thủy triều dâng cao xâm thực vào vườn nhà dân ở xóm Châu Tân, thôn Châu Me hàng trăm mét tính từ mép biển, đồng thời gây sạt lở nghiêm trọng dọc bờ biển xóm Châu Tân, trong đó đánh sập hàng chục mét đường ở 4 tuyến đường dân sinh phục vụ bà con xóm Châu Tân. Các tuyến giao thông này đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở, hư hỏng nhiều hơn” - ông Lê Văn Nguyên cho hay.

 Một tuyến giao thông bị sóng biển quật vỡ tan tành.
 Một tuyến giao thông bị sóng biển quật vỡ tan tành.

Theo Chủ tịch UBND xã Bình Châu, tình trạng triều cường gây sạt lở đã diễn ra nhiều năm trước và ngày càng nghiêm trọng. Chính quyền đã kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ngãi và cấp có thẩm quyền, xem xét đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

Ông Ung Đình Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Trước mắt địa phương sẽ tham vấn các cơ quan dự báo thời tiết để có cảnh báo sớm giúp người dân gia cố vườn tược, và có giải pháp di dời khi biển nổi sóng. Còn về lâu dài, phải xây dựng tuyến đê kè chắn sóng. Nhưng để làm được cần nguồn vốn lớn và vượt quá tầm của huyện. Do đó, địa phương sẽ có báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư để bảo vệ người dân, chống triều cường xâm thực”.