Theo dòng thể thao: Đi săn không súng

Bạch Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đầu năm, làng thể thao Việt Nam sôi lên với thông tin, đội tuyển đấu kiếm mãi chưa được mua kiếm mới.

Thông tin này được báo chí loan tải và được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc gặp với lãnh đạo ngành thể thao mới đây.
Đấu kiếm không có kiếm mới. Bắn súng thiếu đạn, phải tập bắn "chay" và nhiều môn thể thao khác thiếu trang thiết bị tập luyện không phải là chuyện hiếm. Điều này xuất phát từ việc có quá nhiều rào cản về thủ tục khiến ngành thể thao chưa thể đáp ứng tốt nhất về trang thiết bị tập luyện cho các môn thể thao. Nhưng, khó khăn lớn nhất phải đến từ kinh phí. Ngân sách khiêm tốn của ngành thể thao khiến không phải yêu cầu nào từ tập luyện cũng được đáp ứng. 
Trong bối cảnh ngân sách dành cho thể thao còn khiêm tốn, điều cần kíp nhất là ngành thể thao phải cơ cấu lại các danh mục đầu tư. Sự hiệu quả trong những khoản đầu tư cần phải được đặt lên hàng đầu. Phải đưa ra một chiến lược phát triển tổng thể cho ngành thể thao. Môn nào mũi nhọn, có khả năng giành thành tích cần sự đầu tư từ ngân sách. Những môn thể thao có điều kiện xã hội hóa phải mạnh dạn trao cơ chế. Đã đến lúc thể thao Việt Nam cần tránh tình trạng đầu tư dàn trải, đầu tư ngắn hạn vào một số môn có tính chất mùa vụ nhằm tìm kiếm huy chương ở các kỳ SEA Games khi nước chủ nhà gợi ý để được đưa vào chương trình thi đấu.
Thể thao Việt Nam đã có được vị trí nằm trong Top 3 khu vực và dần cải thiện được vị thế ở đấu trường châu lục. Đây là một lợi thế và ngành cần có chiến lược đầu tư chiều sâu nhằm tránh lãng phí về nguồn lực. Có như vậy thì chúng ta mới đủ nguồn tiền đầu tư cho những mục tiêu trọng điểm. Và thêm nữa, thể thao Việt Nam phải thoát ra khỏi sự thụ động vốn có. Thay vì trông chờ vào ngân sách, công tác tiếp thị cần phải được đẩy mạnh nhằm tăng nguồn kinh phí từ xã hội. Bởi, nói cho cùng, không ít môn thể thao hiện nay vẫn có sức hút đặc biệt với xã hội nhưng lại chưa được tận dụng để tạo ra nguồn thu.