Thổ Chu hồi sinh

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở cuối trời Tây Nam của Tổ quốc, đảo Thổ Chu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) từng bị quân phản động Khmer Đỏ chiếm đóng vào đầu tháng 5/1975. Hơn 500 người dân vô tội sinh sống trên đảo đã bị bắt, giết hại. Gần 45 năm sau cuộc thảm sát năm xưa, hòn đảo tiền tiêu đang hồi sinh mạnh mẽ.

Khu dân cư Bãi Ngự đông đúc, sầm uất trên đảo Thổ Chu.
Hòn đảo bị “bắt cóc”
Trong ký ức của ông Huỳnh Bình Khởi (SN 1957), hiện đang sống trên đảo Thổ Chu, nơi đây vốn là vùng biển đảo yên bình, xinh đẹp. Trước tháng 5/1975, trên đảo chỉ có một tiểu đội quân Việt Nam Cộng hòa. Đời sống của người dân hết sức khó khăn. Trên đảo không có điện, nước, trường học, cũng như trạm y tế. “Người dân sống nhờ vào hỗ trợ của bộ đội. Bị bệnh thì lên trại lính hải quân xin thuốc chữa trị…” – ông Khởi nhớ lại.

Năm 1973, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đưa thêm người dân từ đất liền ra đảo và thành lập xã Thổ Châu vào ngày 2/5/1973. Đến năm 1974 thì nhập đảo Thổ Chu vào quận Phú Quốc, nay là huyện Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Mặc dù còn nhiều khó khăn về vật chất, nhưng cuộc sống của người dân trên đảo Thổ Chu rất yên bình, cho tới trước ngày 30/4/1975.
Những năm qua, các đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân đứng chân trên đảo Thổ Chu và các đảo lân cận thuộc vùng biển Tây Nam, đã quán triệt, triển khai tốt công tác dân vận, chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các chương trình giao lưu, kết nghĩa, giúp đỡ Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng thế trận quốc phòng – an ninh…” .

Đại tá Nguyễn Minh Thanh – Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân
Theo tư liệu lịch sử của Vùng 5 Hải quân: Ngày 10/5/1975, quân phản động Khmer Đỏ lén lút đổ bộ, chiếm đóng trái phép đảo Thổ Chu. Bà con sinh sống trên đảo bị Khmer Đỏ dụ đưa lên tàu chở đi. “Hồi đó, ai nấy đều nghĩ rằng quân Khmer Đỏ đến giúp đưa người dân vào đất liền sinh sống, chứ không nghĩ là mình bị quân phản động bắt cóc sang Campuchia...” – ông Nguyễn Văn Sĩ, một trong số ít người may mắn thoát khỏi tay quân phản động Khmer Đỏ, hiện đang sinh sống trên đảo hòn Mấu (huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) nhớ lại.

Mệnh lệnh giải cứu

Thông tin đảo Thổ Chu bị quân phản động Khmer Đỏ tấn công nhanh chóng được một số người dân may mắn trốn thoát trở về loan báo. Nhận lệnh của Bộ Quốc phòng, các đơn vị tiền thân của Vùng 5 Hải quân đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang Quân khu 9 và Quân chủng Phòng không – không quân, triển khai lực lượng đánh chiếm lại đảo Thổ Chu.

Trận đánh đảo Thổ Chu bắt đầu vào một ngày cuối tháng 5/1975 và kéo dài trong khoảng 4 ngày. Sau những ngày giao chiến ác liệt, quân đội Nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt được khoảng 200 quân Khmer Đỏ và bắt sống 175 quân. Theo tư liệu của Vùng 5 Hải quân và Quân khu 9, từng có những cuộc trao đổi tù binh của quân phản động Khmer Đỏ để đổi lấy sự sống cho những người dân đảo Thổ Chu bị bắt cóc. Tuy nhiên, quân phản động tráo trở, đã giết hại toàn bộ những người dân đảo Thổ Chu từ trước đó. Xác của những dân thường vô tội Việt Nam về sau được phát hiện bị quân phản động chôn dưới những gốc cây trên đảo Poulo Wai thuộc tỉnh Kompot, phía Nam Campuchia.

Để tưởng nhớ các chiến sĩ quân đội đã hy sinh và hơn 500 người dân vô tội bị quân phản động Khmer Đỏ giết hại, năm 2011, đền Thổ Châu được xây dựng trên đảo Thổ Chu. Ngày nay, ngôi đền đã trở thành địa điểm sinh hoạt, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, yêu quê hương cho thế hệ trẻ. Hàng năm, có hàng nghìn lượt du khách đến viếng thăm, thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ đã hy sinh và nạn nhân bị quân phản động Khmer Đỏ giết hại.
Người dân giao thương hàng hóa trên đảo Thổ Chu. Ảnh: Trọng Tùng
Ngày mới trên đảo tiền tiêu

Sau khi thành lập xã Thổ Châu thuộc huyện Phú Quốc, năm 1993, tỉnh Kiên Giang đã đưa 17 hộ dân đầu tiên ra đảo Thổ Chu sinh sống, phát triển kinh tế. Nhớ lại những tháng năm cũ, bà Đinh Thị Khuyển, một trong những người dân đầu tiên đặt chân trở lại đảo Thổ Chu sau vụ thảm sát của quân phản động Khmer Đỏ, thú thật: “Lấy chồng nên tôi phải theo chồng, chứ lúc mới nghe nói ra đảo Thổ Chu sinh sống, cũng thấy sợ lắm. May là khi đặt chân tới đảo, thấy có bộ đội của mình đóng quân nên cũng bớt lo hơn”.

Theo bà Khuyển, những hộ dân đầu tiên đến khai hoang, lập nghiệp trên hòn đảo đều sống nhờ vào sự cưu mang của bộ đội. Các hộ gia đình được chu cấp lương thực, thực phẩm để sinh sống vì trên đảo không có gì ăn được. Việc nuôi trồng, khai thác thủy hải sản cũng chưa phát triển. Bộ đội còn giúp dân dựng lều lán, nhà cửa, rồi đóng ghe, thuyền để bắt đầu khai thác hải sản trên biển… Đặc biệt, người dân khi bị đau ốm sẽ được cán bộ Trạm quân - dân y kết hợp đóng trên đảo khám, cấp phát thuốc miễn phí. Trường hợp bệnh nặng hơn, sẽ có tàu của hải quân và bộ đội biên phòng chở vào đất liền chữa trị.

Trở lại đảo Thổ Chu năm 1993, ông Huỳnh Bình Khởi, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu cho biết, những ngày mới ra đảo, cuộc sống của người dân thiếu thốn nhiều bề. Tuy nhiên, ai nấy một lòng cùng hải quân, biên phòng bám biển, giữ từng cột mốc chủ quyền trước sự nhòm ngó của các thế lực thù địch. Ông Khởi cho hay, từ vài chục hộ ban đầu, dân cư trên đảo Thổ Chu hiện phát triển lên tới 550 hộ, với hơn 2.210 nhân khẩu. Những năm qua, với sự quan tâm đầu tư lớn của Nhà nước, nhiều công trình dân sinh quan trọng như trường học các cấp, trạm y tế, bưu điện, trạm thu phát sóng… đã được xây dựng.
Thổ Chu là hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, có diện tích khoảng 14km2, là đảo lớn nhất trong số 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu, cấu thành lên xã Thổ Châu (huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Thổ Chu nằm cách đảo Phú Quốc gần 100km về phía Tây Bắc và cách đất liền 220km về phía Bắc.
Đặc biệt, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân sinh sống trên đảo Thổ Chu đang tích cực phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản, biến nơi đây trở thành một ngư trường quan trọng tại vùng biển Tây Nam Tổ quốc. Hiện, trên đảo Thổ Chu cũng đã có cầu cảng. Không chỉ bảo đảm công tác vận chuyển hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân sinh sống trên các đảo, công trình còn biến Thổ Chu thành “cửa ngõ” giao thương các sản phẩm thủy hải sản khai thác, nuôi trồng được giữa các xã đảo với cư dân các địa phương trong đất liền.

Không chỉ vậy, đảo Thổ Chu còn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái với nhiều bãi tắm rất đẹp như Bãi Ngự, Bãi Dong… Nơi đây đang được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất việc xây dựng khu bảo tồn biển đảo Thổ Châu với tổng diện tích lên tới 22.400ha. Hàng năm, hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường nơi vùng biển Tây Nam” thu hút hàng vạn lượt du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Thương mại, dịch vụ du lịch nhờ đó cũng ngày một phát triển, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Chủ tịch UBND xã Thổ Châu Đỗ Văn Dừng cho biết, trong sự phát triển của xã đảo xa xôi thuộc vùng biển Tây Nam Tổ quốc, không kể không nhắc tới sự chung tay, góp sức của các đơn vị lực lượng đứng chân. Đó là Trạm ra đa 610 (Tiểu đoàn 551, Vùng 5 Hải quân), Trung đoàn 152 (Quân khu 9), Đồn Biên phòng Thổ Châu (Đồn Biên phòng tỉnh Kiên Giang), Trạm hải đăng (Bộ GTVT) và Đài Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT). Trong quá khứ, các đơn vị đã hỗ trợ người dân an cư, lập nghiệp. Hoà bình lập lại, các đơn vị tiếp tục chung sức cùng Nhân dân xã đảo trong xây dựng nông thôn mới, trợ giúp hộ nghèo, trở thành cánh tay vững chãi, cùng người dân bám biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã Thổ Châu tươi đẹp ngày một vững mạnh, phồn thịnh.