Sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng cuối tháng 11, giảm vào tháng 12

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện cả nước đã ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 115 trường hợp tử vong. Dự báo, dịch sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12 tới.

Số ca mắc sốt xuất huyết tăng 4,9 lần

Theo số liệu được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổng hợp từ các địa phương, tích lũy từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 314.271 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 115 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc tăng 4,9 lần; số tử vong tăng 91 trường hợp.

Riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, Hà Nội có 13.437 ca mắc sốt xuất huyết (số mắc tăng gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 16 ca tử vong (trong khi cùng kỳ năm 2021 không có ca tử vong).

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 550/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1, DENV2, DENV4.

Hiện là thời gian cao điểm của dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội. Dự báo, dịch có thể tiếp tục gia tăng trong cuối tháng 11 và sẽ giảm vào tháng 12 tới.

Nhân viên y tế cơ sở hướng dẫn người dân loại bỏ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.
Nhân viên y tế cơ sở hướng dẫn người dân loại bỏ các dụng cụ chứa nước có bọ gậy để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Liên quan đến vấn đề này, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội Vũ Duy Hưng cho biết, mặc dù số mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng vượt ngưỡng cảnh báo dịch, nhưng đây không phải là bất thường. Hiện nay, ngành Y tế đang phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp triển khai nhiều hoạt động phòng, chống dịch đảm bảo đồng bộ, hiệu quả.

Với bệnh sốt xuất huyết, TP Hà Nội yêu cầu các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện về phòng, chống dịch trên địa bàn, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, toàn diện, không chỉ trong khu vực dân cư mà toàn bộ địa bàn, kể cả các khu vực có nguy cơ cao… với sự huy động toàn thể các ban ngành đoàn thể và Nhân dân cùng tham gia.

Các địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tính tiết kiệm. Củng cố các đội giám sát, tổ xung kích diệt bọ gậy hoạt động thực chất và hiệu quả. Truyền thông đến các hộ gia đình và học sinh trong trường học về những biện pháp đơn giản loại trừ nơi sinh sản của muỗi, bọ gậy ở nhà cũng như ở trường học, truyền thông về triệu chứng của bệnh, dấu hiệu nhận biết bệnh nặng, sự cần thiết của điều trị kịp thời để giảm tử vong.

Ngành Y tế thực hiện giám sát chặt chẽ tại cộng đồng, tại các cơ sở khám chữa bệnh, giám sát phát hiện sớm, giám sát véc tơ (muỗi, loăng quăng, bọ gậy) để đưa ra biện pháp thực hiện cụ thể, phát hiện sớm người bệnh, ổ dịch để xử lý kịp thời. Tổ chức hoạt động diệt loăng quăng, bọ gậy hàng tuần. Phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng. Phân tầng, phân tuyến điều trị tùy theo mức độ nặng, nhẹ của người bệnh, chuyển tuyến an toàn. Ngành Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện (BV) chuẩn bị sẵn sàng trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc, đặc biệt là các dung dịch cao phân tử, máu… để điều trị kịp thời cho người bệnh.

Lầm tưởng hết sốt là đã khỏi bệnh

Mới đây, tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận điều trị 3 trường hợp trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết, trong đó có trường hợp nhỏ nhất mới 5 ngày tuổi, 2 trường hợp còn lại 7 ngày tuổi và 16 ngày tuổi.

Các bác sĩ, điều dưỡng khoa Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Đưc Giang điều trị cho trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết.
Các bác sĩ, điều dưỡng khoa Sơ sinh, Bệnh viện đa khoa Đưc Giang điều trị cho trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết.

Bác sĩ Vũ Thị Thu Nga - Trưởng khoa Sơ sinh, BV Đa khoa Đức Giang cho biết, sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh hiếm gặp trên thế giới. Vì vậy, đặc điểm diễn biến bệnh ít được biết đến, triệu chứng lâm sàng không đặc trưng, dễ dẫn đến nhầm lẫn và bỏ sót. 3 ca bệnh ghi nhận tại viện chưa cung cấp đủ bằng chứng để bác sĩ rút ra khẳng định về diễn biến bệnh trên trẻ. Tuy nhiên, điểm chung là diễn biến bệnh ở trẻ sơ sinh tương tự với nhóm lớn hơn.

Đơn cử như sốt hoặc hạ nhiệt độ, sốt kéo dài trung bình 3-4 ngày; trẻ có thể bị da tái, phát ban, xuất huyết rải rác hoặc vàng da sớm; trẻ bỏ bú, bụng chướng, nôn, gan to, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, men gan tăng… Sốt và bú kém là hai biểu hiện sớm và thường gặp.

Cùng với đó, trẻ sơ sinh có thể đồng nhiễm sốt xuất huyết và bệnh khác, ví dụ adenovirus, viêm phế quản phổi, cúm… Lúc này, trẻ dễ trở nặng.

Do đó, bác sĩ Vũ Thị Thu Nga khuyến cáo, trẻ sơ sinh bị sốt xuất huyết cần được nhập viện điều trị nội trú, không được theo dõi, tự ý điều trị tại nhà. Đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ sốt xuất huyết cần biết, sốt xuất huyết là bệnh do muỗi truyền, một số trường hợp rất hiếm lây từ mẹ sang con. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là diệt muỗi, bọ gậy. Mẹ và bé cần mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ngày và đêm, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi nguồn gốc tự nhiên.

Đồng thời, khi gặp trẻ sơ sinh bị sốt trong một vụ dịch sốt xuất huyết, cơ sở y tế nên nghĩ tới sốt xuất huyết để làm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết gây nên bởi virus Dengue với 4 kiểu huyết thanh là DENV1, DENV2, DENV3 và DENV4, được truyền cho người bởi muỗi vằn Aedes aegypi. Các kiểu huyết thanh khác nhau liên quan đến mức độ nặng khác nhau của bệnh.

Thực tế cho thấy, với những người bị bệnh, sau một vài ngày thấy triệu chứng sốt đã giảm hoặc không còn, dẫn tới lầm tưởng đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, đây mới thực sự là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh vì tiểu cầu bắt đầu giảm. Nếu tình trạng tiểu cầu giảm nhanh và nhiều có thể gây ra các triệu chứng xuất huyết như: xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam... thậm chí có thể xuất huyết đường tiêu hóa hay xuất huyết não... rất nguy hiểm.

Do đó, bác sĩ sẽ đánh giá bệnh đã thuyên giảm hoặc khỏi căn cứ vào 3 dấu hiệu: cơ thể đã giảm dần sự mệt mỏi và bắt đầu thèm ăn hoặc cảm giác ngon miệng quay trở lại. Các nốt ban mới không xuất hiện thêm nữa và vết cũ bắt đầu mờ dần, cùng với đó, cảm giác ngứa ngáy, khó chịu cũng giảm theo. Xét nghiệm tiểu cầu là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá tình trạng bệnh đã thuyên giảm hay chưa. Thường thì tiểu cầu sẽ giảm nhanh và nhiều nhất từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 7, sau đó tiểu cầu bắt đầu tăng trở lại. Khi tiểu cầu tăng trở lại nghĩa là bệnh đang dần hồi phục.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, trong quá trình điều trị bệnh sốt xuất huyết tại nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần lưu ý các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như sốt cao 39-40 độ C, đột ngột, liên tục. Bệnh nhân có thể giảm hoặc hết sốt nhưng li bì hoặc bứt rứt; nôn ói liên tục; đau bụng nhiều; tay chân lạnh ẩm; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ...