Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái:

Tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế, đáp ứng đủ vaccine

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành Y tế tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 diễn ra ngày 9/1 do Bộ Y tế tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá việc triển khai công tác y tế năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2024. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nối điểm cầu Hà Nội với các điểm cầu tỉnh, TP.

Hoàn thành đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu Quốc hội giao

Báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác y tế năm 2023, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, toàn ngành đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2023 được Quốc hội giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 (ảnh VGP).
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2024 (ảnh VGP).

Trong đó vượt 1 chỉ tiêu về số bác sĩ/vạn dân (12,5 bác sĩ, chỉ tiêu giao 12 bác sĩ), hoàn thành chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân (32 giường bệnh) và hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) (93,2%). Đồng thời, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2023 được Chính phủ giao (7/9 chỉ tiêu).

Công tác xây dựng thể chế, chính sách tiếp tục được chú trọng không chỉ giải quyết các vướng mắc, bất cập trước mắt mà còn các chính sách phát triển dài hạn của ngành y tế.

Năm 2023, tình hình dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước. Dịch Covid-19 được kiểm soát và điều chỉnh từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang nhóm B. Năm 2023, không ghi nhận các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A như H5N1, H7N9, Mer-CoV, Ebola.

Hoạt động khám chữa bệnh (KCB) đã phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19. Toàn ngành y tế đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng KCB.

Ngành Y tế đã triển khai đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí đã tạo phong trào thi đua trong hệ thống KCB. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, đề án bác sĩ gia đình, KCB từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trên 90%.

Bộ Y tế đã ban hành Nghị định, Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật KCB số 15/2023/QH15, giúp tháo gỡ 1 số vướng mắc về cơ chế mượn trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc và cơ chế vay vốn đầu tư đối với bệnh viện công lập; các quy định đối với người hành nghề và đối với người bệnh.

Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 3 tập thể thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) đã có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 3 tập thể thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) đã có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước.

Ngành đã đẩy mạnh quản lý sức khỏe toàn dân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em, người lao động; tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHYT và phối hợp với các đơn vị liên quan giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập về việc thanh toán chi phí KCB BHYT tại địa phương.

Thực hiện hiệu quả chương trình phát triển y dược cổ truyền; công tác dân số; an toàn thực phẩm; quản lý môi trường y tế; đào tạo phát triển nhân lực y tế; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số y tế; y tế cơ sở... tiếp tục được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, công tác y tế còn gặp không ít khó khăn, thách thức cần vượt qua. Trong đó, việc mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, quản lý, sử dụng tài sản công, quản trị đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế vẫn diễn ra cục bộ tại một số địa phương, cơ sở y tế.

Tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương và một số tỉnh, TP chưa được khắc phục triệt để. Nguồn vốn đầu tư công cho lĩnh vực y tế còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nâng cấp và mở rộng quy mô KCB tại các cơ sở y tế công lập.

Bộ Y tế cũng nhận định, năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Một số bệnh như sốt phát ban nghi sởi, tay chân miệng… có số mắc tăng tại một số địa phương. Tình trạng chênh lệch chỉ số về tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng giữa các vùng chưa được cải thiện nhiều. Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng ở một số vùng, nhóm dân tộc, địa phương còn thấp.

Triển khai đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm

Năm 2024, Bộ Y tế xác định mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, kiểm soát tốt dịch bệnh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng KCB ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết hiệu quả tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, vật tư, thiết bị, sinh phẩm y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác y tế năm 2023.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan báo cáo kết quả triển khai nhiệm vụ, giải pháp công tác y tế năm 2023.

Nhiệm vụ, giải pháp được xác định là tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng để ứng phó với các tình huống khẩn cấp và sự cố y tế công cộng, bảo đảm an ninh y tế, an toàn thực phẩm. Tăng cường và đổi mới mạnh mẽ y tế cơ sở trong tình hình mới hướng tới thực hiện bao phủ sức khỏe toàn dân. Ngành tiếp tục nâng cao chất lượng KCB phục vụ người dân tạo được sự hài lòng của người bệnh; triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế.

