Thiếu trầm trọng giáo viên Tin học, Âm nhạc

Lưu Ly
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật là 3 môn học bắt buộc.

Để đáp ứng yêu cầu môn học, ngành giáo dục cần có phương án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên (GV).
Khan hiếm giáo viên
Khi áp dụng Chương trình GDPT mới, các môn như Tin học ở cấp Tiểu học; môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm GV. Theo đó, môn Tin học sẽ được đưa vào dạy cho học sinh lớp 3 (mỗi tuần 2 tiết/lớp). Với hơn 15.000 trường tiểu học trên cả nước, ngành giáo dục phải cần đến hàng chục nghìn GV để đáp ứng chương trình.
Ở cấp THPT sẽ dạy Âm nhạc, Mỹ thuật, mỗi môn có 2 tiết/lớp nhưng hiện chưa có GV dạy môn học này. Trong khi cả nước có tới 2.834 trường THPT, nếu tính đơn giản mỗi trường cần 1 GV/môn thì số lượng tuyển mới sẽ cần đến gần 6.000 GV.
  Học sinh THPT Phan Huy Chú trong giờ học Tin học. Ảnh: Phạm Hùng
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, trong những năm qua, nhiều học sinh không mặn mà với ngành Âm nhạc, Mỹ thuật nên số lượng thi vào trường rất hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều cử nhân sư phạm Tin học ra trường cũng làm trái ngành vì không “cam chịu” với mức lương ở các trường công lập.
Nhiều trường lo ngại, tuyển sinh khó khăn, tuyển dụng nhân sự đối với các ngành Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật sẽ không đáp ứng được chương trình mới đối với các môn học. Đây là một bài toán khó cho ngành giáo dục, các địa phương và các trường trong những năm tới.
Theo nhiều chuyên gia, ngành giáo dục phải có những định hướng tốt trong việc đào tạo với sự vào cuộc đồng bộ của cả ngành giáo dục và chính quyền địa phương.
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) Thái Văn Tài cho rằng, nếu các trường liên cấp (tiểu học, THCS) thiếu GV thì có thể sử dụng GV môn Tin học ở cấp THCS để dạy tiểu học nhưng phải bồi dưỡng, tập huấn phương pháp dạy học tiểu học cho đội ngũ này. Hiện ở cấp tiểu học, GV chuyên biệt môn Âm nhạc, Mỹ thuật đang thiếu cục bộ.
Từ thống kê sơ bộ, nếu mỗi trường tiểu học cần 1 GV Âm nhạc, 1 GV Mỹ thuật thì cả 2 môn học này thiếu khoảng 4.000 GV trên cả nước. Về cơ bản, số lượng GV Âm nhạc, Mỹ thuật đang dạy ở cấp THCS là đủ (ít nhất mỗi trường có 1 GV dạy Âm nhạc và 1 GV dạy Mỹ thuật). Đối với cấp THPT, hiện nay vẫn chưa có GV Âm nhạc, Mỹ thuật nào.
Rào cản trong tuyển dụng 
Trong chương trình GDPT hiện hành, Tin học là môn tự chọn nhưng việc tổ chức môn học vẫn gặp nhiều khó khăn như thiếu máy tính, phòng chức năng… Ông Thái Văn Tài cho rằng, trong những năm gần đây, tỷ lệ HS học Tin tăng khá nhanh. Kết thúc năm học 2018 - 2019, số HS từ lớp 3 - 5 được học Tin học khoảng 70% và con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm học 2019 - 2020.
Theo ông Tài, ở khu vực thành thị, cử nhân sư phạm, công nghệ thông tin thường không chọn ngành GV, trừ những người yêu nghề dạy học. Ở vùng sâu, vùng xa, thiếu nguồn học sinh tại chỗ để vào học các ngành về công nghệ thông tin nên chủ yếu dựa vào nguồn tuyển từ các vùng thuận lợi. Đây là rào cản khiến việc tuyển dụng GV môn Tin học ngày càng khó khăn.
Theo ông Tài, chính quyền địa phương phải khảo sát cụ thể nhu cầu GV và đặt hàng các trường sư phạm, sau đó có chính sách tuyển dụng đặc thù để thu hút sinh viên ra trường về quê giảng dạy. Ngoài ra, các cấp chính quyền, các nhà hoạch định chính sách quan tâm đến chế độ tiền lương GV mới thu hút được người tài vào sư phạm và yên tâm cống hiến.
Thực trạng tuyển sinh đầu vào của sinh viên sư phạm thấp, lại hạn chế về năng khiếu âm nhạc, mỹ thuật đã khiến nhiều người lo ngại về chất lượng đào tạo. Ông Thái Văn Tài cho rằng, dù thiếu GV nhưng các cơ sở không nên chạy theo số lượng mà phải đầu tư cho chất lượng, quan tâm đến đầu vào của sinh viên. Còn đối với các trường học, cần bố trí các phòng chức năng để HS được học đầy đủ các môn học bắt buộc theo Chương trình GDPT mới
. Đối với GV Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT, theo chương trình đào tạo, sinh viên tốt nghiệp ra trường đạt chuẩn đầu ra, có bằng đại học sư phạm Âm nhạc, Mỹ thuật đều có khả năng và trình độ chuyên môn để dạy ở các trường phổ thông của cả 3 cấp sau khi học bổ sung kiến thức phương pháp dạy học phù hợp với từng cấp học.