Thị trường xe ôm công nghệ: Khe cửa hẹp cho doanh nghiệp Việt

Bài, ảnh: Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ ngày 20/11 vừa qua, hãng taxi lớn nhất Việt Nam - Mai Linh đã chính thức nhảy vào thị trường xe ôm công nghệ với ứng dụng "Mai Linh Bike".

Mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh taxi nhưng với dịch vụ xe ôm công nghệ, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, khả năng thành công của hãng này vẫn là dấu hỏi lớn.

Tham vọng chia phần với Uber, Grab

Tiếp nối sau các DN nhỏ với những ứng dụng như "VivuMoto", "AGZ Bike", "Timxes.com"... hiện Mai Linh là tên tuổi lớn đầu tiên của lĩnh vực vận tải trong nước gia nhập lĩnh vực này. Về cơ bản, ứng dụng đặt xe ôm của Mai Linh được tích hợp vào chung với ứng dụng "Taxi Mai Linh" được hãng tung ra đầu năm 2017, thông qua đó người dùng có thể đặt cả xe ôm lẫn taxi.

Xe ôm công nghệ Mai Linh.

Đối với mức giá cước dành cho người đi, Mai Linh Bike cũng gần như tương tự với các dịch vụ cùng loại khi ở mức 11.000 đồng/2km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo. Tuy nhiên, khác với Grab hay Uber, dịch vụ xe ôm của Mai Linh có điểm khác biệt đáng chú ý khi đưa ra cam kết giữ giá cước ổn định, không tăng vào giờ cao điểm. Tỷ lệ ăn chia giữa hãng và tài xế của Mai Linh cũng khá hấp dẫn khi tài xế được hưởng 100% doanh thu trong 2 tháng đầu, thời gian tiếp theo sẽ là 85% cho tài xế và 15% cho hãng. Đây là mức ăn chia hấp dẫn hơn so với Uber và Grab khi các hãng này đang "cắt phế" của tài xế ở mức 20 - 25%.

Nói về dịch vụ của mình, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh Hồ Huy đưa ra mục tiêu sẽ thu hút khoảng 1 triệu xe máy tham gia. Nhiều khả năng, với "phát súng" mở màn của Mai Linh, trong thời gian tới thị trường xe ôm công nghệ sẽ có sự góp mặt thêm của các hãng vận tải lớn khác nhằm tăng sức cạnh tranh với Uber, Grab.

Khe cửa hẹp

Theo nhiều chuyên gia, thị trường xe ôm công nghệ đang dần tiến tới ngưỡng bão hòa khi số lượng lái xe tham gia ngày càng đông nhưng các chính sách hỗ trợ tài xế lại ngày càng bị thu hẹp. Không những thế, với sự thống trị của Grab, Uber đang khiến cơ hội thành công của các tên tuổi mới trở nên khó khăn hơn.

Nguyên nhân được chỉ ra là, DN Việt đang thua kém trên mọi phương diện, từ kinh nghiệm đến mạng lưới, số lượng phương tiện. Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng quyết định tới sự thành bại khi cạnh tranh trong ngành dịch vụ đó là khả năng tài chính. Về mặt này, Mai Linh thực sự không có "cửa" để cạnh tranh với Grab và Uber. Tính tới thời điểm này, chỉ riêng ở thị trường Việt Nam, Grab đã lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng. Con số lỗ này với Uber còn lớn hơn. Tuy nhiên, cả Uber và Grab vẫn liên tục được các quỹ đầu tư bơm tiền để tiếp tục chịu lỗ nhằm chiếm thị phần tại những quốc gia mà 2 DN này triển khai dịch vụ. Với trường hợp của Mai Linh, khả năng chịu lỗ để cạnh tranh gần như là không thể do tình hình tài chính không mấy khả quan của DN này, lợi nhuận những năm gần đây liên tục giảm mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, Mai Linh vẫn có cơ hội khi có cách làm riêng. Điểm quyết định thành bại nằm chính ở thu nhập của người lái xe. Hiện tại, nhiều tài xế của Uber, Grab chỉ coi đây là một công việc làm thêm, không có ý định gắn bó lâu dài do mức thu nhập thất thường. “Nếu Mai Linh khắc phục những hạn chế này thì số lượng tài xế sẽ gắn bó với hãng sẽ tăng hơn, qua đó giúp tăng lượng khách hàng, mở rộng được thị trường” – ông Đinh Thế Hiển tư vấn.

Bộ Tài chính vừa có văn bản số 15467/ BTC-TCT thông báo, Công ty Grab Taxi thuộc trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao, đưa vào diện kiểm soát trọng điểm. Nguyên nhân được chỉ ra là trong 3 năm hoạt động (từ 2014), Grab Taxi đã lỗ tổng cộng 938,261 tỷ đồng. Với việc đưa vào diện kiểm soát trọng điểm, Bộ Tài chính và các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành rà soát nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại (nếu có).