Ngoài ra, ngành Y tế tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân số trong tình hình mới; tăng cường vai trò, vị thế của y tế Việt Nam trên trường quốc tế; thúc đẩy các hợp tác song phương, đa phương, thu hút nguồn lực, hỗ trợ kỹ thuật từ các nước phát triển; thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác chuyên môn giữa các trường, viện, bệnh viện với các quốc gia trên thế giới.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, y tế Việt Nam luôn có những biện pháp chủ động chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Nổi bật là đã sản xuất được 9/11 vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng; tỷ lệ giảm tử vong bà mẹ, trẻ em vượt chỉ tiêu; là một trong những quốc gia đầu tiên khống chế thành công các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi đặc biệt là SARS-CoV-2.

Quang cảnh hội nghị (ảnh VGP).
Quang cảnh hội nghị (ảnh VGP).

Y tế Việt Nam đã đứng đầu thành tựu y khoa như ghép tạng, ghép đa tạng tim, thận cùng lúc, phẫu thuật nội soi, chất lượng dịch vụ y yế được nâng cao. Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng để giải quyết các vướng mắc, bất cập của ngành y. Công tác chuyển đổi số, kết nối liên thông dữ liệu y tế đạt được nhiều thành tích ấn tượng. Đây là cơ sở nền tảng để thực hiện quản lý sức khỏe toàn dân.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra cụ thể những tồn tại hạn chế về thể chế, chính sách, năng lực y tế dự phòng, khoảng cách về chất lượng y tế của các tuyến, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn xảy ra cần khắc phục.

“Năm 2024 là năm cần tăng tốc và bứt phá để thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế, xã hội 2021-2025. Do đó, với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, ngành y cần tập trung 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiếp tục đổi mới công tác tài chính y tế, tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Tập trung cho công tác phòng chống dịch bệnh song song với tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, mở rộng bảo hiểm y tế tiến tới bao phủ BHYT toàn dân” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị ngành Y tế tập trung vào 10 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, ngành Y tế tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách y tế. Trong đó, tập trung xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn Luật KCB (sửa đổi). Hoàn thiện trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Luật BHYT.

Quang cảnh  hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Quang cảnh  hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Đổi mới cơ chế tài chính y tế; thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Hoàn thành xây dựng cơ chế tổ chức cung ứng, dự trữ, mua sắm đặc thù đối với các loại thuốc hiếm, thuốc điều trị bệnh hiếm.

Ngành Y tế tiếp tục tập trung giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Đáp ứng đầy đủ, kịp thời vaccine, đảm bảo duy trì tỷ lệ tiêm đầy đủ các loại vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng đạt trên 90%. Tập trung kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh. Tăng cường khả năng phân tích, dự báo và chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Nâng cao năng lực điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp, tai nạn thương tích. Bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Mặt khác, ngành tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở các tuyến. Đẩy mạnh triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bác sĩ gia đình, KCB từ xa, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật. Nâng cao năng lực cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho người dân.

Mở rộng độ bao phủ BHYT tiến tới BHYT toàn dân. Nghiên cứu điều chỉnh mức đóng BHYT phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân và trình độ, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số.

Cùng với đó, ngành tiếp tục kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của các đơn vị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Y tế cần tập trung rà soát, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Ngành y tế tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng
Ngành y tế tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng

Song song với đó, ngành y tế tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng.  Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho ngành y tế, nhất là phương thức đối tác công - tư, đẩy mạnh tự chủ tại các cơ sở y tế công lập và phát triển y tế tư nhân.

“Đặc biệt, trong năm 2024, Bộ Y tế phải xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại, hoàn thiện việc mua sắm thiết bị, chuẩn bị nguồn nhân lực để đưa vào sử dụng 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam.

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho các cơ sở y tế tiếp cận các nguồn vốn bao gồm vốn vay ưu đãi của Chính phủ, vay thương mại để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị…” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu.

Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách đãi ngộ phù hợp cho cán bộ y tế trong tổng thể cải cách chính sách tiền lương. Đồng thời, chú trọng thu hút, trọng dụng nhân lực trình độ cao, chuyên môn giỏi, gắn bó lâu dài.

Ngoài ra, ngành Y tế cần đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam, trong đó tập trung đầu tư phát triển sản xuất thuốc Generic, bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu. Phát huy thế mạnh, tiềm năng sản xuất vaccine và thuốc từ dược liệu.

Ngành Y tế cũng cần nghiên cứu, xây dựng khung chính sách tổng thể về dân số, góp phần kéo dài và tận dụng cơ hội thời kỳ dân số vàng. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

 

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao Cờ thi đua của Chính phủ tặng 3 tập thể thuộc Bộ Y tế gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống nhất, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương (Hà Nội) đã có thành tích xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước.