Quyết sách cho phát triển bứt phá

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều đó đòi hỏi sự nhận định chính xác tình hình, không thỏa mãn với kết quả đã đạt được. Đó là vấn đề được nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 20/10.

Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Minh, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Từ những con số được đưa tại ngày làm việc đầu tiên đã có thấy những tín hiệu rất tích cực khi tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2022 đạt 8,83%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, ước cả năm GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), bù đắp vào những năm vừa qua khi tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sự phát triển của cộng đồng DN thể hiện qua số liệu DN thành lập mới, lượng vốn đầu tư gia tăng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách Nhà nước cũng rất khả quan, nhiều chính sách an sinh được thực thi kịp thời và đúng thời điểm… Nhưng những điểm “chưa sáng” cũng không ít khi sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu biến động liên tục, rồi thị trường chứng khoán, trái phiếu DN, bất động sản cũng xảy ra không ít vụ việc khiến người dân lo lắng.

Nhìn ở con số DN cũng cho thấy, trung bình mỗi tháng có khoảng 12.000 DN phải rời thị trường hoặc không tiếp tục kinh doanh được; có từ 25 - 29% DN ở khu vực sản xuất nhận định tình hình sắp tới đặc biệt khó khăn do thị trường nhập khẩu biến động theo chiều hướng không thuận lợi…

Trong khi đó, đến ngày 30/9, tình hình thực hiện và giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình mới đạt trên 61.000 tỷ đồng/301.000 tỷ đồng, bằng khoảng 20,2% tổng quy mô nguồn lực của Chương trình, còn dư địa khá lớn nhưng triển khai chậm cũng ảnh hưởng tới hoạt động hỗ trợ DN.

Bởi thế, “trọng tâm của trọng tâm” là Quốc hội phải tập trung đánh giá thật kỹ các vấn đề đặt ra ở cả kết quả và vướng mắc, dự báo tình hình, từ đó mới có thể xác định các giải pháp căn cơ, cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn nhất; đúng, trúng các ưu tiên cho năm tiếp theo, để thúc đẩy cả giai đoạn phát triển.

Không chỉ dừng ở quyết nghị những chính sách liên quan đến kinh tế - xã hội, chính các Dự án Luật được đưa xem xét tại Kỳ họp này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, hoạt động của DN. Trong đó, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - đạo luật có tầm quan trọng đặc biệt, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Việc sửa đổi Luật không chỉ giúp giảm đi những bức xúc trong xã hội liên quan đến lĩnh vực này, xử lý vấn đề tham nhũng, lãng phí, mà còn vô cùng cần thiết để đất đai thành một nguồn lực được khai thác có hiệu quả, đóng góp hơn nữa cho sự phát triển.

Đứng trước những vấn đề rất lớn và khó ấy, nhiệm vụ đặt ra cho mỗi đại biểu rất nặng nề và trách nhiệm cũng rất lớn lao. Như Chủ tịch Quốc hội đã nói, Quốc hội đang thể hiện rõ tinh thần hành động, đổi mới và cống hiến, luôn đặt người dân, DN ở vị trí trung tâm trong mọi quyết sách. Đặc biệt, trước thực tế cuộc sống, còn nhiều việc đòi hỏi cái nhìn thấu đáo, sự vào cuộc tích cực, bản lĩnh hơn của mỗi đại biểu trên nghị trường.

Điều người dân, cử tri trông đợi ở nghị trường là những quyết sách đúng đắn, sáng suốt cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng. Để những giải pháp được bàn thảo, quyết nghị thực sự đột phá cho trước mắt và xa hơn ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội, không để lỡ nhịp hồi phục sau dịch bệnh, giải quyết được cả các điểm nghẽn và những bức thiết từ cuộc sống đang đang đặt ra, tiếp tục tạo bước tăng trưởng vững chắc trên các lĩnh vực.