Quyết liệt nên phát hiện và xử lý ngày càng nhiều tội phạm tham nhũng

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 6/9, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 10 Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 nhận định, tội phạm tham nhũng, chức vụ được phát hiện tăng cho thấy công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt.

Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực

Theo Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 (từ ngày 1/10/2022 đến ngày 31/7/2023), tình hình tội phạm được kiềm chế, không để phát sinh những phức tạp lớn, trật tự an toàn xã hội từng bước có chuyển biến tích cực. Các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ; công tác phát hiện, điều tra án kinh tế, tham nhũng tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, có dấu ấn lan tỏa, cảnh tỉnh, răn đe…

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về tình hình kết quả công tác phòng, chống tội phạm về trật tự xã hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương liên quan ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp nhằm kiềm chế sự gia tăng, giảm số vụ phạm tội về trật tự xã hội; tổ chức trấn áp quyết liệt các loại tội phạm nổi lên, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để gây án, mua bán người, xâm hại trẻ em, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong kỳ báo cáo, đã phát hiện 4.946 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 13,6%), 679 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 71,46%).

Các cơ quan đã phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực với phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

Chính phủ cũng nhận định tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn biến phức tạp. Nổi lên là các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe, khai thác tài nguyên, khoáng sản; vi phạm quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá với thủ đoạn thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu với đơn vị thẩm định nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản Nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng cũng nổi lên. Tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, chủ yếu là các sai phạm trong công tác thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất đai với mục đích trục lợi…

Rà soát, làm rõ bất cập trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực

Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa đã đề cập đến số liệu, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5%. Điều này cho thấy công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nên việc phát hiện và xử lý ngày càng nhiều.

Nhưng nhóm nghiên cứu chỉ ra, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng thể hiện công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Sai phạm trong các vụ án hầu hết đều liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi. Do đó, vấn đề cần đặt ra là cần nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phiếu lý lịch tư pháp còn nhiều sơ hở để các đối tượng lợi dụng trục lợi, nhận hối lộ. Đáng lưu ý là hành vi vi phạm kéo dài trong nhiều năm, xảy ra nhiều nơi trên cả nước nhưng không kịp thời phát hiện, xử lý.

Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đấu thầu, mua sắm tài sản công, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phiếu lý lịch tư pháp và các lĩnh vực khác dễ phát sinh tham nhũng để kịp thời hoàn thiện bất cập về mặt chính sách nhằm hạn chế các đối tượng lợi dụng trục lợi.

Đồng thời, cũng hoàn thiện các quy định của pháp luật có liên quan để tháo gỡ vướng mắc nhất là việc quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp. Xác định rõ hơn nữa trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng cá nhân trong từng lĩnh vực nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm, không dám làm; đồng thời đẩy nhanh hơn nữa lộ trình cải cách tiền lương, đảm bảo cho cán bộ, công chức được tăng dần mức sống, yên tâm công tác.

Trước tình trạng gia tăng của tội phạm và dự báo tình hình kinh tế, xã hội thời gian tới còn nhiều khó khăn, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan cần đưa ra những giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.