[Sai phạm đất đai tại Khánh Hòa] Bài 4: Hoàn thành báo cáo xử lý, khắc phục hậu quả trước ngày 30/4/2021

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện thông báo 680-TB/UBKTTW ngày 30/8/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về “Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa” và thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Đến nay tỉnh Khánh Hòa đã xác minh được 35 dự án có sai phạm.

Cưỡng chế, thu hồi dự án lấp biển
Trong 8 dự án phải thu hồi được nêu trong thông báo kết luận thanh tra số 1919/TB-TTCP ngày 4/11/2020 của Thanh tra Chính phủ “Kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; Kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại một số dự án ở tỉnh Khánh Hòa”, có dự án “Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang”.
Mới đây trong 2 ngày 24/3 và 25/3, các cơ quan chức năng tại tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức cưỡng chế, thu hồi để giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa quản lý, đầu tư xây dựng công viên phục vụ cộng đồng.
 Lực lượng chức năng cưỡng chế, thu hồi dự án ''Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang'' vào chiều 24/3.
Dự án Công viên văn hóa, giải trí, thể thao Nha Trang chạy dọc bãi biển đường Phạm Văn Đồng, nằm trong khu vực danh thắng Hòn Chồng - Hòn Đỏ (phường Vĩnh Thọ, TP Nha Trang) do Công ty CP Nha Trang Sao làm chủ đầu tư, được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 9/3/2012. Diện tích giao đất, cho thuê đất không thu tiền sử dụng đất 35.503m2; Đất có mặt nước ven biển 59.416m2. Đầu năm 2014, dự án khởi công trên diện tích 103.568m2, trong đó 44.152m2 mặt đất và 59.416m2 mặt nước, với tổng mức đầu tư đăng ký là 33 triệu USD.
Trong quá trình thi công, chủ đầu tư cho xe cơ giới đổ đất, đá lấn vịnh trái phép gần 23.000m2, hủy hoại môi trường nên tháng 1/2016, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt hành chính 200 triệu đồng.
Ngoài việc lấn vịnh, chủ đầu tư còn chậm tiến độ và chậm hoàn thành hồ sơ phương án kiến trúc quy hoạch. Dù được UBND tỉnh Khánh Hòa gia hạn thời gian và yêu cầu khắc phục hậu quả nhưng chủ đầu tư không chấp hành nên tiếp tục bị phạt 30 triệu đồng. Tháng 1/2019, tỉnh Khánh Hòa quyết định thu hồi toàn bộ dự án hơn 10ha đất và mặt nước, nhưng chủ đầu tư không nộp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không hợp tác.
Thanh tra Chính phủ xác định UBND tỉnh Khánh Hòa vi phạm khi lựa chọn nhà đầu tư không qua đấu thầu dự án; Giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất. Thời điểm thanh tra công trình ngừng thi công, do đó Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Khánh Hòa chấm dứt hoạt động của dự án này, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đã giao, cho thuê và tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều tra nhiều dự án gây thiệt hại ngân sách
Trước đó vào ngày 1/12/2020, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Quyết định số 52-QĐ/TU thành lập Tổ công tác thực hiện Thông báo số 680-TB/UBKTTW ngày 30/8/2019 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương “Kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa” và Thông báo kết luận thanh tra số 1919/TB-TTCP ngày 4/11/2020 của Thanh tra Chính phủ “Kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác; Kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại một số dự án ở tỉnh Khánh Hòa” có vi phạm rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. 
Đến ngày 28/12/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân ký công văn giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Cục thuế tỉnh, UBND TP Nha Trang phải quản lý chặt chẽ theo quy định pháp luật đối với 6 dự án, phải kịp thời thông báo bằng văn bản cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa nếu phát sinh các giao dịch dân sự như chuyển nhượng, thế chấp… liên quan đến tài sản thuộc 6 dự án mà Công an tỉnh Khánh Hòa đang điều tra vì có sai phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước và có dấu hiệu gây thiệt hại ngân sách.
Dự án Napoleon Castle (Cao ốc bên phải), ở số 26 Nguyễn Đình Chiểu, TP Nha Trang, KHánh Hòa. Ảnh: Báo Khánh Hòa.
Cụ thể 6 dự án đều ở TP Nha Trang, gồm: Dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa tại số 1 đường Trần Hưng Đạo; 3 dự án trên núi Chín Khúc: Dự án Khu biệt thự và du lịch sinh thái Đất Lành (Đất Lành - Khu A), dự án Sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (Đất Lành - Khu B) và dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung; Dự án Nha Trang Golden Gate tại số 28E đường Trần Phú; Dự án Napoleon Castle tại số 26 đường Nguyễn Đình Chiểu.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị vào chiều 22/3, về kết quả xử lý của Tổ Công tác được thành lập theo quyết định số 52-QĐ/TU ngày 1/12/2020 của Tỉnh ủy Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết đến nay Tổ Công tác đã kiểm tra, xác minh được 35 dự án, trong đó đã xác định 5 dự án. Hiện công tác kiểm tra, xử lý, khắc phục hậu quả vẫn đang tiến hành, dự kiến đến ngày 30/4 công tác này hoàn thành.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, luật sư Dương Vĩnh Tuyến - Trưởng Văn phòng luật sư Dương Chí (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Phước) nhận định với những sai phạm được nêu trong thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy có dấu hiệu tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” được quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự. Do đó cần chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
“Đối với những dự án chậm thực hiện, cần làm rõ nguyên nhân khách quan dẫn đến việc doanh nghiệp chậm thực hiện dự án. Nếu doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng đầu tư nhưng do việc bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án không đồng bộ (do đất cho doanh nghiệp thuê không nằm trong quy hoạch) và thực tế đất đó đang do cá nhân, hộ gia đình sử dụng thì cần phải xem xét điều chỉnh quy hoạch, gia hạn thời gian thực hiện dự án để doanh nghiệp thực hiện. Quá thời gian gia hạn mà doanh nghiệp không thực hiện đúng kế hoạch hoặc không có khả năng đầu tư thì thu hồi dự án”, luật sư Dương Vĩnh Tuyến nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần