Thời tiết thất thường, gia tăng bệnh nhân mắc cúm A

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời tiết hiện nay, không khí thay đổi thất thường là điều kiện thích hợp cho các mầm bệnh, trong đó có cúm A phát triển mạnh, nhiều bệnh nhân ở mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em nhập viện điều trị cúm A gia tăng.

Số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng, tuy nhiên chưa ghi nhận các chủng virus có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người.

Nhiều ca cúm A biến chứng nặng do chủ quan

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ hạ thấp, nhất là vào buổi tối và sáng sớm khiến nhiều trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp.

Những ngày qua, con trai 5 tuổi của chị Nguyễn Thị Hằng (Hải Phòng) xuất hiện các triệu chứng của bệnh lý hô hấp, điều trị tại tuyến dưới không đỡ nên bé đã được chuyển tới Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng sốt cao, khó thở và được chẩn đoán mắc cúm A, viêm phổi.

TS Đỗ Thị Thúy Nga - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương tăm khám cho bệnh nhi.
TS Đỗ Thị Thúy Nga - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương tăm khám cho bệnh nhi.

“Tôi chỉ nghĩ do thời tiết trở lạnh, hệ hô hấp của con yếu. Trong khi, con chỉ húng hắng ho, đau họng, mẹ cho uống mật ong vào buổi sáng nhưng không thấy đỡ nên tôi cho đi viện” - chị Hằng chia sẻ.

Tương tự, em bé sơ sinh của chị Đặng Thị Nga (Hưng Yên) mới được hơn 1 tháng tuổi phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương vì mắc cúm A và viêm tai giữa. Trước đó, ở nhà, anh trai  3 tuổi của bé cũng có triệu chứng tương tự.

Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, khoảng một tháng trở lại đây tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc cúm A và điều trị trung bình dao động từ 60 - 80 bệnh nhi nội trú, chiếm khoảng 1/2 đến 1/3 số trẻ điều trị tại trung tâm.

Theo các bác sĩ, hầu hết, người dân xem cúm là bệnh thông thường và tự mua thuốc uống chỉ khi diễn biến nặng mới vào bệnh viện thăm khám.
Theo các bác sĩ, hầu hết, người dân xem cúm là bệnh thông thường và tự mua thuốc uống chỉ khi diễn biến nặng mới vào bệnh viện thăm khám.

Theo các bác sĩ, hầu hết, người dân xem cúm là bệnh thông thường và tự mua thuốc uống chỉ khi diễn biến nặng mới vào bệnh viện thăm khám. Tuy nhiên, thực tế ở một số trẻ, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng nặng nề.

TS Đỗ Thị Thúy Nga - Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, cúm xảy ra trên những đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ hoặc người già, người lớn tuổi với tình trạng miễn dịch không được tốt hoặc ở trên những cơ địa như có bệnh nền cũng có thể gây ra những biến chứng nặng.

“Điển hình là các biến chứng về mặt viêm phổi có thể gây ra tổn thương phổi, viêm phổi nặng, suy hô hấp, thậm chí có những trẻ phải thở máy vì tình trạng nhiễm cúm, các biến chứng khác của cúm, thậm chí là viêm não hoặc các biến chứng như viêm cơ tim. Trẻ có các biểu hiện này kèm theo tình trạng sốt, sốt cao… Đó là những dấu hiệu cha mẹ sẽ phải đưa trẻ đến viện sớm” - TS Đỗ Thị Thúy Nga khuyến cáo.

Cúm xảy ra trên những đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ có thể gây ra những biến chứng nặng.
Cúm xảy ra trên những đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ có thể gây ra những biến chứng nặng.

Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong một tháng trở lại đây, đơn vị ghi nhận số ca mắc cúm A nhập viện gia tăng nhanh chóng. Tại đây đang điều trị cho hơn 15 bệnh nhân cúm A nặng, phải thở máy, trong đó, có 8 bệnh nhân có bệnh lý nền.

Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu… dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một nữ bệnh nhân 59 tuổi, sống tại Thái Nguyên biến chứng do cúm A. Ban đầu, do xuất hiện tình trạng sốt, hắt hơi, sổ mũi nên bệnh nhân nghĩ chỉ cảm sốt thông thường. Một ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên, bà đối mặt với tình trạng tức ngực, khó thở.

Thời điểm được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, dù chỉ mới ngày thứ 3 của bệnh, bệnh nhân này đã bị suy hô hấp phải thở oxy. Hai ngày sau khi nhập viện, tình trạng suy hô hấp tiến triển trầm trọng khiến các bác sĩ phải đặt ống thở máy.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân này có bệnh nền béo phì, tiểu đường và tăng huyết áp. Do đó, khi mắc cúm A, bệnh tiến triển rất nhanh, đặc biệt là tổn thương ở phổi.

Tuyệt đối không chủ quan

Tương tự, một trường hợp khác là nữ (66 tuổi) cũng suy hô hấp nặng, phổi trắng xóa, tổn thương lan tỏa sau khi ho, sốt vài ngày. Kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân đồng nhiễm cúm A và Covid-19. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, bệnh nền tiểu đường, tăng huyết áp.

Số ca mắc cúm A nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gia tăng nhanh chóng.
Số ca mắc cúm A nhập viện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương gia tăng nhanh chóng.

Các triệu chứng ban đầu là ho, sốt, ba ngày sau suy hô hấp nặng, nhập viện bệnh diễn biến rất nhanh. Bệnh nhân tổn thương phổi hai bên tới 70%, phổi trắng xóa, phải thở máy và chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Bác sĩ Phúc cảnh báo, mắc cúm A chồng Covid-19 là tình trạng nguy hiểm, đặt ra nhiều thách thức cho quá trình điều trị. Cả hai bệnh đều do virus gây ra, chủ yếu tấn công vào đường hô hấp. Bệnh nhân cùng mắc hai căn nguyên ở một vị trí, quá trình điều trị khó khăn hơn rất nhiều, tổn thương cũng tiến triển nhanh hơn, bác sĩ phải đồng thời điều trị hai bệnh lý.

Hiện, sau khi điều trị tích cực, phổi của bệnh nhân đã cải thiện tuy nhiên hô hấp vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy, số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng những tuần gần đây nhưng đây không phải là sự bất thường.

Bởi vì thời điểm hiện nay giao mùa Đông - Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc lạnh, lúc nóng tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh liên quan đến đường hô hấp phát triển, trong đó có bệnh cúm.

Kết quả giám sát các trường hợp mắc cúm cũng cho thấy, các chủng virus gây bệnh đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A(H1N1), A(H3N2) và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A(H5N1), A(H5N6) hoặc A(H7N9).

Hai đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Do đó, người dân tuyệt đối không được chủ quan, đặc biệt là các đối tượng nguy cơ cao.

Số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng, tuy nhiên chưa ghi nhận các chủng virus có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người.
Số ca mắc cúm ở nước ta đang gia tăng, tuy nhiên chưa ghi nhận các chủng virus có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người.

Trước việc không ít người dân khi mắc cúm đã tự ý mua thuốc tamiflu về uống, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc người dân tự mua thuốc tamiflu về uống khi mắc cúm là không cần thiết và dễ gây hiện tượng kháng thuốc.

Thuốc tamiflu thường được chỉ định với các trường hợp mắc cúm nặng, các trường hợp có nguy cơ cao. Người bệnh không được tự ý sử dụng loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo, trong thời tiết hiện nay, không khí thay đổi thất thường là điều kiện thích hợp cho các mầm bệnh, trong đó có cúm A phát triển mạnh. Trẻ em là đối tượng nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết.

Vì vậy, phụ huynh cần hết sức lưu ý trong chăm sóc để bảo vệ sức khỏe của con. Các cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh cá nhân cho trẻ, có chế độ dinh dưỡng hợp lý để phòng ngừa cúm A và các bệnh dịch truyền nhiễm.

Bên cạnh đó các bậc phụ huynh và giáo viên cần phát hiện sớm bệnh cúm A ở trẻ để cách ly, phòng tránh lây lan trong môi trường học đường. Đặc biệt, khi phát hiện các dấu hiệu bệnh nặng, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán xác định và lên kế hoạch điều trị phù hợp.

 

Để chủ động phòng, chống bệnh cúm, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân áp dụng một số biện pháp: Thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe; đeo khẩu trang khi đi tới nơi đông người và trên các phương tiện vận chuyển công cộng.

Người dân nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay, khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Đặc biệt, người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.