Tạo sức sống mới cho đồ chơi dân gian truyền thống

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mỗi dịp Trung thu, đồ chơi truyền thống dành cho trẻ em được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần có những cải tiến để đồ chơi truyền thống của Việt Nam thêm hấp dẫn, phù hợp với trẻ con thời hiện đại.

Giới trẻ làm đồ chơi Trung thu

Thời gian qua, các nghệ nhân ở Hà Nội vẫn bền bỉ duy trì, trao truyền cách làm làm đồ chơi truyền thống. Điển hình như Hà Nội có gia đình ông Hòa - bà Lan ở 73 Hàng Than làm mặt nạ giấy bồi. Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến ở làng Hậu Ái (Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) làm ông tiến sĩ giấy như một cách giáo dục con cháu mình với truyền thống văn hóa dân gian Việt Nam.

Mặt nạ giấy bồi. Ảnh: Lại Tấn.
Mặt nạ giấy bồi. Ảnh: Lại Tấn.

Bên cạnh đó, việc làm đồ chơi Trung thu cho trẻ em vẫn được tiếp nối qua các thế hệ, thông qua sự sáng tạo của giới trẻ. Đơn cử, Trung thu năm xưa gắn liền với món đồ chời phỗng đất. Phỗng được các nghệ nhân nhào nặn từ đất thó, giã và trộn với giấy bản ngâm nước. Một bộ phỗng Trung thu có ông phỗng Phật, ông phỗng đứng, ông phỗng ếch, chim bồ câu, con rùa, vẽ bằng các màu như tranh Đông Hồ.

Ngày nay, chẳng mấy ai còn biết đến phỗng đất. Thế nhưng, hoạ sĩ Lê Huy cùng các sinh viên đang thổi một làn gió mới vào món đồ chơi phỗng đất qua bộ sưu tập “Việt đồng - Những em bé Việt”. Hoạ sĩ Lê Huy - người sáng lập Lamphong Studio chia sẻ: “Bộ sưu tập Việt đồng có những con phỗng đất được tạo hình từ bộ tranh nổi tiếng của dòng tranh dân gian Đông Hồ: Vinh hoa - phú quý - nhân nghĩa - lễ trí”.

Đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Lại Tấn.
Đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Lại Tấn.

Về chất liệu, thay vì đất thó, Việt đồng sử dụng chất liệu gốm bền hơn. Bởi theo hoạ sĩ Lê Huy: “Những giá trị truyền thống không chỉ gìn giữ mà còn phát huy để nét đẹp dân gian ấy có tiếp tục sống trong đời sống mới”.

Không chỉ đổi mới sáng tạo về chất liệu, nhóm bạn trẻ Nguyễn Thị Hà An (Veenee studio) sáng tạo nên đầu lân, mâm ngũ quả, bánh Trung thu thành phiên bản mini chỉ còn vài centimet khiến nhiều người không khỏi trầm trồ, thích thú. Hay từ năm 2017, dưới sự hướng dẫn của nhà nghiên cứu văn hoá Trịnh Bách và sự truyền dạy về kỹ thuật của nghệ nhân Phạm Thị Nguyệt Ánh, nghệ nhân Hậu cũng từng bước khôi phục lại những bộ con giống bột truyền thống của hai phong cách Đồng Xuân và phố Khách.

Dù là những món đồ chơi truyền thống hay hiện đại được người trẻ khai phá từ mảnh đất vốn liếng dân gian, cũng như chất liệu của các làng nghề, điều quan trọng là cái hồn, những câu chuyện văn hoá về ngày Rằm tháng Tám vẫn đang được kể, tiếp nối qua các thế hệ bằng nhiều cách khác nhau.

Trao truyền, giáo dục truyền thống

Những ngày qua, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng có hàng nghìn du khách, trong đó phần lớn là các gia đình đưa con em đến tham quan. Những đứa trẻ háo hức sà vào các quầy đồ chơi rực rỡ sắc màu, tay bết bột màu, hồ dán, say mê tô vẽ, cắt dán, nhào nặn những hình thù ngộ nghĩnh.

Nghệ nhân làm đèn kéo quân – Nguyễn Văn Quyền cho biết, quê ông ở Cao Viên, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội. Từ nhỏ ông đã được chơi và làm đồ chơi dân gian theo hướng dẫn của người lớn. Mỗi món đồ chơi đều gắn với một sự tích, chuyển tải thông điệp sâu sắc về truyền thống văn hóa của người Việt xưa. Trong đó, cây đèn kéo quân gắn với sự tích người con hiếu thảo.

Các em nhỏ tập làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Lại Tấn.
Các em nhỏ tập làm đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Lại Tấn.

Trước đây, cứ mỗi dịp Tết Trung hu gần kề, trẻ em trong làng ông lại háo hức chuẩn bị đèn, chờ đêm Rằm khoe với chúng bạn trước khi phá cỗ. Sau này, đồ chơi công nghiệp bán sẵn nhiều, người làng không còn mặn mà với đồ chơi dân gian. Buồn và tiếc, ông vận động những người biết nghề duy trì làm diều, đèn kéo quân, đèn ông sao, tiến sĩ giấy để vui chơi cùng con cháu.

Theo Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, hơn 20 năm qua, nhiều nghệ nhân đã cùng Bảo tàng kiên trì, duy trì, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồ chơi dân gian. Bảo tàng luôn tìm tòi, thuyết phục, kết nối, tạo không gian để các nghệ nhân có cơ hội trình diễn, giới thiệu đồ chơi truyền thống đến du khách trong và ngoài nước. Điều này đã góp phần quan trọng cho sự phục hồi, phát triển của các món đồ chơi có nguy cơ thất truyền như ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn kéo quân, tàu thủy sắt Tây, trống bỏi.

Các em nhỏ thích thú với đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Lại Tấn.
Các em nhỏ thích thú với đồ chơi Trung thu truyền thống. Ảnh: Lại Tấn.

Trong những ngày tới, các điểm tổ chức lễ hội Tết Trung thu trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ có nhiều hoạt động thú vị nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống từ đồ chơi dân gian. Lễ hội Trung thu tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam (từ ngày 7 đến 10/9) có nhiều hoạt động trải nghiệm làm sản phẩm Trung thu truyền thống như làm lồng đèn, vẽ mặt nạ từ giấy bồi, nặn tò he Xuân La, làm phỗng đất làng Hồ.

Hiện tại, Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội cũng đã chuẩn bị các hoạt động thú vị phục vụ công chúng dịp Tết Trung thu năm nay. Trong đó, tại không gian phố bích họa Phùng Hưng, nhiều nghệ nhân, thợ thủ công các làng nghề truyền thống lân cận Hà Nội trưng bày, trình diễn giới thiệu đồ chơi truyền thống: Ông tiến sĩ giấy, ông đẩy gậy, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he đất, con giống bột, chuồn chuồn tre.

Tại Ngôi nhà di sản Mã Mây có sắp đặt không gian gia đình Hà Nội đón Tết Trung thu xưa, trong đó có trang trí, giới thiệu đèn Trung thu do nhà nghiên cứu Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình khôi phục. Tại Đình Kim Ngân, Hàng Bạc cũng sẽ có nhiều nghệ nhân giới thiệu cách làm đồ chơi Trung thu truyền thống dịp này.