'Rút kinh nghiệm vụ ông Dương Chí Dũng bỏ trốn'

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tại sao để cựu Chủ tịch Vinalines bỏ trốn, khi nào chấm dứt tình trạng mãi lộ, có tình trạng người nước ngoài phá hoại kinh tế Việt Nam hay không... những câu hỏi dồn dập khiến phiên chất vấn Bộ trưởng Công an "nóng" ngay từ đầu.

"Dịp trả lời chất vấn này là cơ hội để chúng tôi báo cáo về tình hình an ninh quốc gia, những bức xúc mới nổi lên và tiếp nhận các ý kiến của đại biểu Quốc hội", Bộ trưởng Trần Đại Quang phát biểu trước khi bước vào phiên chất vấn, chiều 14/6. Tại kỳ họp này, Bộ Công an đã nhận được 3 chất vấn bằng văn bản.
 
'Rút kinh nghiệm vụ ông Dương Chí Dũng bỏ trốn' - Ảnh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Khá. Ảnh: QH

Là đại biểu đầu tiên đặt câu hỏi, bà Nguyễn Thị Khá đề nghị Bộ trưởng Công an làm rõ việc người nước ngoài tham gia hoạt động thương mại, vi phạm pháp luật tại Việt Nam và những giải pháp hạn chế tình trạng tội phạm trẻ hóa.

Theo Bộ trưởng Công an, đang có tình trạng một số thương nhân nước ngoài lợi dụng sự "nhẹ dạ cả tin" của nông dân để lừa đảo. Bộ Công an lưu ý các địa phương kiểm tra, xử lý những trường hợp trên. "Với tài liệu hiện có chưa thể kết luận những thương nhân này có mục đích phá hoại kinh tế Việt Nam", ông Quang nói.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, Bộ Công an đã thành lập lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao. Năm nay đã xử lý nhiều vụ người Thái Lan và Đài Loan vào Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội.

"Nguy cơ về cuộc chiến tranh mạng ở nước ta là có thể xảy ra. Các thế lực thù địch sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, kích động, gây mất an ninh trật tự, chống lại chính quyền. Chúng tôi hối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, tranh tra các vi phạm trên mạng Internet và đã làm việc với một số người dùng Internet để hoạt động tội phạm", Bộ trưởng Công an nói.

Cho rằng vụ cựu Chủ tịch Vinalines Dương Chí Dũng bỏ trốn gây bức xúc dư luận, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng chất vấn: "Đề nghị bộ trưởng làm rõ tại sao để ông Dũng bỏ trốn? Bộ Công an có giải pháp gì bắt ông này? Tôi cũng xin hỏi Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng về việc bổ nhiệm ông Dũng làm Cục trưởng Hàng hải"?

Theo Bộ trưởng Quang, thông qua công tác nghiệp vụ, công an phát hiện ông Dương Chí Dũng có sai phạm trong thời gian làm Chủ tịch Vinalines và ông này bước đầu thừa nhận. Cơ quan điều tra đã khởi tố, ra lệnh bắt bị can Dương Chí Dũng nhưng ông này không có mặt tại cơ quan, nhà riêng. Sau khi vận động không có kết quả, công an đã phát lệnh truy nã và phối hợp với các tổ chức quốc tế để truy bắt ông Dũng nếu trốn ra nước ngoài.

"Chúng tôi đã yêu cầu cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ tại sao ông Dũng bỏ trốn, có lộ lọt thông tin hay không để xử lý theo quy định pháp luật? Cơ quan cảnh sát điều tra cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác nghiệp vụ", ông Quang nói.

Từ vụ việc của ông Dương Chí Dũng, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị Quốc hội khi sửa Luật phòng chống tham nhũng và Luật tố tụng hình sự tới đây, sẽ cho phép công an có biện pháp ngăn chặn đặc biệt và điều tra bí mật với tội phạm tham nhũng.
 
'Rút kinh nghiệm vụ ông Dương Chí Dũng bỏ trốn' - Ảnh 2
 
Bộ trưởng Trần Đại Quang lần đầu trả lời chất vấn. Ảnh: Hoàng Hà.

 
Trả lời câu hỏi của đại biểu về đưa gái mại dâm và những người nghiện ma túy vào trung tâm để cai nghiện và chữa bệnh, ông Quang thừa nhận thời gian qua có nương nhẹ hơn khi xử lý những người nghiện nên dẫn đến tình trạng nghiện ma túy tăng lên. Hiện việc cân nhắc các biện pháp để cưỡng chế đưa người nghiện ma túy vẫn tiếp tục được đưa ra.

Về việc xử lý gái mại dâm, Bộ trưởng Công an cho rằng cần đưa vào trung tâm bắt buộc để chữa bệnh, giáo dục cải tạo. "Nếu chúng ta tiếp tục nương nhẹ thì tình hình mại dâm sẽ diễn ra phức tạp hơn. Trong bối cảnh hiện nay cần có biện pháp để giảm thiểu mại dâm", Bộ trưởng Quang nói.

Trả lời đại biểu Đỗ Mạnh Hùng về trách nhiệm cá nhân trong việc để "một bộ phận không nhỏ" cảnh sát nhận tiền mãi lộ, người đứng đầu ngành công an cho rằng, môi trường công tác của cảnh sát dễ nảy sinh tiêu cực và vi phạm. Thời gian qua, vi phạm trong CSGT đã có chuyển biến tích cực, hàng trăm cảnh sát không nhận hối lộ. 11 người hy sinh, hơn 200 người bị thương trong quá trình làm nhiệm vụ.

"Công an cũng chịu áp lực khi người vi phạm muốn dùng tiền để chạy tội, áp lực về môi trường công tác: nắng, nóng, mưa, rét. Trong điều kiện làm việc như thế, bên cạnh những người không tiêu cực, vẫn còn bộ phận không nhỏ cảnh sát vi phạm điều lệnh, pháp luật, tiêu cực để tham nhũng", Bộ trưởng Quang nói.

Theo ông Quang, thái độ xử lý của ngành là nghiêm túc, nhưng không thể "một sớm một chiều" chấm dứt được tình trạng này. "Tôi kêu gọi cử tri cả nước và báo chí cung cấp thông tin về các trường hợp cảnh sát vi phạm, nghiêm cấm can thiệp vào các vụ vi phạm giao thông, không nên dùng tiền đưa cho cảnh sát nếu vi phạm. Nếu cảnh sát đòi hối lộ thì người dân kiên quyết tố cáo. Nếu có sự phối hợp, giúp đỡ của người dân, chắc chắn sẽ có sự chuyển biến trong lực lượng CSGT", thượng tướng Quang nói.

Liên quan đến việc thu hồi giải phóng mặt bằng ở một số địa phương gây bức xúc, Bộ trưởng Công an cho rằng, để khắc phục tình trạng mâu thuẫn, khiếu kiện, các địa phương, doanh nghiệp phải minh bạch hóa dự án, đền bù thỏa đáng, lắng nghe, đối thoại với nhân dân. Lực lượng công an có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong các đợt cưỡng chế theo chỉ đạo của cơ quan chức năng.

"Công an không phải là lực lượng cưỡng chế thu hồi, giải phóng mặt bằng mà chỉ đảm bảo an ninh trật tự, chống người thi hành công vụ trong các vụ cưỡng chế đất. Chúng tôi sẽ chỉ đạo công an làm tốt công việc của mình, rút kinh nghiệm sau các vụ việc vừa qua để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc", ông Quang nói.