Quốc hội thảo luận Luật Quy hoạch: Đề xuất 1 luật, sửa 25 luật

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về những nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quy hoạch.

Luật Quy hoạch đã được thảo luận qua 2 kỳ họp, tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn về tính khả thi của Dự Luật, vì để triển khai thi hành Luật Quy hoạch cần phải sửa đổi nhiều luật hiện hành có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các quy định trong Dự Luật Quy hoạch.
  Một góc thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Tiếp thu ý kiến của các ĐB trong các lần thảo luận trước, trong giải trình, tiếp thu trình kỳ họp lần này, để làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung cụm từ “hệ thống quy hoạch quốc gia” vào phạm vi điều chỉnh. Theo đó Luật Quy hoạch là luật quy định chung, quy định trình tự lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, điều chỉnh, giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra hệ thống quy hoạch quốc gia tại Điều 5 của dự thảo Luật; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, sau khi rà soát các quy định của dự thảo Luật và đối chiếu với yêu cầu của các ĐB Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch các quy hoạch phát triển ngành không liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đề nghị bổ sung hành vi cấm lập, lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sản phẩm và thể hiện tại các khoản 1, 5 và 10 của Điều 3, khoản 1 Điều 14, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 70 của dự thảo Luật Quy hoạch.

Về điều kiện để thi hành luật, có ý kiến cho rằng trong khoảng thời gian 2 năm từ 01/01/2019 đến 21/12/2020 thì việc quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực sẽ không có quy hoạch. Mặt khác, trong khoảng thời gian 2 năm để hoàn thành trên 100 quy hoạch, bao gồm quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, chưa kể quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, phải tích hợp hàng ngàn quy hoạch vào các quy hoạch quy định trong luật là khó khả thi, chưa rõ nguồn lực cả về vốn và nhân lực là các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ quy hoạch cho các địa phương, các cơ quan. Đồng thời, có 32 luật cần sửa đổi để bảo đảm tính phù hợp với Luật quy hoạch... Theo Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và bổ sung Điều 71 mới vào Dự Luật để sửa đổi các quy định có nội dung đơn giản về kỹ thuật, không ảnh hưởng đến kết cấu của các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch, gồm: Luật công nghệ thông tin, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thú y, Luật Dự trữ quốc gia....

Qua rà soát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bổ sung danh mục gồm 25 Bộ Luật và Luật phải sửa để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch. Và kiến nghị Quốc hội cho phép bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 dự án một luật để sửa đồng thời các luật này theo hướng chia nhóm các luật theo ngành, lĩnh vực mà các bộ quản lý. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tập hợp, rà soát nhằm xác định phương án sửa chữa. Việc sửa đổi như vậy là khả thi và đảm bảo có hiệu lực cùng với Luật Quy hoạch theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho biết, để không bỏ sót các quy định liên quan đến quy hoạch, khoản 4 Điều 70 của Dự thảo Luật Quy hoạch giao Chính phủ rà soát và ban hành danh mục các quy hoạch được tích hợp quy định và các quy hoạch sản phẩm trước ngày 01/1/2019. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch, trong đó yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chuẩn bị các công việc cần thiết để bảo đảm hiệu lực trong thực thi Luật Quy hoạch.