Quyết định quan trọng của Fed và những tác động đầu tiên

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc Fed quyết định giữ nguyên lãi suất đã dẫn đến những tín hiệu tích cực đầu tiên trên thị trường chứng khoán.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong năm 2023 và dự kiến ít nhất sẽ có 3 lần cắt giảm trong năm 2024, một động thái cho thấy cơ quan này đang chuyển sang giai đoạn tiếp theo trong cuộc chiến chống lạm phát.

Đây là lần thứ ba liên tiếp Fed quyết định giữ lãi suất ở mức 5,25-5,5% (bắt đầu từ tháng 7/2023) sau một loạt đợt tăng liên tục bắt đầu từ tháng 3/2022, khiến lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm.

Chủ tịch Fed, Jerome H. Powell lạc quan trước tình hình kinh tế hiện tại. Ảnh: The New York Times
Chủ tịch Fed, Jerome H. Powell lạc quan trước tình hình kinh tế hiện tại. Ảnh: The New York Times

Theo giới quan sát, quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách có đủ thời gian để đánh giá tác động của mức lãi suất đối với nền kinh tế, cũng như đánh giá tích cực về triển vọng mục tiêu giảm lạm phát xuống mức 2%. Việc lạm phát ngày càng chậm lại cũng như thị trường việc làm vẫn đang hạ nhiệt có vẻ như đã thuyết phục các quan chức Fed rằng những chính sách này đang phát huy hiệu quả.

Trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, Chủ tịch Fed, Jerome H. Powell, cho biết cơ quan này không kì vọng sẽ có một đợt tăng lãi suất nữa.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến về việc giảm lãi suất cho vay xuống 4,6% vào cuối năm 2024, thấp hơn đáng kể so với ước tính 5,1% vào tháng 9. Dự báo trên cũng ám chỉ rằng các quan chức sẽ thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất vào năm tới.

Dự báo về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi – thước đo lạm phát ưa thích của Fed – cũng đã được cơ quan này hạ xuống còn 2,4% vào năm 2024 và 2,2% vào năm 2025, giảm từ mức tương ứng 2,6% và 2,3% trong dự báo trước đó.

Dựa trên những dự báo kinh tế, các nhà hoạch định chính sách kỳ vọng rằng lạm phát sẽ quay trở về mức 2% vào năm 2026, cũng như hy vọng về tỷ lệ thất nghiệp nhẹ 4,1% vào năm tới, một phần do tăng trưởng chậm lại.

 “Lạm phát đã giảm từ mức cao nhất trong khi tỷ lệ thất nghiệp không tăng đáng kể. Đó là một tin tốt mặc dù con đường trước mắt vẫn chưa thực sự chắc chắn” – Ông Powell cho biết. Vị chủ tịch này cũng tránh đề cập đến một chiến thắng trước lạm phạt cũng như không nhắc đến thời điểm bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Những tín hiệu tích cực đầu tiên

Thị trường trở nên lạc quan hơn khi các quan chức Fed hướng tới một tương lai với lãi suất thấp hơn. Sau quyết định chính sách của Fed và bài phát biểu của ông Powell, ba chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy những tín hiệu khởi sắc khi lần lượt đạt mực cao kỷ lục mới trong vòng một năm.

Chỉ số S&P 500 tăng 1,37% và vượt mốc 4.700 lần đầu tiên kể từ tháng 1/2022, trong khi Nasdaq Comsite tăng 1,38%. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones đạt mức tăng kỷ lục 1,4% và lần đầu tiên vượt qua mức 37.000 – phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào tháng 1/2022.

Lãi suất trái phiếu chính phủ giảm và các nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng vào việc Fed có thể cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3.

Tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương, chứng khoán Hồng Kông đã dẫn đầu đà tăng với mức tăng 1,6% của chỉ số Hang Seng, trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng 0,36%.

Tại Úc, chỉ số S&P/ASX 200 khởi đầu ngày mới bằng mức tăng 1,44%, mức chưa từng thấy kể từ 1/8.

Chỉ số Kospi và Kosdaq của Hàn Quốc lần lượt chứng kiến mức tăng 1,4% và 1,32%.

Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản lại giảm 0,41%, còn Topix giảm 1,19%. Lĩnh vực tài chính dẫn đầu cho sự sụt giảm khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định chính sách từ Ngân hàng Nhật Bản vào tuần tới.