Thái Lan sẽ không còn là “thiên đường cần sa”

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Thái Lan đang tiến tới thông qua luật cấm sử dụng cần sa cho mục đích giải trí chỉ 18 tháng sau khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa loại cây này.

Chính phủ Thái Lan sắp thông qua luật cấm sử dụng cần sa giải trí. Ảnh: Aseannow
Chính phủ Thái Lan sắp thông qua luật cấm sử dụng cần sa giải trí. Ảnh: Aseannow

Luật pháp được nới lỏng đã chứng kiến ​​ngành công nghiệp cần sa sinh lợi cũng như việc người nước ngoài đổ xô đến quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, chính phủ mới lên nắm quyền vào cuối năm ngoái đã cam kết thắt chặt các quy định và sẽ chỉ cho phép sử dụng cần sa trong y tế.

Theo CNN, Bộ Y tế Thái Lan hôm 9/1 đã công bố một dự thảo luật sửa đổi về cần sa, nêu rõ các khoản tiền phạt nặng hoặc án tù lên tới 1 năm đối với người phạm tội, hoặc cả hai.

Theo dự luật này, cần sa và các sản phẩm liên quan đến cần sa sẽ chỉ được giới hạn cho mục đích y tế và sức khỏe, tương tự cam kết của tân Thủ tướng Srettha Thavisin vào tháng 9/2023 rằng chính quyền mới của ông sẽ sửa đổi luật về cần sa trong vòng 6 tháng tới.

Hút cần sa ở nơi công cộng vẫn là bất hợp pháp ngay cả theo luật hiện hành được nới lỏng, nhưng luật mới được đề xuất sẽ cấm các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị cho nụ cần sa và chiết xuất cần sa cũng như các sản phẩm liên quan khác.

Bộ trưởng Y tế Cholnan Srikaew cho biết, nước này soạn thảo luật mới về cần sa nhằm mục đích cấm sử dụng loại cây này trong hoạt động giải trí.

Một dự luật trước đó đã không giành được sự chấp thuận của Quốc hội Thái Lan vào tháng 11 năm ngoái.

Thủ tướng Thavisin đã lên tiếng về việc cấm cần sa giải trí và tuyên bố trong một số cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông rằng lạm dụng ma túy là “một vấn đề lớn đối với Thái Lan”.

Trước đó, Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hoàn toàn cần sa vào tháng 6/2022, một động thái được xem là hiếm có tại khu vực mà nhiều quốc gia đưa ra án tù dài hạn, và thậm chí là án tử hình đối với những người bị kết tội tàng trữ, tiêu thụ hoặc buôn bán cần sa.

Tại Hồng Kông (Trung Quốc), ngay cả dầu cần sa không có tác dụng thần kinh (CBD) cũng bị cấm.

Chính phủ Singapore vẫn duy trì án tử hình đối với tội buôn bán ma túy và người dân đi du lịch đến Thái Lan được cảnh báo rằng họ vẫn có thể bị truy tố khi trở về nếu hút cần sa ở nước ngoài.

Cần sa y tế được hợp pháp hóa ở Thái Lan kể từ năm 2018. Đến năm 2022, chính phủ nước này tiếp tục nới lỏng hơn khi quy định việc trồng và buôn bán cần sa và các sản phẩm từ cây gai dầu hoặc sử dụng bất kỳ bộ phận nào của cây để điều trị bệnh không còn là tội hình sự.

Kể từ đó, hàng nghìn cơ sở phân phối cần sa đã mọc lên trên khắp Thái Lan, cũng như các cơ sở kinh doanh theo chủ đề cần sa khác như “quán cà phê cỏ”, spa gai dầu và dịch vụ chăm sóc sắc đẹp.

Thậm chí, các thành phố lớn như Chiang Mai và Bangkok còn tổ chức lễ hội cần sa và việc hợp pháp hóa đã trở thành một điểm thu hút lớn đối với khách du lịch.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul từng khẳng định với đài CNN rằng mục đích của họ vẫn là không bao giờ cho phép người Thái và khách du lịch “hút cỏ” để giải trí ở nơi công cộng.

Ông Anutin Charnvirakul nhấn mạnh: “Thái Lan sẽ thúc đẩy các chính sách cần sa cho mục đích y tế, nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc khuyến khích người dân sử dụng cần sa để giải trí, hoặc sử dụng theo cách có thể gây khó chịu cho người khác”.