Thêm nhiều người lao động có lương hưu, khi đóng bảo hiểm xã hội 15 năm?

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) xuống 15 năm, hưởng lương hưu 45% là cơ hội để nhiều người lao động được hưởng lương hưu và là giải pháp bảo đảm tăng số người ở lại hệ thống.

Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, hưởng lương hưu 45%

Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi trong đó quy định, khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019 có từ đủ 15 năm đóng BHXH trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng, thay vì tối thiểu đóng 20 năm BHXH như hiện hành. Đối với những người lao động làm việc trong những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hầm lò, vùng khó khăn thì được nghỉ hưu sớm hơn từ 5 đến 10 năm so với tuổi nghỉ hưu chung.

Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm là cơ hội để nhiều người lao động được hưởng lương hưu.
Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm là cơ hội để nhiều người lao động được hưởng lương hưu.

Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tiền lương tháng đóng BHXH khi đóng đủ 15 năm đối với người lao động nữ, 20 năm đối với lao động nam. Sau đó, mỗi năm đóng BHXH được cộng thêm 2%, lương hưu tối đa bằng 75% mức lương đóng. Trường hợp, thời gian tham gia BHXH từ 15 – 20 năm đối với nam, và dưới 15 năm với nữ, mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% lương tháng tính đóng BHXH. Nếu người lao động nghỉ hưu trước tuổi, mỗi năm nghỉ trước tuổi tính giảm 2% trên tỷ lê hưởng lương hưu được hưởng.

Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH, do Chính phủ điều chỉnh. Về mức tiền lương tháng tính đóng BHXH, cơ quan soạn thảo đề xuất đưa khung tiền lương (sàn và trần) vào luật. Cụ thể, khung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc từ 2 – 36 triệu đồng/tháng; khung thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện từ 1,5 – 36 triệu đồng/tháng.

Trao đổi về đề xuất thời gian tham gia BHXH giảm xuống còn 15 năm, thay vì 20 năm như quy định hiện hành, Phó Trưởng Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng: Đây là chính sách rất ưu việt, linh hoạt, phù hợp với thị trường lao động; nhất là những người lao động tham gia thị trường lao động có tuổi đời cao được hưởng chế độ hưu trí. Việc giảm số năm đóng BHXH là cần thiết, bởi đây là một trong những giải pháp bảo đảm để họ được hưởng chế độ hưu trí – đây là chính sách an sinh xã hội lâu dài nhất, tốt nhất cho người lao động.

Băn khoăn lương hưu khó đảm bảo mức sống tối thiểu

“Hiện nay tôi thấy có hai vấn đề, thứ nhất, thời gian tham gia BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu đối với người lao động làm công việc trực tiếp là quá dài.  Vấn đề thứ hai là tuổi nghỉ hưu đối với người lao trực tiếp. Lao động nữ, qua tuổi 50 đã có dấu hiệu tuổi già (mắt kém, động tác chậm chạm) ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm; trong khi các DN lấy yếu tố năng suất chất lượng lên hàng đầu. Vì thế, Bộ LĐTB&XH đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống còn 15 năm là đã giải quyết được vấn đề đầu tiên của nhiều người lao động” - chị Nguyễn Phương Anh – Chủ tịch Công đoàn Công ty Liên doanh May Plummy chia sẻ.

Mọi người băn khoăn, đóng bảo hiểm xã hội 15 năm thì tiền lương hưu khó đảm bảo mức sống tối thiểu.
Mọi người băn khoăn, đóng bảo hiểm xã hội 15 năm thì tiền lương hưu khó đảm bảo mức sống tối thiểu.

Với đề xuất của Bộ LĐTB&XH về giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, anh Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Matsuo Industries Việt Nam cho rằng đây là tin vui đối với những người tham gia thị trường lao động muộn. Ví dụ, có người lao động gần 50 tuổi mới đi làm và tham gia BHXH bắt buộc thì vẫn có cơ hội được nhận lương hưu. Và, đối với những người lao động đã đóng BHXH 15 năm nhưng không thể tiếp tục làm việc nữa thì có hai sự lựa chọn (hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hưởng chính sách hưu trí).

Điều đáng nói, đối với lao động nữ, khi đóng 15 năm BHXH, mức lương hưu được tính bằng 45% tiền lương tháng đóng BHXH; so với quy định hiện hành thì cao hơn. Vì hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 20 năm đóng BHXH. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% và mức tối đa bằng 75%.

Các cán bộ công đoàn DN dự tính, nếu đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm được Quốc hội thông qua, thì khi người lao động tham gia 20 năm BHXH, mức lương hưu sẽ là 55% tiền lương tháng đóng BHXH. Như thế, tiền lương hưu của người lao động khi nghỉ chế độ sẽ cao hơn so với hiện nay. Đây cũng là cách để thu hút người lao động ở lại hệ thống và có thêm nhiều người khác tham gia BHXH.

Tuy nhiên, điều mọi người băn khoăn đó là: Đóng BHXH 15 năm, hưởng lương hưu 45% tiền lương hàng tháng đóng BHXH thì tiền lương hưu không cao. Nhất là đối với những người lao động có tiền lương thấp, sau này khó đảm bảo mức sống tối thiểu. Về việc này, ông Lê Đình Quảng cho rằng, hiện nay chính sách BHXH vẫn theo nguyên tắc đóng  - hưởng. Nhiều người lao động có thời gian tham gia BHXH ngắn, về hưu trước tuổi nên tỷ lệ hưởng chế độ hưu trí rất thấp. Vì thế, khi sửa đổi Luật BHXH cần tính toán lại theo nguyên tắc tăng cường tính sẻ chia để những người lao động tham gia BHXH 20 năm hoặc nếu sau này còn 15 năm, khi về hưu vẫn có khoản tiền nhất định để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.