Ra đi để trở về lập nghiệp

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là trào lưu mới của nhiều lao động trẻ, họ không chọn ở lại lập nghiệp nơi xứ người xa lạ mà về nước để bắt đầu hành trình mới.

Qua thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản gần 5 năm, bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy, nhiều người lao động sau khi về nước đã khởi nghiệp thành công. Cũng có một số lao động khác kết nối với các DN FDI để làm việc với mức lương hấp dẫn.

Khởi nghiệp mở công ty doanh thu 10 - 20 tỷ đồng/năm

Trong những năm qua, cả nước có hơn 130.00 lượt lao động và riêng TP Hà Nội đã có gần 7.000 lượt người lao động được phái cử đi làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản theo Chương trình EPS và IM Japan về nước.

Những người lao động sau khi hoàn thành các chương trình EPS và IM Japan về nước là lực lượng lao động có kinh nghiệm với nhiều ngành nghề khác nhau, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Hàn, tiếng Nhật, am hiểu văn hóa Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như cách thức làm việc của các DN ở hai nước này.

Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước - Bộ LĐTB&XH Đặng Huy Hồng cho biết, trong số những người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã về nước, rất nhiều người bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được đã khởi nghiệp thành công, hoặc đảm nhiệm những vị trí việc làm quan trọng trong các DN.

Anh Vũ Văn Giáp (sinh năm 1984, quê: xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) sang Hàn Quốc làm việc trong ngành ngư nghiệp nghề đánh bắt và chế biến bạch tuộc. Trong thời gian làm việc tại nước bạn, anh Vũ Văn Giáp đã cố gắng làm việc, khắc phục khó khăn, chịu khó học hỏi, sáng tạo, tự chế tạo được máy móc hỗ trợ để giảm thiểu sức lao động cho công nhân của công ty và chăm chỉ học hỏi tiếng Hàn để giao tiếp tốt.

Ban Tổ chức trao giải ''Lao động EPS về nước lập nghiệp thành công năm 2023'' cho những người lao động đi Hàn Quốc trở về. Ảnh: Trần Oanh
Ban Tổ chức trao giải ''Lao động EPS về nước lập nghiệp thành công năm 2023'' cho những người lao động đi Hàn Quốc trở về. Ảnh: Trần Oanh

Khi trở về nước, Vũ Văn Giáp làm việc cho công ty Hàn Quốc, giữ chức Trưởng phòng kỹ thuật; sau đó thành lập Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ CNC Việt Nam, đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, Giám đốc điều hành. Công ty của anh có doanh thu trung bình 15 - 20 tỷ đồng/năm, đang sử dụng 50 - 60 nhân viên với mức thu nhập ổn định.

Anh Vũ Văn Giáp là người đạt giải Nhất cuộc thi “Lao động EPS về nước lập nghiệp thành công năm 2023” được Ban Tổ chức trao giải thưởng cuối tháng 11/2023.

Anh Phan Anh Vũ (sinh năm 1988, quê: huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) trong 4 năm 10 tháng làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS đã nỗ lực học hỏi và chuyển đổi visa E7, được tiếp tục ở lại đất nước này làm việc thêm một thời gian. Khi trở về Việt Nam, Phan Anh Vũ thành lập Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Quốc Bảo Korea chuyên sản xuất dụng cụ nhà bếp bằng gỗ, sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Ngoài ra, Phan Anh Vũ liên kết với những công ty cùng ngành hàng của tỉnh và ký kết bao đầu ra cho sản phẩm của họ, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng/năm. Sản phẩm của Công ty Quốc Bảo được đánh giá cao nên DN có nhiều đơn đặt hàng từ phía Hàn Quốc; công nhân có việc làm ổn định với mức lương cơ bản 8 - 10 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm thưởng và làm thêm giờ.

Nhiều cơ hội việc làm trong doanh nghiệp FDI, lương cao

Những người như anh Vũ Văn Giáp, Phan Anh Vũ, Bùi Văn Hiếu... sau thời gian sống và làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản trở về không chỉ có tay nghề cao, am hiểu tâm lý hai quốc gia phát triển, văn hóa DN nước ngoài mà còn có ưu điểm lớn là biết tiếng bản địa. Sau khi về nước, bằng kiến thức, kinh nghiệm và số vốn tích lũy được, họ đã khởi nghiệp thành công.

Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam, đây là những gương mặt điển hình, đại diện cho các người lao động đi làm việc tại nước ngoài trở về, tạo động lực và nguồn cảm hứng cho lao động trẻ khác noi theo.

Ghi nhận của phóng viên tại Hội chợ việc làm dành cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan về nước ngày 30/11/2023 cho thấy, có 47 DN đơn vị, DN tham gia tuyển dụng 1.568 chỉ tiêu.

Đặc biệt, 16 đơn vị vốn đầu tư của Hàn Quốc và Nhật Bản có nhu cầu tuyển dụng vào các vị trí như phiên dịch viên, nhân viên kỹ thuật cơ khí, thợ vận hành máy, lắp ráp linh kiện điện tử... với những mức thu nhập hấp dẫn. Đây là cơ hội thuận lợi dành cho người lao động làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và IM Japan về nước tìm được việc làm ổn định, phù hợp với năng lực.

Tham gia hội chợ này, các DN cũng tìm kiếm được đúng nguồn lao động phù hợp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Chị Tạ Thị Ngọc Minh là chuyên viên tuyển dụng của Công ty TNHH Optrontec Vina có 100% vốn Hàn Quốc chia sẻ: "Công ty Optrontec Vina cần tuyển 20 chỉ tiêu ở vị trí sản xuất, tổ trưởng sản xuất. Chúng tôi mong muốn tuyển được nhiều ứng viên biết sử dụng tiếng Hàn, có kỹ năng để phục vụ cho vị trí công ty cần. Tôi thấy chúng ta đang lãng phí nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về. Rất nhiều bạn dù chưa nói tốt tiếng Hàn như sinh viên tốt nghiệp khoa Tiếng Hàn nhưng lại có kỹ năng, thời gian sống bên Hàn Quốc và hiểu biết văn hóa nước này thì có thể được sử dụng vào vị trí phiên dịch, sản xuất"...

Trở về nước tìm cơ hội khởi nghiệp và việc làm phù hợp với khả năng, kinh nghiệm có được trong thời gian làm việc ở nước ngoài đang trở thành hướng đi mới được nhiều lao động trẻ lựa chọn. Nó minh chứng một điều: lao động đi nước ngoài làm việc không chỉ có thu nhập cao mà còn tích lũy kiến thức, kỹ năng. Khi trở về nước, lực lượng này là nguồn nhân lực tuyệt vời cho các công ty trong nước, nhất là các công ty FDI.