Thận trọng khi giải thể chi nhánh trợ giúp pháp lý

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện quy định của Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (có hiệu lực từ 1/1/2018), các chi nhánh trợ giúp pháp lý đã giải thể ở một số nơi trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, việc giải thể này cũng cần căn cứ vào tình hình từng địa phương.

Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên của Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội tư vấn pháp luật cho các đối tượng chính sách. Ảnh: Văn Trọng
Theo Bộ Tư pháp, trước khi Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) 2017 có hiệu lực, một trong những vấn đề tồn tại trong công tác TGPL, là việc quy định Trung tâm TGPL được thành lập chi nhánh đã bộc lộ một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn. Tổ chức bộ máy một số nơi còn khá cồng kềnh, nhiều chi nhánh thành lập ra nhưng không đủ nguồn lực hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. 
Do đó, để tránh tình trạng lập chi nhánh một cách tràn lan, tránh lãng phí nguồn lực Nhà nước, Luật TGPL năm 2017 đã quy định các điều kiện chặt chẽ khi địa phương muốn thành lập chi nhánh. Theo đó, Trung tâm TGPL có thể có chi nhánh được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm TGPL Nhà nước và chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia TGPL.
Trung tâm TGPL Nhà nước TP Hà Nội có 11 chi nhánh, mỗi chi nhánh có từ 2 - 3 Trợ giúp viên pháp lý. Năm 2018, Trung tâm đã tổ chức 450 cuộc tư vấn pháp luật tại các xã, phường, thị trấn, trường học và các tổ chức chính trị - xã hội, thu hút 22.122 lượt người tham dự, tư vấn pháp luật trực tiếp cho 8.295 lượt người.
Theo Bộ Tư pháp, năm 2018, có 176 chi nhánh TGPL được kiện toàn, 31 chi nhánh được giải thể, 21 chi nhánh dự kiến giải thể, sáp nhập hoặc đang tiến hành giải thể. Nhìn vào con số nói trên, có thể thấy các quy định về giải thể chi nhánh TGPL đã dần đi vào cuộc sống, tuy nhiên việc giải thể cũng được thận trọng, phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Sau một năm triển khai cũng cho thấy, vấn đề sâu xa hơn không phải là giải thể, hay sáp nhập chi nhánh một cách cơ học mà còn phải giải quyết là tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác TGPL, đẩy mạnh xã hội hóa công tác này để thu hút sự tham gia của các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có uy tín, kinh nghiệm thực hiện TGPL.

Hiện nay cả nước có trên 12.000 luật sư. Tuy nhiên, đội ngũ này chỉ tập trung ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Mặc dù số lượng và chất lượng luật sư đã có nhiều chuyển biến nhưng so với số dân, thì số lượng luật sư vẫn còn ít. Đặc biệt, so với số lượng các vụ án mà ngành tòa án xét xử hàng năm thì số luật sư tham gia vẫn chưa nhiều, nhất là những nơi vùng sâu, vùng xa, nơi kinh tế kém phát triển. Thực tế, nhiều vụ án theo quy định phải có luật sư nhưng do nhiều nguyên nhân, việc mời luật sư là rất khó khăn do điều kiện kinh phí không đảm bảo, đường xá xa xôi... dẫn đến việc giải quyết các vụ án kéo dài.

Trong điều kiện còn khó khăn về đội ngũ luật sư thì các chi nhánh TGPL không thể giải thể một sớm một chiều, nhất là đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho người dân ở các vùng này, UBND cấp tỉnh cần rà soát, kiện toàn, sắp xếp lại các chi nhánh của Trung tâm TGPL. Trong trường hợp đã được thành lập nếu địa phương không đủ nguồn lực để duy trì hoạt động của chi nhánh hoặc do hiệu quả của chi nhánh mang lại chưa cao thì mới giải thể, sáp nhập. Còn đối với các trung tâm hoạt động có hiệu quả, thành lập ở những nơi khó khăn, chưa có tổ chức hành nghề luật sư thì cần có giải pháp kiện toàn, củng cố. Có như vậy mới đảm bảo sự hài hòa trong việc thực hiện chủ trương của Luật TGPL với sự phát triển kinh tế - xã hội từng địa bàn.