Thêm cơ chế, chính sách để làng nghề phát triển

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có quyết định công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và “Làng nghề truyền thống Hà Nội”. Theo quyết định, có 14 làng đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và “Làng nghề truyền thống Hà Nội”.

Trong đó, có 3 làng đạt danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”: Làng nghề mây tre đan thôn 3, xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì; làng nghề mộc Triệu Xuyên, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ; làng nghề cắt may làng Táo, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ.

Trong số 11 làng đạt danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội" có: làng nghề trồng đào, cây cảnh thôn Đông Thai, xã Vân Tảo, huyện Thường Tín; làng nghề khảm trai thôn Trung, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; làng nghề khảm trai thôn Ngọ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm ốc trai thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; làng nghề khảm trai thôn Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên...

Mỗi làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” được UBND TP tặng Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” và được hỗ trợ 12 triệu đồng. Mỗi làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” được UBND TP tặng Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội” và được hỗ trợ 6 triệu đồng.

Du khách tham quan làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng
Du khách tham quan làng nghề gốm sứ Bát Tràng, huyện Gia Lâm. Ảnh: Công Hùng

Thời gian qua, nhận thức sâu sắc giá trị của làng nghề và nghề truyền thống, TP Hà Nội đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển làng nghề. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.

Đồng thời, TP Hà Nội và các quận, huyện cũng có nhiều cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô. Mỗi làng nghề của Hà Nội đều mang bản sắc riêng, với những sản phẩm độc đáo, mang phong cách văn hóa địa phương có sức cạnh tranh cao trong thị trường trong nước và quốc tế.

TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ hình thành trung tâm sáng tạo và giới thiệu sản phẩm OCOP của quốc gia tại Thủ đô gắn với du lịch, văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa; Đồng thời, phát triển 10 trung tâm thiết kế sáng tạo giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP tại các huyện và thị xã.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội đã tập trung rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, ban hành mới phù hợp với quy định hiện hành: sửa đổi Quyết định số 69/2009/QĐ-UBND ngày 18/5/2009 của UBND TP về việc ban hành Quy chế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ; tích cực phối hợp với Bộ Công Thương góp ý, sửa đổi Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ.

Sở tổ chức hướng dẫn các cá nhân lập hồ sơ và UBND quận, huyện, thị xã tiếp nhận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, NNND, NNƯT; tăng cường phối hợp với các hội, hiệp hội ngành thủ công mỹ nghệ Hà Nội để giới thiệu, tuyên truyền các cá nhân có đủ điều kiện tham gia chương trình xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội, NNND, NNƯT.