Quy mưa lũ miền Trung do suy giảm rừng là chủ quan

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ này tổ chức sáng 9/11 khi được hỏi về nguyên nhân khiến mưa lũ gây hậu quả nghiêm trọng tại miền Trung trong tháng 10/2016.

Không phủ nhận tình trạng mất rừng vẫn còn xảy ra khá phổ biến tại một số địa phương, nhất là tại các tỉnh Tây Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh: Tổng diện tích rừng và độ bao phủ rừng trên toàn quốc nhìn chung đang tăng. Cụ thể, trong 5 năm qua, tổng diện tích rừng trồng mới khoảng 553.000ha.

 Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn phát biểu tại buổi họp báo

Mức độ che phủ cũng đã đạt xấp xỉ 41%. Sự suy giảm diện tích rừng theo ông Hà Công Tuấn, chủ yếu là do cháy rừng. Thực tế, tổng số vụ vi phạm về khai thác rừng trái phép 10 tháng của năm 2016 giảm tới 7,7% so với cùng kỳ năm 2015. Nhưng diện tích rừng bị thiệt hại lại tăng 3,3 lần, mà cháy rừng vẫn là nguyên nhân chính. Theo ông Tuấn, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tập trung cho công tác bảo vệ, phát triển và phòng chống cháy rừng; trồng rừng ven biển và rừng thay thế. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chủ trương khai thác rừng tự nhiên…

Tại cuộc họp báo sáng 9/11, nhiều vấn đề “nóng” liên quan tới xuất khẩu gạo, nhập khẩu hoa quả,… cũng đã được đưa ra mổ xẻ. Theo ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), hầu hết các mặt hàng hoa quả trên thị trường Việt Nam hiện nay đều được nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, chất lượng hoa quả nhập khẩu được kiểm soát nghiêm ngặt thông qua quy trình kiểm soát chặt chẽ. Ông Trung cũng cho biết, Trung Quốc nhiều năm qua là quốc gia xuất khẩu hoa quả lớn cho Việt Nam và luôn được “chú ý” nhiều hơn về yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm. Các mặt hàng nông sản Trung Quốc nói chung, hoa quả nói riêng khi được nhập vào Việt Nam đều được lấy số mẫu phân tích, kiểm đếm nhiều hơn.

Thống kê từ đầu năm 2016 đến nay, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam mới đạt khoảng 4,2 triệu tấn, trong khi mục tiêu xuất khẩu là trên 5,7 triệu tấn. Với diễn biến thị trường hiện nay, xuất khẩu gạo nhiều khả năng không đạt kỳ vọng. Đánh giá về nguyên nhân, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng: Chất lượng gạo thua kém khiến sức cạnh tranh của ngành hàng này thấp hơn khá nhiều so với các cường quốc về gạo trong khu vực là Thái Lan và Campuchia. Đáng chú ý, thời gian qua, có 29 lô gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ bị trả về. Xung quanh thông tin này, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Hoàng Trung cho biết: Trong số 29 lô hàng, chỉ có 6 lô bị trả về do có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá ngưỡng cho phép; 23 lô còn lại bị trả về chủ yếu là do lỗi kỹ thuật, quy trình xuất nhập khẩu! Nhằm bảo đảm tính bền vững cho xuất khẩu gạo, đại diện Cục Bảo vệ thực vật đề nghị các địa phương hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa được các quốc gia nhập khẩu kiểm định, cho phép. Cùng với đó, cần thiết phải tiến hành lấy mẫu kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi xuất đi các nước, nhất là những thị trường khó tính như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU)… nhằm giữ uy tín cho các ngành hàng xuất khẩu.

Liên quan tới tình hình đánh bắt thủy sản tại miền Trung sau sự cố môi trường biển, ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đến nay, ngư dân đã có thể đánh bắt bình thường. Dù vậy, vừa qua Bộ đã có thông báo, khuyến cáo ngư dân không tổ chức đánh bắt cá ở tầng đáy trong khoảng cách 20 hải lý (tính từ đất liền) nhằm bảo vệ sự phát triển của rặng san hô và thảm cỏ biển. Đây cũng là khu vực các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT đang tiến hành lấy mẫu đánh giá chất lượng thủy sản. Được biết, tại 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế hiện còn trên 996 tấn thủy sản có chứa nồng độ các chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Dự kiến toàn bộ số thủy sản nhiễm độc này sẽ được tiêu hủy xong trong tháng 11/2016. Các địa phương sẽ tiến hành hỗ trợ 100% bằng tiền mặt cho ngư dân bị thiệt hại.