Sự sang trọng bền vững

Nguyễn Thanh Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là khái niệm mới trên thế giới, nhất là ở lĩnh vực du lịch khách sạn. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng tiến tới độ sang trọng cao nhưng được thiết kế nhằm tác động đến môi trường ở mức thấp nhất. Việt Nam cũng đã có những bước đi đầu tiên theo xu hướng này.


Từ chuyện tính bền vững của thế giới...

Các đường phố ở Midtown Manhattan (Mỹ) là một mê cung điên cuồng của những người bán xúc xích và taxi; cửa hàng cao cấp và cửa hàng quà tặng sang trọng; sự tấp nập của cư dân thập phương. Giữa sự huyên náo đó là một bức tường sống ba tầng trồng cây thường Xuân kiểu Anh, một mảnh nhỏ của phong cách thiền đô thị mọc trên mặt tiền của một tòa nhà. Những người qua đường nhìn lên góc Đông Bắc của Đường 58 và Đại lộ số 6 để được nhắc nhở rằng thiên nhiên vẫn có thể phát triển mạnh mẽ ở đây.

Được hình thành cách đây gần một thập kỷ, 1 Hotels được mệnh danh là thương hiệu “sang trọng bền vững”(sustainable luxury) với tất cả các cơ sở lưu trú của họ, ở cả trung tâm đô thị lẫn những nơi ẩn náu bên bờ biển.

Chúng được thiết kế để có “độ sang trọng cao với tác động thấp” (tác động tối thiểu đến môi trường). Địa điểm đầu tiên của công ty là 1 Hotel South Beach được khai trương vào năm 2015, tiếp theo là hai khách sạn ở New York vào cuối năm đó.

Khách du lịch quan tâm hơn bao giờ hết đến các lựa chọn du lịch bền vững và sẵn sàng trả phí cho điều đó. Theo Chỉ số Du lịch Bền vững của Euromonitor (Euromonitor’s Sustainable Travel Index), từ tháng 8/ 2023, gần 80% số khách du lịch sẵn sàng trả thêm ít nhất 10% cho các tính năng bền vững.

Dữ liệu của Google Search cho thấy “khách sạn bền vững” là một thuật ngữ đang có xu hướng tăng lên trong 5 năm qua. Ngoài ra, Google hiện mang nhãn sinh thái trong kết quả tìm kiếm khách sạn cho những cơ sở kinh doanh có chứng nhận từ nhóm bên thứ ba đáng tin cậy, làm việc trực tiếp với các tổ chức như Hội đồng Công trình Xanh Mỹ (U.S. Green Building Council) để cấp giấy chứng nhận.

1 Hotel với “bức tường xanh” , một trong những công trình vừa sang trọng, vừa mang tính bền vững ở Mỹ. Ảnh: CNN
1 Hotel với “bức tường xanh” , một trong những công trình vừa sang trọng, vừa mang tính bền vững ở Mỹ. Ảnh: CNN

Tiền đồn của 1 Hotel Central Park, giống như chín cơ sở kinh doanh khác trên toàn cầu, tuân theo triết lý này (độ sang trọng cao với tác động thấp), đưa thế giới bên ngoài vào trong khi sử dụng các vật liệu tự nhiên và tái chế bất cứ khi nào có thể.

Bên cạnh cây xanh bên ngoài, những thanh gỗ đã được tái sử dụng làm vật liệu trong các phòng trong quá trình xây dựng khách sạn. Đầu giường được làm theo yêu cầu riêng, với nệm làm từ sợi gai dầu và khăn trải giường hữu cơ mỏng manh, không gây dị ứng. Tổng cộng có 60 phòng nghỉ có ghế đệm bên cửa sổ nhìn ra Công viên Trung tâm.

Tất cả 1 Hotel đều được chứng nhận LEED (Leadership in Energy & Environmental Design) hoặc BREEAM (Building Research Establishment Environmental Assessment Method), đây là những chứng chỉ xếp hạng tính bền vững của tòa nhà. Trong khi đó, tất cả các địa điểm ở Mỹ đều trung hòa carbon hoặc đang trên đà đạt được chứng nhận. Raul Leal, Giám đốc điều hành của SH Hotels & Resorts (công ty sở hữu 1 Hotel) cho biết nguyên tắc sáng lập cốt lõi của thương hiệu là kết nối với môi trường tự nhiên.

Ông nói: “Tính bền vững luôn là một phần không thể thiếu tạo nên thương hiệu của chúng tôi, sợi dây xuyên suốt tất cả các khách sạn của chúng tôi. Chúng tôi tin rằng ưu tiên tính bền vững và dẫn đầu với thiên nhiên không có nghĩa là phải hy sinh thiết kế, chức năng hoặc sự sang trọng”.

Thiết kế, xây dựng hướng tới tính bền vững phải hội tụ nhiều yếu tố, nhưng trước hết phải mang tính thân thiện với môi trường, mang yếu tố xanh, như 1 Hotel quảng bá họ: “Tại 1 Hotels, chúng tôi để thiên nhiên dẫn đường trong thiết kế, xây dựng”…

Đến câu chuyện Việt Nam và những bước đi đầu tiên

Những năm gần đây, ở Việt Nam các khái niệm “kiến trúc bền vững”, “kiến trúc xanh”, "kiến trúc sinh thái”… đã được nhắc tới và tần suất ngày càng dày đặc hơn.

Theo KTS Phạm Thanh Tùng, kiến trúc xanh (green architecture) hay công trình xanh (green building) đã trở nên rất quen thuộc trong đời sống xã hội, là cụm từ hot nhất, được nhắc nhiều nhất trong giới kiến trúc sư và giới đầu tư - kinh doanh bất động sản. Đến năm 2011, Việt Nam có sự ra đời "Tuyên ngôn Kiến trúc xanh Việt Nam" (với 5 tiêu chí).

Việt Nam đã có những thiết kế mang tính xanh đã tạo được ấn tượng tốt trong giới kiến trúc trong và ngoài nước, cũng như đoạt các giải thưởng quốc tế, cũng chủ yếu là kiến trúc trong dịch vụ du lịch. Ví dụ, tác phẩm “Cà phê gió và nước” ở Bình Dương của KTS Võ Trọng Nghĩa độc đáo khi dùng 7.000 cây tre (tầm vông) sẵn có của địa phương để xây dựng, rất phù hợp với khí hậu nóng ẩm của nước ta, cũng như giảm thiểu dùng sắt và những nguyên liệu khác có thể gây ô nhiễm môi trường…

Tuy nhiên, các công trình hầu hết chủ yếu chú trọng đến tính “xanh’’, yếu tố thiên nhiên và mang tính đơn lẻ. Trong khi đó, theo các chuyên gia, Việt Nam là nơi chịu sự tác động của việc biến đổi khí hậu rất mạnh mẽ.

Trong tọa đàm “Tiếp cận tiêu chuẩn xanh cho không gian làm việc hiệu quả và sáng tạo” do Hội Kiến trúc sư Hà Nội tổ chức mới đây cho biết: năm 2023, Việt Nam mới chỉ có 265 công trình xanh. Như vậy, Việt Nam chỉ mới bước những bước đầu tiên trong thiết kế, xây dựng công trình xanh - bền vững.

Theo Bộ Xây dựng, dự báo đến năm 2030, tỷ lệ dân số thành thị sẽ tăng lên 45%, do đó mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu mét vuông nhà ở đô thị. Trong khi đó, chi phí phát triển công trình xanh đòi hỏi tăng chi phí đầu tư lên 20 - 30 %. Đó là áp lực lớn cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, nếu mực nước biển dâng lên 1m thì Việt Nam sẽ mất 12% đất sử dụng - nơi cư trú của 23% dân số (theo dự báo của World Bank - 2009). Bên cạnh đó, trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng xây dựng ở Việt Nam bình quân đạt 12%.

Các công trình xây dựng tại Việt Nam đang sử dụng khoảng 36% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước, trung bình 33% điện và góp 25% vào tổng lượng phát thải khí nhà kính, chiếm một phần ba tổng lượng phát thải CO2, tác nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuy nhiên để đạt mục tiêu Việt Nam phát thải carbon bằng không vào năm 2050 như đã cam kết tại COP26, các công trình xây dựng hướng tới xanh và bền vững là xu hướng tất yếu.