Sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại Quảng Ngãi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch sốt xuất huyết (SXH) đang bùng phát mạnh tại Quảng Ngãi. Có thời điểm, chỉ trong 4 ngày đã ghi nhận gần 200 ca bệnh nặng, được chỉ định nhập viện điều trị nội trú.

Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi hiện đang điều trị gần 100 bệnh nhân SXH. Đa phần là bệnh nhân nặng.

Đáng chú ý, trong tháng 10/2022,  xuất hiện 1 ca SXH Dengue thể não - một dạng nặng của SXH Dengue, còn được gọi là bệnh não do virus Dengue được ghi nhận ở Khoa Bệnh Nhiệt đới - Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ngãi.

 Đa phần bệnh nhân nhập viện đều ở tình trạng nặng với biểu hiện chính là giảm tiểu cầu.
 Đa phần bệnh nhân nhập viện đều ở tình trạng nặng với biểu hiện chính là giảm tiểu cầu.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thiêm Thiêm - Khoa Bệnh Nhiệt đới, biến chứng nặng của SXH ở người lớn là tình trạng giảm tiểu cầu. Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt là giai đoạn rất nguy hiểm.

Các triệu chứng nặng của SXH bắt đầu được nhận thấy như: Xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Nặng hơn sẽ xuất hiện chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa, nghiêm trọng hơn là xuất huyết não.

“Khi bệnh nhân bị giảm tiểu cầu cần chỉ định can thiệp truyền tiểu cầu ngay. Thường bệnh nhân có triệu chứng chảy máu niêm mạc, chảy máu chân răng, đi tiểu, cầu ra máu. Nguy hiểm hơn là bị suy đa tạng và tử vong” - bác sĩ Thiêm thông tin.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Dengue thể não.
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết Dengue thể não.

Theo thống kê của ngành y tế Quảng Ngãi, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 3.200 ca bệnh SXH, tăng gấp 4,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các bệnh viện, trung tâm y tế từ huyện đến tỉnh có thời điểm quá tải bệnh nhân SXH.

Trước tình hình này, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo cơ sở điều trị chủ động các điều kiện như: giường bệnh, thuốc, dịch truyền, tiểu cầu và các thiết bị y tế hỗ trợ hồi sức, cấp cứu để thu dung, điều trị bệnh nhân SXH, tránh nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thị Thuận - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Bệnh viện tỉnh là tuyến cuối, tập trung những ca nặng, có cảnh báo. Trong trường hợp thiếu tiểu cầu thì bệnh viện chuẩn bị sẵn các phương án, huy động từ những câu lạc bộ máu sống để kịp thời truyền ngay cho bệnh nhân. Thời gian qua, những trường hợp giảm tiểu cầu đều có đủ tiểu cầu để truyền”.

Phun thuốc diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết.
Phun thuốc diệt muỗi để phòng chống sốt xuất huyết.

Ngành y tế khuyến cáo, năm nay, dịch SXH đến sớm và dự đoán kéo dài, diễn biến phức tạp, nhất là vào mùa mưa. Vì vậy, người dân cần chủ động các biện pháp phòng chống, không được chủ quan. Đặc biệt, các trường hợp sốt cao kéo dài không nên dùng biện pháp dân gian tự chữa bệnh tại nhà mà nên được thăm khám, điều trị tại cơ sở y tế.