Thêm 3 triệu người nào sẽ có cơ hội được hưởng lương hưu?

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo tính toán của Bộ LĐTB&XH, dự kiến khoảng 3 triệu người có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đồng nghĩa với được hưởng lương hưu.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn, trong đó mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, để có cơ hội được hưởng lương hưu. Ảnh minh họa.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, để có cơ hội được hưởng lương hưu. Ảnh minh họa.

Có 5 nhóm đối tượng được mở rộng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm có: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Người quản lý DN, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của DN tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Và, người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019.

Với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Bộ LĐTB&XH dự kiến khoảng 3 triệu người có cơ hội tham gia. Điều này đồng nghĩa với khi về già 3 triệu người có cơ hội được hưởng lương hưu hàng tháng khi đáp ứng đủ 2 điều kiện.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Ủy ban Xã hội đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 5 nhóm đối tượng. Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng đây không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đã được Nghị quyết số 28-NQ/TW đề ra, mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Vì thế Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình cụ thể về:

Việc mở rộng đối tượng người lao động là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh mà không mở rộng đối tượng tham gia là chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (khoảng 3 triệu người); tính đồng bộ giữa quy định của dự thảo với quy định của pháp luật liên quan và tính khả thi trong tổ chức thực hiện.

Cơ quan soạn thảo giải trình về việc xác định người sử dụng lao động, mức đóng bảo hiểm xã hội khi bổ sung nhóm lao động là người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố, việc đảm bảo kinh phí, tác động đối với ngân sách nhà nước.

Cùng với đó là đánh giá tác động chính sách đối với các nhóm đối tượng liên quan đến các luật, các dự án luật khác như dân quân tự vệ, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, tổ trưởng Tổ hợp tác, người đại diện theo ủy quyền của các thành viên Tổ hợp tác thuộc diện phải đăng lý kinh doanh.

Và, làm rõ quan điểm của Cơ quan soạn thảo về việc tham gia bảo hiểm xã hội đối với nhóm người lao động mới (vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động, lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động chia sẻ công việc…), căn cứ, lý do và cần tiếp tục nghiên cứu (có thể theo hướng làm rõ các tiêu chí) đối với quy định giao trách nhiệm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các đối tượng khác tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khác.

Hiện nay, số người tham gia bảo hiểm xã hội mới chỉ chiếm trên 38,7% lực lượng lao động trong độ tuổi. Còn trên 60% người lao động trong độ tuổi chưa tham gia bảo hiểm xã hội, chủ yếu là nông dân, người có thu nhập thấp.

Nước ta có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có 2 triệu hộ thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Còn khoảng 3 triệu hộ kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh, không tham gia bảo hiểm xã hội.

Tham gia bảo hiểm xã hội là giải pháp tốt, đặc biệt đối với đối tượng có thu nhập thấp, kinh doanh nhỏ lẻ, bấp bênh. Vì thế, tại thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chiều 2/11, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (TP Hà Nội) đề nghị đưa toàn bộ đối tượng là chủ hộ kinh doanh gồm cả phải đăng ký, không đăng ký kinh doanh vào nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, cũng cần đánh giá quy định về mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh cá thể.