Quốc tế báo động về tình trạng bạo lực leo thang tại Myanmar

Nguyễn Phương (Theo AFP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại về tình hình bạo lực tại Myanmar, sau khi có thêm ít nhất 11 người biểu tình thiệt mạng trong ngày 15/3.

>>> Nhiều người chết và thương vong trong ngày biểu tình 13/3 ở Myanmar

>>> Điện Kremlin nói gì khi căng thẳng chính trị tại Myanmar tiếp tục leo thang?

>>> Chính biến tại Myanmar: 39 người thiệt mạng, nhiều nhà máy của Trung Quốc bị đốt phá

Liên Hợp quốc (LHQ), Mỹ, Anh, Nhật Bản và Trung Quốc ngày 15/3 đồng loạt lên án bạo lực tại Myanmar, mà theo báo cáo của LHQ đã khiến ít nhất 138 người biểu tình hòa bình thiệt mạng kể từ khi nổ ra chính biến hôm 1/2.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 15/3 kêu gọi quân đội Myanmar ngăn chặn các vụ tấn công vào những công ty có đầu tư của Trung Quốc.
Trong ngày thứ Hai (15/3), những người phản đối cuộc chính biến tại Myanmar tiếp tục xuống đường tuần hành ở Mandalay và thị trấn Myingyan, bất chấp việc chính quyền sử dụng bạo lực can thiệp.
Theo truyền thông quốc tế, đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại Myanmar trong ngày 14/3 đã khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và 40 người bị thương, bất chấp thiết quân luật đã được ban bố tại 2 quận ở Yangon. Con số trên tương đương với số người thiệt mạng trong cuộc đụng độ hôm 3/3 - ngày đẫm máu nhất kể từ khi xảy ra chính biến.
Hiện 6 thị trấn ở cố đô Yangon được đặt trong tình trạng thiết quân luật đến sáng, cho phép quân đội thực hiện quyền hành pháp và tư pháp tại những khu vực này mà không cần xin ý kiến của Hội đồng Hành chính quốc gia - cơ quan ra quyết định cao nhất được thành lập sau chính biến.
Trước những diễn biến căng thẳng tại Myanmar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jalina Porter hôm 15/3 cho biết: “Quân đội đã đáp trả lời kêu gọi khôi phục dân chủ ở Myanmar bằng những phát đạn”.
Bà Porter cũng lưu ý rằng Mỹ tiếp tục kêu gọi tất cả quốc gia thực hiện hành động cụ thể để phản đối cuộc chính biến và bạo lực leo thang.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, ông Stephane Dujarric tuyên bố hôm 15/3: “Tổng thư ký Antonio Guterres kêu gọi cộng động quốc tế, bao gồm những nước trong khu vực cùng nhau đoàn kết với người dân Myanmar và nguyện vọng dân chủ của họ”.
Trước đó, hôm 14/3, Đặc phái viên LHQ tại Myanmar Christine Schraner Burgener cũng lên án việc trấn áp người biểu tình đẫm máu trong ngày Chủ nhật.
Đại sứ Anh tại Myanmar Dan Chugg bày tỏ cảm giác “kinh hoàng trước việc lực lượng an ninh sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình”, và kêu gọi chính quyền trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự được bầu cử một cách dân chủ.
Ngày 15/3, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết, Tokyo đang theo dõi tình hình và xem xét các biện pháp ứng phó về kinh tế. "Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ xem xét cách phản ứng với tình hình ở Myanmar trên lĩnh vực hợp tác kinh tế và các chính sách, thông qua việc theo dõi sát sao các diễn biến về tình hình, trong khi xem xét các phản ứng từ những quốc gia liên quan" - ông Katsunobu Kato nói với các phóng viên hôm 15/3.
Những cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh Myanmar và người biểu tình khiến Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ. Hôm 15/3, Trung Quốc hối thúc Myanmar hành động kiên quyết để ngăn những vụ việc như vậy tái diễn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 15/3 nhấn mạnh, Myanmar nên “thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo sự an toàn của các công ty và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar".
Theo tờ Global Times, trong ngày 14 - 15/3, tổng cộng 32 nhà máy ở Yangon có chủ đầu tư đến từ Trung Quốc đã chịu thiệt hại trong đợt tấn công của người biểu tình. Trong đó, 2 công nhân Trung Quốc bị thương. Tổng thiệt hại về tài sản vào khoảng 37,8 triệu USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần