Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tấc đất, tấc vàng không thể để hoang] Bài 4: Không thể để phí mét đất nào

Trọng Tùng – Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đạt được mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp đề ra trong năm 2020 và giai đoạn tiếp theo, thì việc khai thác tối đa diện tích canh tác hiện có, nâng cao hiệu số sử dụng đất nông nghiệp là bài toán đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Muốn làm được điều này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương, tổ chức, DN và người nông dân.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Để hạn chế diện tích đất nông nghiệp bỏ không, nhiều ý kiến cho rằng, TP cần có cơ chế ưu tiên đặc biệt, chính sách đột phá về nông nghiệp như phát triển hạ tầng, đầu tư vật tư, cơ giới hóa… Đặc biệt, cần có các chính sách ưu tiên kêu gọi DN vào làm “bà đỡ” cho nông dân.
Trên thực tế, quá trình chuyển đổi đang vướng vào vòng luẩn quẩn, muốn phát triển kinh tế phải chuyển đổi cây trồng, nhưng muốn chuyển đổi hiệu quả thì phải có cơ sở hạ tầng thiết yếu. Nhưng để thực hiện được, thực tế lại không dễ do hiện nay không có hướng dẫn.
 Thu hoạch lúa vụ Xuân 2020 tại huyện Thanh Oai.
“Hà Nội hiện mới chỉ có các nghị định hướng dẫn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; còn việc xây dựng các công trình phụ trợ như nhà kho, nhà bảo quản… lại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Do đó các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa yên tâm đầu tư hạ tầng, công nghệ để phát triển sản xuất” – Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết.
Ở một khía cạnh khác, đại diện một số DN cho rằng, thời hạn cho thuê đất nông nghiệp công ích chỉ kéo dài 5 năm như hiện nay là rào cản lớn đối với tích tụ đất đai và thu hút DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; bởi đầu tư vào nông nghiệp cần thời gian lâu hơn thế để có thể sinh lời. Không chỉ vậy, vị thế là Thủ đô khiến việc tiếp cận tư liệu sản xuất quy mô lớn của các tổ chức, DN, cá nhân cũng trở nên khó khăn hơn, do giá đền bù đất nông nghiệp để làm dự án rất cao.
Theo tính toán, nếu muốn có 1ha đất nông nghiệp để thực hiện dự án phát triển nông nghiệp, một DN phải bỏ ra chi phí lên đến… 10 tỷ đồng! Những nguyên nhân trên khiến nhiều DN thực sự cảm thấy e ngại khi nghĩ đến việc tích tụ đất đai và đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Hà Nội.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách
Có một điều hết sức đáng mừng là TP Hà Nội đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và chăm lo đời sống cho người nông dân. Việc Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các sở ngành, các địa phương tập trung các giải pháp để “không một mét đất nào bị bỏ hoang” là minh chứng rõ nét cho chủ trương của TP.
Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, tại cuộc họp mới đây nhất với các sở ngành, quận, huyện, thị xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tập trung triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Trong đó đặc biệt lưu ý các địa phương cần hiểu được mỗi tấc đất phù hợp với loại cây trồng gì, nuôi con gì hiệu quả để có định hướng rõ ràng, và cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp. Để làm được điều này, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn về chính sách đất đai.
Trên thực tế, để thúc đẩy tích tụ đất đai, tránh lãng phí nguồn tư liệu sản xuất quan trọng này, các bộ ngành T.Ư, cũng như Hà Nội đã có những cơ chế, chính sách cụ thể. Đơn cử như, Chính phủ đã có Nghị định số 01/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Bộ NN&PTNT cũng đã có Thông tư số 19/TT-BNNPTNT về quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm… Những chính sách trên bước đầu tạo điều kiện thuận lợi để TP Hà Nội triển khai quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp.
Mặc dù vậy, để phát triển thị trường đất nông nghiệp, bên cạnh chính sách pháp luật về đất đai, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) Hoàng Vũ Quang cho rằng, cần có các tổ chức hỗ trợ cung ứng hạ tầng phục vụ giao dịch cho thị trường hoạt động. Ví dụ như các quỹ hoặc ngân hàng phát triển đất…
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, để tránh lãng phí nguồn tư liệu đất đai, các địa phương khi lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần phải có kế hoạch sử dụng đất xen kẹt, hạn chế lấy đi các diện tích đất màu mỡ để phục vụ nhu cầu phát triển đô thị, khu – cụm – điểm công nghiệp… Tạo điều kiện tích tụ ruộng đất, đưa vào sản xuất lớn. Đồng thời, tập trung kêu gọi các tổ chức, DN sản xuất lớn hỗ trợ giống lúa và chuyển giao kỹ thuật, gắn kết sản xuất - tiêu thụ với người nông dân…
(Còn nữa)

"Các sở ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát, đề xuất UBND TP bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của các thành phần xã hội vào phát triển nông nghiệp. Trong đó, chú trọng giải pháp để vừa tận dụng được nguồn tư liệu sản xuất, không để lãng phí đất nông nghiệp, vừa tạo được những chuỗi liên kết mang lại giá trị bền vững cho người nông dân…" - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu


"Tại Việt Nam hiện chưa có mô hình tích tụ ruộng đất rõ ràng. Do đó, để tận dụng tối đa những diện tích đất canh tác hiện bỏ không, trước tiên cần tạo đột phá về tư tưởng cho những người nông dân. Thứ nữa, Nhà nước cần xây dựng, tổ chức mô hình khu nông nghiệp tập trung, giống như cách làm đối với các cụm công nghiệp, nhằm giải quyết bài toán tích tụ đất đai… " - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (trường Đại học Kinh tế Quốc dân)