Quảng Ninh: Gắn kết đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chung

Vĩnh Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay (31/10) UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Đại hội đại biểu 22 dân tộc thiểu số lần thứ III của năm 2019. Tham dự Đại hội có 250 đại biểu chính thức đại diện cho trên 162.000 đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh.

Với chủ đề “Nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, Đại hội đã dành nhiều thời gian đánh giá thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Quảng Ninh lần thứ II; đánh giá những thành tựu, kết quả đã đạt được trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước về công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc; đánh giá công tác phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2014 – 2019.
Như vậy sau 4 năm triển khai, toàn tỉnh có 5 địa phương cấp huyện, 92/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 54/54 thôn, 5/17 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 98% dân số khu vực nông thôn có nước sạch sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã có đường liên thôn được cứng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện thường xuyên đạt 100%; hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc từ 26,4% năm 2015 giảm xuống còn 5,6% năm 2018…

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng đại hội

Đại hội cũng đúc rút những bài học kinh nghiệm, xác định nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2019 - 2024. Qua đó, tạo động lực để đồng bào các DTTS vươn lên xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc; củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận của nhân dân, đồng bào các DTTS đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị đã nhấn mạnh: Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với tỉnh, không chi tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Tỉnh ủy – HĐND – UBND - UBMTTQ tỉnh và hệ thống chính trị toàn tỉnh đối với công tác dân tộc, mà còn là dịp để ghi nhận, biểu dương những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số toàn tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh.
Thời gian tới, để phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh là chiến lược, cơ bản, lâu dài đảm bảo cho sự ổn định và phát triển bền vững của Quảng Ninh. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm cho các cấp, các ngành, cán bộ công nhân viên chức, ưu tiên hợp lý ngân sách địa phương theo hướng cơ cấu lại đầu tư công cho các chương trình mục tiêu gắn với cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp chất lượng hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi của tỉnh nhất là các thiết chế về văn hóa, y tế, giáo dục… Tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách để người dân tự vươn lên thoát nghèo, coi trọng công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng…
Làm được như vậy mới mong Quảng Ninh ngày càng đổi mới, văn minh hiện đại, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh càng thêm tin tưởng, tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc thi đua phát huy nội lực, lao động sáng tạo, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.