Thông tin nhóm tàu Trung Quốc tiến vào EEZ của Việt Nam ở Biển Đông

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước đó, vào tháng 7/2019, nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc, trong đó có HD-8, đã liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực Nam Biển Đông

Bà Lê Thị Thu Hằng đã khẳng định điều đó khi trả lời câu hỏi của phóng viên ngày 14/4 về thông tin một nhóm tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở Biển Đông.

“Việt Nam đề nghị các nước tuân thủ các quy định liên quan của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, luật pháp quốc tế trong các hoạt động của mình và đóng góp vào hoà bình, ổn định, hợp tác ở Biển Đông”, Người phát ngôn nhấn mạnh.

 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng
Hãng tin Reuters dẫn thông tin từ Marine Traffic - trang web chuyên theo dõi di chuyển của các tàu thuyền trên thế giới, cho biết tàu khảo sát Hải dương 8 và ít nhất một tàu hải cảnh của Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 158 km.
Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh một chuỗi các hành động hung hăng của Trung Quốc vài tháng nay, giữa bối cảnh toàn cầu đang dồn sự tập trung vào việc chống lại đại dịch Covid-19. Trước đó vào ngày 2/4, Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá Việt Nam. Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 23/3 vừa qua đưa tin việc Trung Quốc xây dựng "hai trạm nghiên cứu" tại khu vực Đá Subi và Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 7/2019, nhóm tàu khảo sát của Trung Quốc, trong đó có HD-8, đã liên tục xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Đến cuối tháng 10/2019, nhóm tàu trên mới rút đi sau khi Việt Nam nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm.