Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh chính thức ngừng hoạt động

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 20/2, bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh đã ký thông báo dừng hoạt động Quỹ do một số điều kiện khách quan.

 Bà Nguyễn Thị Bình - Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh (ảnh tư liệu)
Thông báo cho biết, Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh mang tên nhà văn hoá lỗi lạc Phan Châu Trinh là một tổ chức phi chính phủ, được nhiều nhà trí thức tâm huyết thành lập từ năm 2007. Lúc đầu mang tên Quỹ dịch thuật Phan Châu Trinh. Quỹ với sứ mệnh góp phần phục hưng, du nhập, khởi phát, giữ gìn và lan toả những giá trị tinh hoa văn hoá nhằm phục vụ công cuộc canh tân văn hoá Việt Nam trong thế kỷ XXI.
Qua 11 năm hoạt động, Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh đã luôn trung thành với sứ mệnh nói trên. Nhiều tác phẩm tinh hoa của văn hoá thế giới đã được giới thiệu, hàng loạt các buổi thuyết trình, hội thảo đã được tổ chức. Đáng kể nhất là nỗ lực giữ gìn và lan toả những giá trị tinh hoa của Giải thưởng Văn hoá Phan Châu Trinh hàng năm, vinh danh nhiều danh nhân văn hoá Việt Nam trong thời hiện đại, trân trọng tuyên dương gần 100 nhà trí thức, học giả, các nhóm nghiên cứu ở trong và ngoài nước trong các hạng mục giải thưởng gồm: dịch thuật, nghiên cứu, sự nghiệp văn hoá - giáo dục, Việt Nam học.
Chính tầm vóc và uy tín học thuật của nhiều người nhận giải đã làm nên danh giá của giải thưởng và tạo nên tác động rộng rãi và tích cực trong xã hội.
“11 năm hoạt động cho phép Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh vui mừng trước những thành quả bước đầu ấy trong việc khởi phát tinh thần “hưng dân trí, chấn dân khí”. Nay do một số điều kiện khách quan, chúng tôi xin trân trọng thông báo chấm dứt mọi hoạt động của Quỹ văn hoá Phan Châu Trinh kể từ ngày công bố thông báo này” – trong thông báo bà Nguyễn Thị Bình đã nêu.
Trong thông báo, bà Nguyễn Thị Bình chân thành cảm ơn sự cộng tác và đóng góp đầy tâm huyết của các vị trong Hội đồng khoa học, của đông đảo các cảm tình viên của Quỹ. “Tôi hy vọng, việc nâng cao nền tảng tri thức và canh tân văn hoá nước nhà để hoà nhập vào dòng chảy văn minh và tiến bộ của nhân loại là một yêu cầu tất yếu của lịch sử và, bằng nhiều hình thức và nỗ lực khác nhau, nhất định sẽ được tiếp tục và đạt được kết quả tốt đẹp”, thông báo nêu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần